Dấu ấn “Tự lực văn đoàn” nơi nhà thờ tộc

VHO- Với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, lưu giữ rất nhiều tư liệu, kỷ vật gắn với dòng họ khoa bảng Nguyễn Tường ở Hội An và sự phát tích của nhóm Tự lực văn đoàn, di tích nhà thờ tộc Nguyễn Tường (số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hội An, Quảng Nam) đã trở thành địa chỉ văn hóa được nhiều du khách ghé thăm khi đến Hội An.

Dấu ấn “Tự lực văn đoàn” nơi nhà thờ tộc - Anh 1

 Di tích kết hợp hài hòa kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa

Tộc Nguyễn Tường ở Hội An là một dòng tộc nổi danh về truyền thống khoa bảng với những tên tuổi đỗ đạt cao, làm quan lớn thời triều Nguyễn. Nhà thờ tộc khởi dựng năm 1806, được người dân địa phương gọi là dinh ông Lớn, là quan dinh của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822) dưới triều Minh Mạng. Con trưởng của cụ Nguyễn Tường Vân là Nguyễn Tường Vĩnh (Tuần vũ Định Tường), đỗ Phó bảng thứ nhất tại kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất (1838) và được bổ làm nhiều chức quan triều đình. Con trai thứ là Nguyễn Tường Phổ, năm Nhâm Dần (1842) đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Ông từng làm qua các chức Hàn lâm viện biên tu ở Nội các, tri phủ Hoằng An (Bến Tre), tri phủ Tân An (Gia Định), Giáo thọ Điện Bàn (Quảng Nam), Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương.

Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ chính là ông cố của ba anh em nhà văn Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), những nhân vật sáng lập, chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, góp phần đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông Nguyễn Tường Hưng, hậu duệ đời thứ 12 tộc Nguyễn Tường cho biết, nhà thờ được tôn tạo lần đầu vào năm Duy Tân thứ 3 (1909). Năm 2005 một lần nữa được trùng tu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí, còn lại là đóng góp của con cháu gia tộc. Di tích được xếp hạng di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2008.

Tại nhà thờ hiện lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn hàng trăm tư liệu Hán Nôm có niên đại chủ yếu từ thế kỷ XVIII-XX, thể loại đa dang như gia phả, hành thuật, sắc, chiếu, bằng cấp, tấu, đơn, khế ước, các sáng tác thơ, văn, đối liên,… Trong những tài liệu ghi chép về những vị khoa bảng của tộc Nguyễn Tường có bản hành thuật miêu tả đầy đủ về con đường làm quan của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân; những sử liệu về hành thuật của những người con như Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh; Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ,…

Dấu ấn “Tự lực văn đoàn” nơi nhà thờ tộc - Anh 2

 Tủ sách, nơi trưng bày các tác phẩm của các nhà văn Nhất Linh - Hoàng Đạo - Thạch Lam trong không gian nhà thờ tộc Nguyễn Tường

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, những tài liệu, văn bản Hán Nôm tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường được lưu giữ và bảo tồn như một giá trị di sản của dòng họ khoa bảng nổi danh này. Đồng thời cũng là một minh chứng phản ánh những giá trị chân thật về lịch sử, văn hóa, xã hội của dân tộc ta. Từ đó truyền tải những giá trị giao thoa giữa quá khứ, hiện tại cho thế hệ sau.

Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền hình TP Hội An chia sẻ, năm 2013 Trung tâm và hậu duệ tộc họ Nguyễn Tường cùng phối hợp chỉnh trang, bài trí lại không gian để nhà thờ tộc hơn 200 năm tuổi này mở cửa đón khách tham quan, trở thành một trong sáu công trình kiến trúc nhà cổ, nhà thờ nằm trong ô vé tham quan khu phố cổ Hội An. Thời điểm đó, TP Hội An cũng hỗ trợ triển khai dự án thành lập tủ sách “Tự lực văn đoàn” đặt tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường để tạo nên điểm tham quan di tích kiến trúc giàu giátrịvăn hóa và nghệ thuật. Bên cạnh nguồn sách, tư liệu quý giá về nhóm mà dòng tộc còn lưu giữ, dự án cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ các văn nghệ sĩ, nhà xuất bản, nhà sách, những người yêu sách, con cháu tộc Nguyễn Tường.

Sau khi dự án được đưa vào sử dụng, nơi đây đã trở thành điểm tổ chức các hoạt động có liên quan đến văn hóa đọc và sự nghiệp văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn. Được nhiều du khách, các nhà nghiên cứu, những người yêu sách ghé thăm để có thể hiểu thêm về nhóm Tự lực văn đoàn ngay tại không gian phát tích của nhóm. Tại nhà thờ hiện có các tủ sách trưng bày tác phẩm của ba anh em họ Nguyễn Tường với các tác phẩm đã làm nên tên tuổi họ như Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Trước vành móng ngựa (Hoàng Đạo)...; các bức tranh vẽ bằng mực tàu, giấy dó của Thạch Lam, Nhất Linh. Ngoài ra còn sưu tầm, trưng bày thêm một số tác phẩm, bút tích của nhóm Tự lực văn đoàn với các tác giả Thế Lữ, Xuân Diệu, Khái Hưng,… Nhiều người yêu sách, các bạn trẻ cũng thường xuyên tìm đến để đọc, tham quan. Mỗi năm, nơi đây bán được trung bình 800 cuốn sách.

Những tài liệu này không chỉ lột tả được những câu chuyện văn học, những giá trị lịch sử, mà còn làm sâu sắc thêm những truyền thống văn hóa của vùng đất Hội An. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc