Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi

KHÁNH CHI

VHO - Di tích tín ngưỡng miếu tổ nghề yến ( Yến nghệ Tổ miếu) nằm ở Bãi Hương thuộc cụm đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Đà Nẵng) là nơi lưu dấu bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu nổi tiếng. Ngày nay, cùng với lễ hội giỗ tổ nghề yến, di tích này trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu trên hành trình tham quan, khám phá Cù Lao Chàm của du khách.

 Ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu để thờ tổ nghề khai thác yến sào và các vị thần bảo hộ nghề. 

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 1
Di tích miếu tổ nghề yến nằm tại thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Đà Nẵng (trước đây thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Trong các nghề khai thác, đánh bắt thì khai thác yến sào là một nghề đặc biệt mang đậm dấu ấn biển đảo và lưu dấu nhiều thông tin về chính sách kết hợp giữa khai thác kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vương triều quân chủ Đại Việt, Đại Nam.

Làng Thanh Châu ở Hội An nổi danh là làng nghề khai thác tổ chim yến trong các hang đá ở đảo Cù Lao Chàm, ra đời từ thế kỷ XVI dưới thời chúa Nguyễn.

Đầu năm 2017, Bộ VHTTDL đã chính thức công nhận nghề khai thác yến sào Thanh Châu thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hội An Đông, thành phố Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 2
Bắt giàn khai thác tổ chim yến trong các hang đá ở đảo Cù Lao Chàm

Bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu ở các di tích tín ngưỡng hiện tồn tại ở Hội An như miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương (Cù Lao Chàm); miếu tổ nghề yến ở Cẩm Thanh (làng Thanh Châu xưa); các truyền thuyết dân gian về sự tích Nàng Yến, về người phát hiện ra tổ yến ở Cù Lao Chàm…

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 3
Tấm bia khắc thông tin trước di tích miếu tổ nghề Yến tại Cù Lao Chàm

Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu biển, liễn, bia đá tại miếu tổ nghề yến hiện còn ghi, có thể khẳng định, từ đời Gia Long trở đi ông Hồ Văn Hòa làm quan kiêm chức quản yến cùng con cháu thay nhau trông coi việc khai thác yến sào.Từ đó, các thế hệ con cháu sau này gọi ông tổ nghề yến là ông Hồ Văn Hoà.

Ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu để thờ tổ nghề khai thác yến sào và các vị thần bảo hộ nghề. 

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 4
Di tích miếu tổ nghề yến được xây dựng trên một gò cát cách bờ biển thuộc Bãi Hương khoảng 150m, mặt tiền xoay ra hướng biển, nhìn vào đất liền

Đặc biệt, du khách có thể đi bộ quanh làng, cùng hòa mình vào nhịp sinh hoạt của người dân ở Bãi Hương và nghe chính cư dân ở đây kể những truyền thuyết gắn với di tích và nghề khai thác yến nổi tiếng ở đây.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 5
Làng chài Bãi Hương- nơi có di tích miếu tổ nghề Yến

Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, có địa hình đồi núi, gồm 7 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành hình vòng cung và 8 bãi cát vàng sạch, mịn. Dân cư tập trung chủ yếu ở bãi Làng và bãi Hương.

Những vách đá cheo leo địa hình nơi đây với những vách đá cheo leo ấy lại là nơi cư trú của đàn chim yến với các tổ yến sào giàu dinh dưỡng.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 6
Cổng vào di tích

Di tích có cổng tam quan đồ sộ, trên lối đi chính đắp nổi 4 chữ Hán “Yến Nghệ Tổ miếu”, 2 bên trụ có 2 câu đối “Bách linh sở tụy tinh anh khí - Vạn vũ quân chiêm vũ lộ ân”.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 7
Phía trước có khoảng sân rộng, ở giữa sân có bình phong kiểu cuốn thư cao 1,6m, rộng 2,6m.

