Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn

KHÁNH CHI

VHO - Di tích nhà thờ tộc Nguyễn Tường (số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một địa chỉ văn hóa gắn với những câu chuyện lịch sử, văn chương với dấu ấn của nhóm Tự lực văn đoàn.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 1
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường là một trong sáu công trình kiến trúc nằm trong ô vé tham quan khu phố cổ Hội An

Đặc biệt, ngôi nhà thờ tộc hơn 200 năm tuổi có kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn lưu giữ rất nhiều tư liệu, kỷ vật gắn với dòng họ khoa bảng Nguyễn Tường ở Hội An và sự phát tích của nhóm Tự lực văn đoàn được nhiều du khách ghé thăm khi đến Hội An.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 2
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường khởi dựng năm 1806, là quan dinh của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822) dưới triều Minh Mạng

Con trai thứ của cụ Nguyễn Tường Vân là Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, là ông cố của ba anh em nhà văn Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo)- những nhân vật sáng lập, chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, góp phần đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 3
Nhiều tư liệu Hán Nôm, sắc phong các đời vua vẫn còn được lưu giữ tại nhà thờ tộc

Tại nhà thờ hiện lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn hàng trăm tư liệu Hán Nôm có niên đại chủ yếu từ thế kỷ 18-20, thể loại đa dạng như một giá trị di sản của dòng họ khoa bảng nổi danh này.

Trong đó có sử liệu về hành thuật của Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh; Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ,…Các chiếu chỉ, sắc phong của các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái thời Nguyễn thăng chức cho nhiều người trong dòng họ này,…

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 4
Di tích có sự kết hợp hài hòa giữa 3 lối kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa

Tổng thể cấu trúc 3 gian 2 chái; kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương. Công trình được các nghệ nhân làng mộc truyền thống Kim Bồng - Hội An thi công với những chi tiết đặc trưng của kiến trúc nhà cổ Hội An như mắt cửa, hoa văn họa tiết trên hệ thống cột kèo chạm trổ tinh xảo.  

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 5
Nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường là một trong những nơi phát tích của nhóm Tự lực văn đoàn, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật của dòng họ khoa bảng nổi danh Nguyễn Tường

Năm 2008, nhà thờ được xếp hạng di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2013, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền hình TP Hội An và hậu duệ tộc họ Nguyễn Tường cùng phối hợp chỉnh trang, bài trí lại không gian để mở cửa đón khách tham quan, trở thành một trong sáu công trình kiến trúc nhà cổ, nhà thờ nằm trong ô vé tham quan khu phố cổ Hội An.

Tháng 11.2023, nhà thờ dòng họ Nguyễn Tường được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận du lịch xanh 2/3 Lá sâm Ngọc Linh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.

Trung bình mỗi tháng di tích này đón 15 nghìn lượt khách mỗi tháng. Nơi đây cũng đã đón đoàn Phó thủ tướng Thái Lan, Đại sứ Ba Lan, đoàn Bộ Giáo dục Lào,…đến tham quan.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 6
Tư liệu, tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn trưng bày tại nhà thờ

TP Hội An cũng hỗ trợ dự án thành lập tủ sách “Tự lực văn đoàn” đặt tại đây, trưng bày các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của 3 anh em họ Nguyễn Tường; các bức tranh vẽ bằng mực tàu, giấy dó của Thạch Lam, Nhất Linh. Ngoài ra còn sưu tầm, trưng bày thêm một số tác phẩm, bút tích của nhóm Tự lực văn đoàn với các tác giả Thế Lữ, Xuân Diệu, Khái Hưng,…

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 7
Tủ sách trưng bày các tác phẩm của nhà văn Thạch Lam

Bên cạnh nguồn sách, tư liệu quý giá về nhóm mà dòng tộc còn lưu giữ, dự án cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ các văn nghệ sĩ, nhà xuất bản, nhà sách, những người yêu sách, con cháu tộc Nguyễn Tường.

Nơi đây cũng là điểm tổ chức các hoạt động có liên quan đến văn hóa đọc và sự nghiệp văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn, được nhiều du khách, các nhà nghiên cứu, những người yêu sách ghé thăm để có thể hiểu thêm về nhóm Tự lực văn đoàn ngay tại không gian phát tích của nhóm.

Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương mang dấu ấn Tự lực văn đoàn - ảnh 8
Nhiều hiện vật, tư liệu của dòng họ còn lưu giữ trong không gian nhà thờ tộc

Ngoài nhà thờ nổi tiếng tại số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, tại Hội An hiện còn có nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì nằm ở khu phố Tu Lễ, phường Cẩm Phô, là nơi thờ tự Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ cùng hậu duệ.  

Ngôi nhà thờ này được xây dựng sau, cũng lưu giữ khá nhiều thư tịch, di cảo quý giá, gắn liền với Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ. Có di bút của Phạm Phú Thứ gửi cụ Nguyễn Tường Phổ về việc lập văn miếu Điện Bàn, bình thơ Nguyễn Tường Phổ. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật, tư liệu của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc