Doanh nhân trẻ thổi luồng sinh khí mới vào vùng nông thôn Trung Quốc
VHO - Nông thôn Trung Quốc đang thay đổi từng ngày, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm nhờ sự trở về của các doanh nhân trẻ với khát vọng khởi nghiệp, mang theo kỹ năng số, tư duy hiện đại và tinh thần đổi mới.

Thế hệ trẻ trở về: Những nhà khởi nghiệp làng quê
Sâu trong thung lũng Vọng Tiên, miền đông Trung Quốc, khi hoàng hôn buông xuống và ánh đèn bắt đầu lung linh xuyên qua hẻm núi, cụm đình đài và những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính cheo leo trên vách đá cao hơn 110 mét như tái hiện một cõi tiên trong đời thực.
Khung cảnh gợi lên ý nghĩa sâu xa đằng sau cái tên của thung lũng này, một cái nhìn thoáng qua về chốn thần tiên, nơi mà con người có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thần tiên ngay trong đời sống trần thế.
Ít ai ngờ rằng nơi đây, thuộc thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, từng là một mỏ đá bụi bặm, nơi tiếng máy khoan ầm ĩ vang vọng giữa núi đồi.
Sau nhiều năm phục hồi sinh thái và đầu tư phát triển du lịch, thung lũng Vọng Tiên đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hơn 3 triệu lượt du khách chỉ trong năm 2024.
Xu Zhicheng, một thanh niên bản địa sinh ra vào đầu thiên niên kỷ mới, hiện là chủ một nhà nghỉ nhỏ ấm cúng gần thung lũng Vọng Tiên. Với tấm bằng đại học ngành truyền thông, Xu quyết định trở về quê hương, góp phần vào kế hoạch tái thiết vùng nông thôn nơi mình lớn lên.
“Tôi lớn lên ở đây, hồi đó toàn là bụi và đá”, anh nhớ lại. “Những năm gần đây, mỗi lần về quê ăn Tết, tôi lại thấy nơi này thay đổi từng chút một. Ngày càng nhiều người bị thu hút bởi những ngọn núi xanh tươi và dòng suối trong vắt, nên tôi nghĩ, tại sao không áp dụng những gì mình đã học được vào việc phát triển du lịch địa phương?”.
Năm 2024, Xu Zhicheng quyết định cải tạo ngôi nhà tự xây của gia đình thành một nhà nghỉ với tám phòng và một studio cho thuê trang phục truyền thống Trung Quốc để khách du lịch chụp ảnh.
Nhờ tận dụng thành thạo livestream và tiếp thị kỹ thuật số, chỉ trong nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp của anh đã thu về hơn 400.000 nhân dân tệ (khoảng 56.000 USD).
Tuy nhiên, Xu Zhicheng không dừng lại ở đó. Anh bắt đầu hỗ trợ những người hàng xóm, những người mà anh trìu mến gọi là “chú dì”, quảng bá homestay của họ thông qua các kênh trực tuyến. Studio của anh giờ đây hỗ trợ cả một mạng lưới homestay trên khắp thị trấn Vương Tiên.
“Mỗi tháng, chúng tôi mang đến cho họ hơn 100 đơn đặt hàng”, Xu nói. “Đây không phải là cạnh tranh. Mà là cùng nhau phát triển. Đây là nhà của chúng tôi”.
Từ mỏ đá thành điểm đến triệu lượt khách
Sự chuyển mình của thung lũng Vọng Tiên bắt đầu từ năm 2007 khi chính quyền địa phương quyết định đóng cửa các mỏ đá granit. Đến năm 2010, một nhà phát triển du lịch đã vào cuộc, biến nơi từng là “điểm đến ít ai ngờ tới” thành một khu du lịch sinh thái nổi tiếng, thu hút giới trẻ và các blogger du lịch khắp Trung Quốc.
Hiện nay, thị trấn Vương Tiên có hơn 340 nhà nghỉ homestay và 110 nhà hàng theo mô hình “từ nông trại tới bàn ăn”. Ngành Du lịch tại đây đã tạo ra hơn 2.000 việc làm trực tiếp, đồng thời hỗ trợ thêm 30.000 việc làm khác trên toàn khu vực.
Vương Bân, ngoài 30 tuổi, cũng là người lớn lên ở làng Vương Hiền. Sau nhiều năm làm việc ở các tỉnh ven biển Chiết Giang và Giang Tô, Vương quyết định trở về.
“Vào năm 2021, tôi bắt đầu nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ trở về quê hương để khởi nghiệp. Tôi muốn trở thành một phần của điều đó”, anh nói.
Tháng 5 năm 2023, tận dụng kinh nghiệm làm việc tại các thành phố lớn, Vương Bân đầu tư hơn 3 triệu nhân dân tệ xây dựng một khách sạn mang phong cách đô thị, cao hơn nhiều so với mức trung bình 200.000 nhân dân tệ của các homestay địa phương.
“Hầu hết các nơi đều cung cấp phòng cơ bản với giá 150 nhân dân tệ một đêm”, anh nói. “Chúng tôi bắt đầu với mức giá hơn 300 nhân dân tệ, vì chúng tôi cung cấp nhiều hơn thế, nội thất sạch sẽ, dịch vụ chuyên nghiệp và bầu không khí tinh tế mà du khách từ các thành phố mong đợi”.
Cách làm của Vương đã đặt ra một tiêu chuẩn mới, buộc các homestay khác phải nâng cấp dịch vụ. “Chúng tôi đã nâng tầm cho toàn bộ thung lũng”, anh khẳng định.
Cùng với hai đối tác trẻ khác, Xu và Vương dự định mở rộng mô hình kinh doanh với quán cà phê ven sông, quán bar theo chủ đề và khu vui chơi ngoài trời dành cho gia đình, nhằm biến Vọng Tiên thành một điểm đến giải trí trọn vẹn, không chỉ giới hạn ở khu du lịch.
“Khi tôi mới trở về, đường phố vắng tanh sau 8 giờ tối”, anh nhớ lại. “Giờ đây, cuộc sống đã nhộn nhịp, tràn ngập ánh sáng và tiếng cười. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục”.

Khởi nghiệp từ thương mại điện tử và nghề thủ công
Cách Vọng Tiên khoảng 100 km, tại làng Tiquan, nằm ở ngã ba tỉnh Giang Tây, Chiết Giang và An Huy, doanh nhân Qi Huidong cũng đang tạo nên một câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng.
Năm 20 tuổi, Qi gặp tai nạn trong khi làm việc xây dựng, bị thanh thép đâm vào chân khiến anh bị tàn tật một phần. Năm 2014, anh trở thành thành viên của một hộ gia đình thu nhập thấp được chính phủ hỗ trợ.
Nhưng Qi không cam chịu số phận. Khi làm việc tại Hàng Châu, trung tâm thương mại điện tử của Trung Quốc, anh nhận thấy cơ hội trong ngành thủ công vải. Tự học kỹ năng trên mạng, với sự hỗ trợ từ các chương trình xóa đói giảm nghèo, anh thành lập một xưởng dệt may vào năm 2016.
Từ một xưởng nhỏ, doanh nghiệp của Qi hiện đã phát triển thành một công ty quy mô lớn với hơn 100 nhân viên địa phương, trong đó có 8 người khuyết tật và 20 người thuộc các hộ nghèo.
“Nhiều nhân viên đã làm việc bên ngoài làng trước khi vào đây”, Qi chia sẻ. “Nhưng bây giờ họ có thể kiếm được trung bình 4.000 nhân dân tệ một tháng và chăm sóc gia đình”.
Không chỉ phát triển cho riêng mình, Qi còn tích cực hỗ trợ cộng đồng. Bất cứ khi nào dân làng đến học hỏi, anh đều sẵn sàng dạy nghề, thậm chí chỉ dẫn cách thiết lập và vận hành cửa hàng trực tuyến.
Nhờ cơ sở hạ tầng hậu cần cải thiện, lợi thế địa lý và thương mại điện tử phát triển, ngôi làng Tiquan từng nghèo khó nay trở thành điểm sáng của kinh doanh địa phương.
Hơn 20 doanh nghiệp dệt may đã mọc lên quanh khu vực Qi, với hơn 300 cửa hàng trực tuyến đang bán rèm cửa và đồ nội thất mềm sản xuất tại làng, đạt tổng doanh thu trực tuyến lên tới 250 triệu nhân dân tệ mỗi năm. Hơn 1.000 dân làng giờ có thể làm việc gần nhà.
Phát triển nông thôn Trung Quốc: Chìa khóa là nhân tài
Câu chuyện của Xu Zhicheng, Vương Bân và Qi Huidong là một phần trong xu hướng ngày càng tăng của giới trẻ Trung Quốc chọn quay về quê hương để khởi nghiệp, mang theo kỹ năng số, tư duy hiện đại và tinh thần đổi mới.
Trong quá trình hiện đại hóa, Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, khiến nhiều vùng quê lạc hậu và già hóa. Nhưng với hạ tầng giao thông, điều kiện sống và môi trường được cải thiện, ngày càng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và người lao động thành thị chọn quay lại hoặc chuyển về quê.
Dữ liệu chính thức cho thấy hơn 12 triệu người đã trở về nông thôn để khởi nghiệp, thúc đẩy sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới và mô hình kinh doanh sáng tạo.
Từ năm 2020 đến 2024, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn Trung Quốc đã tăng từ 17.131 nhân dân tệ lên 23.119 nhân dân tệ, tương đương mức tăng gần 35% chỉ trong bốn năm. Riêng năm 2024, thu nhập nông thôn tăng 6,3% theo giá trị thực, vượt mức tăng thu nhập của cư dân thành thị.
“Chìa khóa để phục hồi nông thôn nằm ở nhân tài”, Han Wenxiu, Phó giám đốc điều hành Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, nhấn mạnh tại một cuộc họp báo đầu năm nay.
“Ý tưởng cốt lõi là thu hút mọi người thông qua các cơ hội phát triển rộng lớn mà vùng nông thôn mang lại và giữ chân họ bằng một môi trường nông thôn đáng sống và bình dị”, ông Han nói.
“Những mối quan tâm như phát triển nghề nghiệp và an sinh xã hội cũng sẽ được giải quyết, để những người trẻ không chỉ có thể ở lại vùng nông thôn mà còn phát triển mạnh ở đó”, ông nói thêm.