Để không đứt gãy nguồn nhân lực du lịch

VHO- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Du lịch, Bộ VHTTDL vẫn luôn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát và tìm cách giữ chân nguồn nhân lực du lịch.

Để không đứt gãy nguồn nhân lực du lịch - Anh 1

 Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là chính sách thiết thực giúp phục hồi du lịch Ảnh: BÌNH THUẬN

 Bộ VHTTDL đã đề xuất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lao động trong ngành Du lịch nhằm chia sẻ khó khăn và mong muốn các lao động sẽ ở lại, sẽ quay về, tiếp tục đồng hành trên con đường phát triển của ngành trong tương lai.

Nguy cơ “chảy máu” nhân lực

Dịch bệnh kéo dài khiến ngành Du lịch chưa thể hồi phục. Không những thế, các doanh nghiệp du lịch ngày càng kiệt quệ, tình trạng lao động bỏ nghề để tìm việc mới mưu sinh là không tránh khỏi. Thực tế đau xót là hiện nay du lịch “đóng băng”, 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm đóng cửa, hàng trăm công ty lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành để lấy lại tiền ký quỹ. Khách sạn không có khách, đóng cửa rao bán hàng loạt. Những khách sạn còn hoạt động cũng chỉ giữ lại bộ khung. Nhân lực du lịch phần lớn thất nghiệp, chuyển nghề, tạm nghỉ việc và chật vật tìm việc khác để duy trì cuộc sống. Đ.T, một hướng dẫn viên DL nội địa ở Hà Nội cho biết: “Không ai có thể ngờ dịch ngày càng nguy hiểm đến thế này. Không còn cách nào khác là chuyển nghề để kiếm sống. Yêu nghề thì yêu thật nhưng phải sống trước đã. Đến khi hết dịch, du lịch phục hồi lại quay về làm du lịch”.

Rất nhiều các công ty du lịch lo ngại, cứ tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành như hiện nay, sau khi khống chế được dịch bệnh, ngành Du lịch có lẽ sẽ “chảy máu” nhân lực gần hết. Và nếu tìm được công việc ổn định, thu nhập tốt, có lẽ khi quay lại trạng thái bình thường, việc thu hút lao động trong ngành trở lại sẽ rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động và giữ lại nhân lực tối thiểu, duy trì kết nối bằng cách giao ban trực tuyến hằng tuần, lập các nhóm tương tác để trao đổi, đánh giá tình hình thị trường nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn. Cố gắng trả một phần lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ được đóng bảo hiểm xã hội. Đà Nẵng, một địa phương rất quyết liệt trong việc giữ chân lao động du lịch còn tạo điều kiện để người lao động trong lĩnh vực du lịch được tiếp cận một số nguồn vay không thế chấp nhằm trang trải cuộc sống; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc duy trì lực lượng lao động phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của các địa phương, hiệp hội; khả năng của từng doanh nghiệp cả về tiềm lực tài chính lẫn độ linh hoạt chuyển đổi công việc thay thế để duy trì lực lượng lao động và quan trọng là ở chính người lao động. Trong đó, người lao động một mặt chủ động tìm kiếm công việc tạm thời, phù hợp với hoàn cảnh để đảm bảo cuộc sống nhưng vẫn giữ đam mê với ngành để có thể trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.

Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc hằng ngày, có khi phải mất hàng chục năm mới đào tạo được một lao động mới trở thành chuyên nghiệp. “Qua đại dịch có thể thấy, nguồn tài nguyên vẫn còn đó, tài sản cố định vẫn còn đó nhưng nguồn nhân lực du lịch- yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ lại có thể biến động. Lao động chuyển nghề, bỏ nghề có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế giữ chân lao động cũ hiệu quả hơn đào tạo mới. Cần phải có những chính sách hỗ trợ xác đáng cho ngành Du lịch. Trong đó, có chính sách thiết thực đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành Du lịch thực sự là một việc làm cần nhất lúc này. Không chỉ nhằm hỗ trợ sinh kế trước mắt cho người lao động, mà chính là để bảo đảm cho khả năng bứt tốc của Du lịch Việt Nam ở cuộc đua khẳng định vị trí trong thị trường du lịch quốc tế hậu đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nói.

Hỗ trợ hướng dẫn viên trong đại dịch

Để chia sẻ, hỗ trợ phần nào cho các hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng số hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc đến thời điểm Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ là 26.721 người. Đội ngũ hướng dẫn viên này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước suốt thời gian qua.

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Với ngành Du lịch, chính sách này thể hiện sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Để bảo đảm Nghị quyết 68 được triển khai ngay hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ- TTg, trong đó quy định chi tiết việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, cụ thể về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức chi trả, hồ sơ đề nghị, trình tự và thủ tục thực hiện.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Liên quan đến chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng đã biên soạn những câu hỏi thường gặp, gửi BộLĐ,TB&XH nghiên cứu, tổng hợp.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cho biết: “Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam hiện có khoảng 4.000 người. Dịch Covid-19 khiến các hướng dẫn viên lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn vì không có việc làm. Chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68 của Chính phủ đã góp phần chia sẻ, động viên hướng dẫn viên vượt qua khó khăn. Các hướng dẫn của Bộ VHTTDL cũng rất cụ thể, dễ thực hiện. Hiện nay, nhiều hội viên ở tỉnh, thành phố đã nhận tiền hoặc làm hồ sơ theo hướng dẫn để được hỗ trợ”. 

 Cần phải có những chính sách hỗ trợ xác đáng cho ngành Du lịch. Trong đó, có chính sách thiết thực đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành Du lịch thực sự là một việc làm cần nhất lúc này. Không chỉ nhằm hỗ trợ sinh kế trước mắt cho người lao động, mà chính là để bảo đảm cho khả năng bứt tốc của Du lịch Việt Nam ở cuộc đua khẳng định vị trí trong thị trường du lịch quốc tế hậu đại dịch Covid-19.

(Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch )

 

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc