Để du lịch miền Trung phát triển xứng tầm

NGUYÊN ĐỨC - TẠ DŨNG

VHO - Miền Trung lâu nay vẫn được xem là vùng đất “vàng” để phát triển du lịch, với nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc và những điểm hội tụ đầy hấp dẫn như Huế, Đà Nẵng, Hội An… Song đến nay, du lịch các tỉnh thành này vẫn chưa phát triển xứng tầm, bởi những hệ lụy tiêu cực liên quan đến ba vấn đề cốt lõi cần đầu tư.

 Để du lịch miền Trung phát triển xứng tầm - ảnh 1
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tạo được nhiều dấu ấn trong lòng du khách

 Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, ảnh hưởng dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thời sự thế giới… tác động du lịch chung toàn cầu, là lý do ai cũng thấy được, khi nhìn nhận những chỉ số thu hút về du khách đến miền Trung. Nhưng tại sao các địa phương này lại có tốc độ tăng trưởng du khách chưa thực sự như kỳ vọng?

Cơ hội và thực trạng

Ông Cao Trí Dũng đưa ra nhận định, điển hình là Đà Nẵng - thành phố du lịch sôi động, có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc nhất ở giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, đạt đến 15 lần so với năm 2009, trong khi bình quân cả nước chỉ tăng gấp 10 lần. Có hai căn nguyên dẫn tới cơ hội của thành phố này. Thứ nhất, Đà Nẵng tập trung chỉnh trang đô thị suốt 17 năm, trở thành một tâm điểm tăng trưởng kinh tế và hạ tầng dân sinh. Những công trình giao thông lớn, những kế hoạch hoàn bị hạ tầng… đã được Đà Nẵng đầu tư hiệu quả, hấp dẫn du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống ở đây. Tiếp đó là chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng rất nhạy bén, nắm đúng nhu cầu “ngạc nhiên” của công luận, để có các quyết sách phát triển, quảng bá, tạo điểm đến hấp dẫn, dấy lên tâm lý háo hức với du khách gần xa. Cộng hưởng bối cảnh kinh tế lạc quan, xu hướng giao lưu trải rộng, du lịch thuận lợi, Đà Nẵng đã trở thành “điểm đến mới nổi”, với các danh xưng như thành phố lễ hội, “thành phố đáng sống”, khiến du lịch địa phương ngày càng hấp dẫn.

Tuy nhiên, ngay sau khi kinh tế suy giảm, hệ lụy dịch bệnh xảy ra, Đà Nẵng rơi vào trạng thái “đóng băng” du lịch. Đây cũng là hiện trạng chung mà các điểm đến du lịch khác ở miền Trung. Huế, Hội An, Nha Trang… chỉ trong một thời gian rất ngắn, trở nên hiu vắng du khách. Các địa phương dù nỗ lực tổ chức sự kiện, đẩy mạnh quảng bá cũng khó có thể thu hút được lượng du khách, lượng tour tuyến có được đều phục hồi chậm so với lợi thế và tiềm năng của điểm đến.

Theo các nhà tư vấn, bối cảnh chung lạc quan ở thời gian trước đây đã tạo nên tâm lý chủ quan, đơn giản hóa hoạt động du lịch các địa phương. Bởi “bề ngoài” quá thành công, các tỉnh thành nhận định đã là điểm đến thu hút, nên không còn chú ý củng cố chất lượng tổ chức các tour tuyến, xây dựng điểm đến. Không ít hướng dẫn viên ở Đà Nẵng cho biết, việc nhận các đoàn du khách cả trăm người với họ trở nên nhàm chán, chỉ đưa xe đến các điểm tham quan rồi đón đi ăn uống, giải trí, không cần thuyết minh nhiều. Nếu “lười”, hướng dẫn viên chỉ đưa ra các thông báo “tự do” với du khách, là trong một hành trình tour có thể để mặc du khách lang thang với nhau tại khu vực nào đó, ví dụ từ chợ Hàn đến cầu Rồng Đà Nẵng… coi như xong nhiệm vụ. “Những cách hành xử đó rất qua quýt, chỉ hợp du khách tò mò đến một lần rồi thôi”. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện công ty lữ hành Vitraco (Đà Nẵng) nhìn nhận.

Chú trọng ba vấn đề cốt lõi!

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, để chấn chỉnh, thay đổi chất lượng hoạt động du lịch tại các địa phương, tạo được sức cuốn hút thật sự và bền vững, du lịch miền Trung cần tập trung ngay vào ba vấn đề cốt lõi, lẽ ra phải được đầu tư ngay từ ban đầu. Đó là phải hình thành, xây dựng được “sản phẩm đặc hữu, du khách đặc thù và giá trị đặc trưng”. Bối cảnh kinh tế càng khó khăn, lựa chọn du khách càng kỹ càng, thì việc học tập những quốc gia khác về làm du lịch đúng, là rất cần thiết. Mà ở những nước đã đẩy mạnh du lịch như Thái Lan, Trung Quốc bài học xây dựng các giá trị du lịch bền vững đã quá phổ biến, người dân tiếp cận đã nhiều. Một khi du khách của các nước này sang Việt Nam, tiếp cận những cách tổ chức sơ sài, họ chỉ tò mò vài lần mà thôi, chứ không thể chấp nhận mãi.

Tiếp đến ngành du lịch các tỉnh miền Trung cần gắn với các lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa, xã hội học để xây dựng “kịch bản kể cho du khách nghe những câu chuyện”. Các điểm đến, tour diễn, cấu trúc các sự kiện, lễ hội nên được trau chuốt lại, có những sản phẩm đặc hữu, gắn với lịch sử, cuộc sống, không gian cộng đồng cư dân, nét văn hóa đặc thù. “Khi tô mỳ Quảng không có chất lượng người dân quen dùng, điệu bộ tấn tuồng và ngữ điệu khu 5 không còn tinh tế như quá khứ, du khách sẽ chỉ là những người “cưỡi ngựa xem hoa” và du lịch tự nhiên “sớm nở tối tàn”“, ông Cao Trí Dũng nhận xét.

Điều kéo theo của sản phẩm đặc hữu, là phải dám chọn lọc những du khách phù hợp, không còn đón du khách đám đông, mà phải mời gọi được những du khách “theo chủ đề”, có nhu cầu thẩm thấu văn hóa, tâm thế trải nghiệm “học nhiều hơn chơi”. Những du khách này không nhiều, nhưng giá trị thu hoạch lại từ họ rất lớn, giúp củng cố chất lượng du lịch, đạt nhiều tiêu chí bền vững. Đây là định hướng quan trọng cho du lịch, chấm dứt tình trạng du khách “ồn ào”, chỉ khiến ngành du lịch đầu tư số lượng hơn chất lượng, ngày càng lụn bại đi.

Cuối cùng, khi tạm cân đối được giữa chất lượng sản phẩm đặc hữu và du khách đặc thù, các địa phương xây dựng, đưa ra những giá trị đặc trưng, những tiêu chuẩn, bảng giá dịch vụ, chương trình cao hơn. Du khách sẽ được chọn đến với các dịch vụ, sự kiện, lễ hội không còn rập khuôn, tiếp cận tốt các không gian cuộc sống của cư dân bản địa, trải nghiệm được nhiều sản phẩm thú vị, qua đó rất sẵn sàng quay lại, chi trả nhiều hơn. “Hiện tượng du khách 0 đồng chỉ phù hợp một giai đoạn nào đó, còn đến nay, chúng ta cần những bài toán đầu tư du lịch thật cụ thể”. Ông Lê Tấn Thanh Tùng gợi ý. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc