DMZ liên Triều - vùng đất bí ẩn nhất thế giới
VHO- Đến Hàn Quốc, một trong những chương trình hấp dẫn nhất là tour DMZ, tới thăm vùng đất bí ẩn nhất thế giới. Chương trình này đã được giới thiệu cho đoàn khảo sát tuyến, điểm du lịch dành cho các nhà báo và các hãng lữ hành, đại lý vé máy bay do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam và Korean Air tổ chức từ ngày 12- 16.3.2019.
Trên cây cầu nối 2 miền Triều Tiên
Khát vọng từ vùng đất “chết”
Kể từ sau Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký kết vào năm 1953, vùng đất phi quân sự (DMZ) được thiết lập đã trở thành vùng đất khiến du khách tò mò nhất thế giới.
Hai miền Nam và Bắc Triều đều lùi 2km sau vỹ tuyến 38, tạo thành khu phi quân sự rộng 4km, dài 248 km dọc theo vỹ tuyến này, được canh gác cẩn mật. DMZ trải dài phần lớn từ Gyeonggi-do đến Gangwon-do, bao gồm 7 thành phố khác nhau và các quận nhỏ hơn Paju, Yeoncheon, Cheorwon, Hwacheon, Yanggu, Inje và Goseong. Khu vực này đã được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của con người trong khoảng 6 thập kỷ và vô tình trở thành nơi trú ẩn của động vật hoang dã, khiến nó trở thành điểm đến nổi tiếng dành cho những người yêu thiên nhiên.
DMZ là mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất với hàng triệu binh lính cả hai phía , những hàng rào dây thép dày đặc, cao vút, nó khiến người ta hiểu hơn, khao khát hơn về sự thống nhất, về hòa bình nhân loại. Hàn Quốc đã biến vùng này trở thành khu du lịch hấp dẫn. Du khách tới đây phải mang theo hộ chiếu, được kiểm tra nghiêm ngặt và chỉ chụp ảnh những nơi được quân đội cho phép.
Todd Iisoo Seo, trưởng phòng du lịch quốc tế của Cục Du lịch Gyeonggi và hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới tham quan khu Imjingak, khu trải nghiệm quân sự Camp Greaves, đường hầm xâm lược thứ 3, đài quan sát Dora... cách thủ đô Soeul khoảng 45km.
Imjingak là địa điểm du lịch đi đầu về chủ đề chiến tranh Triều Tiên, nổi tiếng không kém Seoul, Jeru, Nami... Công viên Imjingak nằm bên bờ sông Imjin, cách đường giới tuyến quân sự 7 km và thuộc địa phận huyện Munsan, thành phố Paju, Hàn Quốc. Công viên này được xây dựng năm 1972 với hy vọng một ngày nào đó hai miền sẽ thống nhất. Đài tưởng niệm ở công viên Imjingak là nơi hằng năm người dân Hàn Quốc tới đây để cầu nguyện cho hòa bình và những người Triều Tiên hướng về quê hương. Mảnh đất Imjingak cũng là mảnh đất nối liền giữa hai miền Nam - Bắc
Ai đến Imjingak đều muốn đặt chân đến cây cầu Tự Do. Cây cầu này dự định sẽ bắc qua sông Imjin, nhưng do hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn bị chia cách nên vẫn chưa được xây xong. Cầu được cựu tổng thống Lee Seung Man đặt tên sau khi hàng chục nghìn tù nhân của cuộc chiến Triều Tiên được trả tự do vào năm 1953. Sau khi kết thúc cuộc trao trả tù nhân, chiếc cầu đã bị đóng lại vĩnh viễn. Đứng từ điểm cầu cuối cùng dang dở phía Hàn Quốc có thể nhìn thấy những vết đạn chằng chịt dưới những chân cầu đã xây.
Đường đi xuống cầu Tự Do, người dân treo vô vàn dải băng ghi lời nguyện ước của người dân Hàn Quốc về hòa bình, dù phía trên vẫn là hàng rào dây thép gai lạnh lẽo, quấn chặt.
Có 4 đường hầm được đào từ phía Triều Tiên sang Hàn Quốc. Trong chuyến đi này, chúng tôi đến đường hầm số 3. Theo giới thiệu, đường hầm này được phát hiện vào năm 1978, đường hầm xâm nhập thứ 3 đã được quân đội miền Bắc đào để do thám các bên hỗ trợ phía Nam của họ. Đường hầm dài 1.635 mét, với chiều cao và chiều rộng 2 mét. Ước tính có hơn 30.000 binh sĩ có thể đi qua đường hầm chỉ trong một giờ. Đây là đường hầm dài nhất, đào sâu vào nội địa Hàn Quốc 1km ở độ sâu 73m. Đến đây, không thể hiểu nổi làm thế nào binh lính Triều Tiên có thể đào được đường hầm này. Vào đường hầm, khách du lịch phải gửi lại các loại máy ảnh, máy quay, điện thoại và đội mũ bảo hiểm. Ở ranh giới liên Triều, 3 bức tường bê tông được dựng lên dưới đường hầm. Họ không sang được nhau, dù chỉ cách một bước chân, sang kia đã là một đất nước khác, dù trước đó, họ có thể cùng chung một gia đình, một quê hương.
Ở nhà trưng bày trong khu DMZ, chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu ngắn. Bên cạnh hình ảnh của một em bé đang đứng run rẩy, hoảng loạn bên người mẹ bị thương là hình ảnh những bông hoa, những đàn cá, cảnh chim mẹ mớm mồi cho chim non ở vùng đất đã từng là nơi lửa đạn đau thương, giờ thì hoang vắng, khô cằn. Tất nhiên bộ phim này không thể nói hết được nỗi đau chia cắt, không thể hiện được khát vọng hòa bình nhưng nó cũng làm cho người ta hiểu, giá trị của bình yên, của thống nhất về lại một nhà và thiên nhiên ở một góc nào đó, vẫn vô cùng tươi đẹp nơi đây.
Trên đài quan sát cực bắc Dora, có thể thấy quang cảnh Triều Tiên với thành phố Gaeseong, núi Songaksan, tượng Kim Il- sung và khu công nghiệp chung Triều Tiên- Hàn Quốc ở phía xa, cột cờ Triều Tiên và Hàn Quốc đối nhau, 2 ngôi làng của Triều Tiên và Hàn Quốc gần nhất...
DMZ - “nơi chấm dứt chia cắt và bắt đầu thống nhất”
Cuối năm 2018, nhằm quảng bá hình ảnh mới về du lịch Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) đã phát động chiến dịch mang tên #LoveforDMZ (www.lovefordmz. com) với mục tiêu thu hút và đẩy mạnh quảng bá du lịch tại khu vực phi quân sự của Hàn Quốc.
Chỉ sau 2 tuần khởi động, chiến dịch đã thu hút hơn 20 nghìn người tham gia đến từ 137 quốc gia trên toàn thế giới. Hình ảnh những trái tim với nhiều màu sắc rực rỡ, đa dạng tràn ngập khắp Instagram và Facebook.
Chiến dịch #LoveforDMZ được xây dựng với thông điệp giới thiệu về khu vực phi quân sự DMZ - vùng đất thiên nhiên hoang sơ đầy bí ẩn chưa hề có sự tác động của bàn tay con người trong suốt nửa thế kỉ vừa qua. Các nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc như nhóm nhạc EXO (Đại sứ du lịch Hàn Quốc năm 2018), nhóm nhạc Red Velvet, diễn viên Ryu Seung Ryong, diễn viên hài Kim Byung Man, ca sĩ Hwang Ji Yeol,... cũng đã tích cực tham gia vào chiến dịch này với vai trò khuyến khích, kêu gọi mọi người tham gia, góp phần phổ biến rộng rãi hơn về hình ảnh của khu vực phi quân sự DMZ với tư cách là một tài nguyên du lịch tiềm năng của Hàn Quốc.
Thông qua chiến dịch #LoveforDMZ, hình ảnh “thả tim” và thông điệp về DMZ được gửi đến từ những người tham gia đến từ khắp nơi trên thế giới được sử dụng để làm hình ảnh quảng bá trong video trình chiếu dưới hình thức của một đường sắt ảo mang tên “Vùng đất mới DMZ” được thiết kế dưới dạng media-art trên cầu Dokgae nằm tại công viên Hòa bình Imjingak.
Cầu Dokgae tại sông Imjin vốn dĩ là cây cầu duy nhất nối liền hai miền Nam - Bắc xưa nay là Hàn Quốc và Triều Tiên, trải qua cuộc chiến tranh diễn ra tại Hàn Quốc với nhiều lần hứng chịu bom đạn, cây cầu cho đến ngày nay còn được lưu lại với những vết tích y nguyên của cuộc chiến tranh ấy. Qua chiến dịch, những ước mong và thông điệp của toàn thể người dân trên thế giới gửi đến chiến dịch sẽ được trình chiếu dưới hình ảnh của một đường tàu ảo bị tách rời được nối liền lại và hơn cả việc nối liền tới Triều Tiên, con đường hòa bình này sẽ được nối kéo dài tới tận lục địa Á, Âu.
Từ đài quan sát Dora trở xuống, sau khi đã nhìn thấy hình ảnh ở khu phi quân sự, người ta có nhiều thời gian hơn để nghĩ đến sự chia cắt của 2 miền Triều Tiên và ước vọng nối liền. Dòng chữ nổi bật trên nền xanh quân đội “nơi chấm dứt chia cắt và bắt đầu sự thống nhất” có lẽ không phải chỉ là mong ước của những người Hàn Quốc lẫn Triều Tiên, mà của cả thế giới. Cứ nhìn hình ảnh khách du lịch quốc tế lẫn nội địa từ khắp nơi đổ về vùng DMZ liên Triều cũng thấy rõ điều đó.