Cổng được sơn đỏ viền trắng, vàng, đắp hồi văn mang ý nghĩa cát tường. Hệ thống cửa bằng gỗ, gồm 6 cánh kiểu thượng song hạ bản. 

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 8
Mặt trước bình phong đắp hình hổ với tư thế đang bước xuống những tảng đá gập gềnh, là hiện thân của vật canh cửa thần
Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 9
Mặt bên trong đắp phong cảnh sơn thuỷ, màu sắc hài hòa, cùng với hình tượng hồi văn ở cuốn thư làm cho bức tranh khá sinh động

Công trình chính gồm 2 nếp nhà thông với nhau, lợp ngói âm dương.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 10
Công trình chính gồm 2 nếp nhà thông với nhau, lợp ngói âm dương

Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu chồng rường giả thủ, liên kết giữa các rường và hoành bởi những trụ đội và con sơn uốn cong lên mái ngói. 

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 11
Hai lối đi ở hai bên theo kiểu cửa vòm, hai cửa ở hai đầu hồi, tường thành bao bọc chung quanh

Nếp thứ hai cách nếp thứ nhất qua hệ thống cửa gỗ thượng song hạ bản, là không gian dành cho việc thờ cúng với các bệ thờ chính giữa, bệ thờ tả, hữu, bệ thờ hai bên,…Hệ thống cột kèo bố trí đơn giản hơn nếp nhà trước.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 12
Trên các xà hạ là những bức hoành sơn son thếp vàng hài hòa cân đối

Trong không gian thờ cúng bố trí những bàn hương án thờ bài trí các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào và các vị thần liên quan đến sông nước. 

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 13
Không gian phía trong bố trí thờ cúng

Các khám thờ kết hợp giữa chạm lộng, chạm nổi được sơn son thếp vàng, với những đồ án bát bửu đã tạo nên một vẻ đẹp uy nghiêm, rực rỡ.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 14
Trên tường có tấm bia đá ghi lại công đức của chư thần và ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao xứ, quanh trán bia trang trí rồng chầu lưỡng nghi, hồi văn viền quanh Hán tự

Các hiện vật trong di tích hiện còn lưu giữ có 3 bức hoành (thời Thiệu Trị, Tự Đức và 1 bức không xác định chính xác niên đại nhưng đoán định khoảng đầu thế kỷ 20); 6 khám thờ có chạm trổ hoa văn sắc nét, sơn son thếp vàng; 14 bài vị gỗ viền hoa lá, chạm rồng, của các vị thần; một tấm bia đá năm Tự Đức thứ 8.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 15
Với hai nếp nhà, lối kiến trúc liên hoàn, xây tường bốn mặt gần như bịt kín nên tạo cho ta cảm giác sâu hút như một hang động

Di tích miếu tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm làm phong phú loại hình di tích kiến trúc tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề cả về quy mô, kiểu dáng kiến trúc và nội dung thờ cúng.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 16
Di tích góp phần làm tôn thêm sự phong phú điểm tham quan du lịch cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

Vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm, cư dân Cù Lao Chàm tổ chức lễ giỗ Tổ nghề yến tại miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương nhằm tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác yến.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 17
Các bậc cao niên thực hiện nghi thức cúng tế tại lễ giổ Tổ nghề yến tổ chức tại miếu tổ hằng năm. Đồng thời cầu an đầu năm cho cộng đồng cư dân, nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo

Những năm gần đây, lễ giỗ Tổ nghề yến còn được kết hợp tổ chức các chương trình văn hóa - du lịch, thu hút những người làm nghề khai thác yến cùng du khách về tham dự.

Đến Cù Lao Chàm, khám phá di tích miếu tổ nghề yến hơn 170 năm tuổi - ảnh 18
Những người làm nghề khai thác yến hành hương về nguồn tham dự giỗ tổ ngành yến tại di tích miếu tổ nghề yến Cù Lao Chàm

Đây là một sự kiện quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa và sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc