Giữ nghề truyền thống khai thác yến sào Thanh Châu - Hội An

VHO - Bên cạnh hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, từ bao đời nay, ngư dân ở các vùng biển, đảo Quảng Nam luôn cố gắng lưu giữ, phát huy, truyền dạy những nghề truyền thống độc đáo liên quan đến văn hóa, không gian biển đảo. Trong đó, có thể kể đến những nỗ lực để giữ gìn và phát huy nghề khai thác yến sào Thanh Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Giữ nghề truyền thống cũng là giữ văn hóa biển đảo

Vùng biển đảo Hội An - Cù Lao Chàm là một trong những “quê hương” mà chim yến về làm tổ, tập trung ở các hang thuộc hòn Ông, hòn Lá, hòn Khô, hòn Tai, hòn Lao,... Việc tiếp cận, quản lý, tổ chức khai thác nguồn lợi biển đảo đặc biệt này đã được thực hiện khá sớm từ thời Champa và tiếp theo là thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Một số lượng không ít tổ yến đã được đưa ra thị trường sau khi nộp thuế cho nhà nước, trở thành mặt hàng tranh mua của thương khách Trung Hoa và một số nước Đông Nam Á.

Giữ nghề truyền thống khai thác yến sào Thanh Châu - Hội An - Anh 1

Các bậc cao niên, người dân tham gia lễ cúng tế tại Lễ giỗ Tổ nghề yến

Nghề khai thác yến sào tại các hòn đảo duyên hải Đàng Trong đã được chuyên môn hóa với việc giao cho xã Thanh Châu chuyên về nghề này. Ngày nay, một phần lớn địa bàn xã Thanh Châu thuộc xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tại đây còn 1 địa danh cổ là “làng Yến” và người làng này hiện vẫn đang là lực lượng chính làm nhiệm vụ giữ gìn và khai thác yến sào tại Hội An. Ngoài ra, như Lê Quý Đôn ghi chép, dân làng này còn tản cư đi các nơi ở Quy Nhơn, Khánh Hòa để mở rộng nghề khai thác yến sào. Việc phát triển nghề khai thác yến sào ngay từ thế kỷ 16, 17 cho thấy khả năng thích ứng nhanh của cư dân Việt đối với môi trường biển đảo tại vùng đất mới. 
Năm 2016, nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân, người nuôi chim yến nhiều nơi về tham gia lễ giỗ Tổ nghề yến tại miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương- Cù Lao Chàm nhằm tưởng nhớ đến tổ nghề, các vị thần bảo trợ và những vị tiền nhân đã sáng tạo và phát triển nghề khai thác yến sào Thanh Châu nổi tiếng của Hội An cũng như xứ Quảng Nam từ mấy trăm năm trước.

Giữ nghề truyền thống khai thác yến sào Thanh Châu - Hội An - Anh 2

Làm giàn thu tổ yến sào  tại hang Tò Vò - Cù Lao Chàm

Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, quá trình chung sống, tương tác lâu dài với biển đảo của các lớp cư dân Hội An đã cho ra đời tại địa phương một ngành kinh tế mới là nghề biển, với nhiều cách thức khác nhau từ khai thác, đánh bắt đến gia công, chế biến, vận chuyển, dịch vụ, buôn bán. 
Bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu ở các di tích tín ngưỡng hiện tồn tại ở Hội An như miếu Tổ nghề yến ở Cẩm Thanh; miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương- Cù Lao Chàm; ở các truyền thuyết dân gian về sự tích Nàng Yến, về người phát hiện ra tổ yến ở Cù Lao Chàm… Cùng với các nguồn tư liệu dân gian, tư liệu ký ức, tại Hội An và Khánh Hòa hiện đang lưu giữ 30 tư liệu văn bản liên quan đến nghề khai thác yến sào thời nhà Nguyễn. 
“Đặc biệt hơn đây là một nghề phản ánh sinh động, sâu sắc truyền thống kinh tế - văn hóa biển đảo của người Việt cũng như chính sách khai thác kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo từ khá sớm của các vương triều quân chủ nước ta. Đây là những vấn đề khá thú vị cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhằm vận dụng có hiệu quả để phát huy truyền thống biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay”, nhà nghiên cứu Trần Văn An chia sẻ. 

Đội “cứu hộ” chim yến non

Khai thác yến sào là một nghề đặc biệt, đòi hỏi người làm nghề phải chịu đựng được sóng gió, có khả năng leo trèo trên các vách đá trong các hang yến để hái gỡ tổ yến. Tại Quảng Nam, và có lẽ trước đây, trên cả nước ta, chỉ có dân làng Thanh Châu là theo về nghề này. Các bậc tiền nhân nơi đây không những đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý trong bảo tồn và phát triển đàn yến tự nhiên để truyền lại cho thế hệ mai sau mà còn có công trong bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo.
Tại Hội An, việc khai thác yến sào được giao cho Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm ( gọi tắt BQL) đóng trên đảo Hòn Khô, Cù Lao Chàm thực hiện. Đặc biệt, hơn 4 năm qua, BQL đã thành lập đội cứu hộ chim yến non rơi tổ để thực hiện việc trông coi hang yến, cứu hộ chim yến non rớt tổ, chăm sóc cho đến khi cứng cáp, khỏe mạnh, theo đàn về lại với thiên nhiên. Qua đó, góp phần cải thiện tình trạng hao hụt đàn yến hàng năm, bổ sung tái tạo đàn yến tự nhiên.

Giữ nghề truyền thống khai thác yến sào Thanh Châu - Hội An - Anh 3

Chim yến non bị rơi khỏi tổ được nuôi tại nhà cứu hộ Cù Lao Chàm

Trên đảo Cù Lao Chàm, có khoảng 11 hang yến tự nhiên, tầm tháng 7 mùa chim yến sinh sản, trong các hang có hàng nghìn tổ yến nằm cheo leo trên vách dựng đứng. Mỗi tổ yến có hai con non, chim bố mẹ bay đi tìm thức ăn trong đất liền. Chỉ một sự bất cẩn, chim yến non sẽ nhoài ra ngoài tổ, rớt từ độ cao hơn 10m xuống, bị sóng biển cuốn trôi, hoặc rơi trúng vách đá thương tật đầy mình. Những năm thời tiết khắc nghiệt, vào mùa sinh sản, mỗi ngày có cả hàng nghìn chim non rơi khỏi tổ. 

Kỹ sư Huỳnh Ty, một trong những người khởi xướng dự án cứu hộ chim yến non bị rơi tổ cho biết ông và các cộng sự nhận được sự tư vấn kỹ thuật ban đầu của Công ty yến sào Khánh Hòa. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình cứu hộ chim yến khép kín từ nhà nuôi dưỡng, nhà tập bay và thả chim vào hang tự nhiên. Kỹ thuật thu chim yến non rơi tổ tại các hang qua hệ thống giàn lưới hứng dưới đáy hang để đưa về nhà cứu hộ đặt tại hang Mũi Dứa, đảo Hòn Lao, nuôi dưỡng, tập bay tại nhà lưới được xây dựng liền kề. Một chu kỳ nuôi chim yến non được cứu hộ đủ khỏe mạnh, cất cánh về lại theo đàn thường diễn ra 45 ngày. Năm 2018, nhóm đã cứu hộ thành công và thả về tự nhiên 400 chim yến trong số 500 chim yến non rơi khỏi tổ, năm 2019 và 2020, thả về tự nhiên 650 chim, tỷ lệ cứu sống 80-90%,…
Nguồn lợi tổ yến tại Cù Lao Chàm từ xưa đến nay được khai thác chủ yếu bằng kinh nghiệm của người dân địa phương truyền lại từ nhiều đời. Chưa có nhiều cải tiến kỹ thuật trong việc quản lý, bảo vệ đàn chim và khai thác tổ. Hoạt động khai thác tổ cũng ảnh hưởng khá lớn đến quần thể đàn chim yến. Tỉ lệ chim non rời tổ mỗi năm phụ thuộc vào quá trình khai thác tổ. Do đó, cần nghiên cứu kỹ thời điểm khai thác tổ phù hợp để vừa đảm bảo mang lại nguồn lợi từ yến đảo vừa phát triển bền vững quần đàn chim yến đảo.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc