Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa

THUÝ HÀ; ảnh: XUÂN TRƯỜNG, THẾ PHI

VHO - Với mục đích tăng cường liên kết chặt chẽ giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, góp phần phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, ngày 9.7, tại Hà Nội, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 1

Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng sự thay đổi của ngành Đường sắt thời gian gần đây thể hiện sự sáng tạo, đúng hướng trong việc kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách

Tham dự Lễ ký kết, về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu.

Về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh.

Tham dự còn có Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; đại diện một số cơ quan báo chí, truyền thông.

Tìm về ký ức, trải nghiệm văn hoá trên những chuyến tàu

Sự kiện này cũng nhằm góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đường sắt di chuyển thuận tiện, an toàn và có những trải nghiệm thú vị khi lựa chọn phương tiện đường sắt. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng, sự hợp tác có tính chiến lược này giữa 2 ngành chưa từng diễn ra, nó thể hiện cho sự sáng tạo, nỗ lực đổi mới của cả 2 ngành. Đặc biệt là với ngành Đường sắt, với những thay đổi gần đây, thậm chí đã làm thay đổi những suy nghĩ, quan niệm của khách du lịch về việc đi tàu chậm, thiếu sạch sẽ…

Trước đây, các chuyến tàu hoả chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hoá, nhu cầu đi lại thông thường của người dân. Hiện nay, ngành Đường sắt đã hướng tới phục vụ du khách, kinh doanh dịch vụ vận tải trong ngành Du lịch. Sự đảo chiều này đầy sáng tạo này sẽ tạo ra những giá trị mới, những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 2

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, sự hợp tác giữa ngành Du lịch và Đường sắt là tất yếu

Kể lại thời học đại học, thường xuyên phải di chuyển bằng đường sắt, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, không thể nào quên những ký ức, những kỷ niệm trong quá khứ đó. Những đêm đợi tàu đằng đẵng, những hồi còi tàu da diết đã đi vào tiềm thức của biết bao người, biết bao thế hệ. Nó giúp ta nhớ những tháng ngày nghèo khổ của đất nước, nhưng cũng đầy yêu thương, đầy tình người. Thời đó, bài hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ai cũng thuộc, cho thấy một Việt Nam vừa đẹp, vừa trữ tình.

“Ga tàu là nơi mẹ tiễn con đi xa, nơi tiễn bộ đội lên đường, nơi sinh viên xa nhà vào đại học… Nơi đó, biết bao nhiêu kỷ niệm, chứng kiến bao cuộc chia tay, bao lần hội ngộ; nụ cười và nước mắt của bao người… Ga tàu và những chuyến tàu có những giá trị tinh thần cực kỳ quý giá, không thể đo đếm được”, Thứ trưởng nhớ lại.

Người đi tàu sẽ không chỉ tìm về những ký ức đẹp đẽ trên những chuyến tàu mà sẽ được trải nghiệm chiều sâu văn hoá của đất nước, kết nối với tinh hoa thế giới, lan toả rộng rãi hơn vẻ đẹp Việt Nam. Thứ trưởng nêu: “Nhiều di sản, nếu không biết khai thác, có thể di sản sẽ “ngủ yên”, thậm chí bị lãng quên nhưng nếu khai thác tốt, du lịch sẽ chắp cánh cho du lịch bay cao, lan toả vẻ đẹp của di sản tới du khách khắp nơi trên thế giới”.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 3

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh (trái) tặng hoa Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhân kỷ niệm 64 năm thành lập ngành Du lịch

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc. Vì thế, sự hợp tác giữa ngành Du lịch và Đường sắt là tất yếu. Bản chất của du lịch là sự dịch chuyển và sử dụng dịch vụ trong quá trình dịch chuyển đó. Dịch vụ vận tải, cụ thể ở đây là đường sắt là dịch vụ đầu tiên tham gia vào chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch. Du lịch còn giúp nâng tầm đô thị các điểm đến; góp phần giao lưu, tiếp biến văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Hồ An Phong nói.

Sự hợp tác của ngành Du lịch và Đường sắt chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, các gói combo phục vụ du khách, nâng cao cạnh sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và dịch vụ đường sắt, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Kết nối các địa phương và doanh nghiệp du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn, đồng thời phát triển các chương trình kích cầu du lịch hiệu quả.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 4

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh mong muốn, việc ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác này sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đường sắt

Ngành Du lịch và Đường sắt “bắt tay” marketing điểm đến du lịch Việt Nam

Hai bên sẽ phối hợp marketing điểm đến du lịch Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam có kết nối với đường sắt. Thống nhất các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải đường sắt phối hợp xây dựng các tour du lịch mới, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, dịch vụ đường sắt mới. Từ đó, tăng cường thu hút, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa đi lại bằng phương tiện vận tải đường sắt.

Hai bên hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật. Những nội dung hợp tác sẽ được Hai bên bàn bạc thảo luận và thống nhất triển khai bằng các kế hoạch hàng năm với các điều khoản cụ thể theo mỗi nội dung.

Biên bản hợp tác nêu rõ 3 nội dung: Hợp tác truyền thông, quảng bá các điểm đến du lịch Việt Nam và hình ảnh của Đường sắt Việt Nam; Hợp tác trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách du lịch bằng đường sắt; Hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt.

Trong đó, hợp tác, thống nhất và đề xuất các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam và Đường sắt Việt Nam theo kế hoạch hàng năm.

Liên kết, hỗ trợ về truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam trên toa xe, đoàn tàu, tại các nhà ga và trên các nền tảng số của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 5
Đại biểu trải nghiệm trên toa tàu charter với những dịch vụ linh hoạt, đa dạng

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hỗ trợ quảng bá hình ảnh đường sắt Việt Nam, quảng bá các dịch vụ, chính sách giá vé, tuyến đường, các chính sách ưu đãi... của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên các trang web quảng bá du lịch Việt Nam: https://vietnam.travel , https://www.vietnamtourism.gov.vn  và các mạng xã hội như: Facebook, Instagram, YouTube, Zalo…, và tại các điểm đến du lịch.

Phối hợp kết nối quảng bá địa điểm du lịch các chính sách kích cầu trên trang https://ketnoidisan.dsvn.vn để đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương.

Hợp tác hoặc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài do mỗi bên tổ chức như hội chợ du lịch, hội thảo thương mại - du lịch, famtrip, presstrip, các sự kiện đón khách du lịch đầu năm, lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương… Hai Bên chủ động lên kế hoạch về các sự kiện cùng hợp tác trong năm.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 6

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh kỳ vọng sự hợp tác giữa 2 ngành sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tới những trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch, góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phục vụ tốt hơn khách du lịch trong nước

“Một tấm vé đi suốt hành trình”

Trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách du lịch bằng đường sắt, nội dung hợp tác tập trung vào tích hợp hệ thống chuyển đổi số của hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch sử dụng các dịch vụ và tiện ích của ngành đường sắt  trên ứng dụng của ngành du lịch (ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”).

Hướng đến kết nối các phương tiện giao thông Đường không - Đường sắt - Đường bộ, tạo thành một chuỗi cung ứng vận tải khép kín phục vụ khách du lịch, một tấm vé đi suốt hành trình (One ticket - All trips).

Tích hợp hệ thống "Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh" với các nền tảng số của ngành đường sắt, phát hành "Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh" cho khách du lịch bằng đường sắt nhằm cung cấp thêm các tiện ích cho khách như: vé điện tử, thanh toán điện tử, tích điểm, tham gia chuỗi liên kết dịch vụ.

Tích hợp hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” của ngành du lịch với hệ thống vé điện tử của ngành đường sắt. Triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide) của ngành du lịch để phục vụ khách du lịch đường sắt.

Phối hợp xây dựng lớp thông tin về du lịch đường sắt trên nền tảng bản đồ số ngành Du lịch. Chia sẻ, kết nối dữ liệu thống kê của ngành đường sắt và du lịch; phối hợp triển khai các hoạt động thống kê, điều tra thống kê chuyên ngành Du lịch.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 7
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết

Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt.

Thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình kinh tế xã hội, đầu tư phát triển, điều kiện kinh doanh, chính sách về phát triển du lịch Việt Nam, các chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh … nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch đi/đến các điểm đến du lịch bằng đường sắt theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng nghiên cứu, đề xuất phát triển các tuyến đường sắt phục vụ phát triển du lịch, phát triển các tuyến du lịch chuyên đề; hỗ trợ cùng doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa, nguyên đoàn theo yêu cầu dành cho khách du lịch di chuyển bằng đường sắt với chính sách ưu đãi.

Giới thiệu các sản phẩm mới, các ấn phẩm du lịch, dịch vụ ẩm thực, đặc sản vùng miền, đặc biệt các sản phẩm liên kết trên bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt các đoàn tàu phục vụ khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

Xây dựng các nội dung thuyết minh giới thiệu điểm đến sản phẩm du lịch đường sắt để giới thiệu cho khách du lịch bằng ít nhất 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực (nhân viên phục vụ hành khách trên tàu, nhân viên phục vụ sân ga, bán vé, nhân viên hỗ trợ khách hàng và phát triển tổ công tác chuyên về công tác nghiên cứu phát triển du lịch bằng đường sắt).

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 8
Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ GTVT, ngành Du lịch và ngành Đường sắt trao đổi về nội dung hợp tác thời gian tới bên lề Lễ ký kết

Xây dựng chính sách giá vé ưu đãi riêng dành cho khách du lịch

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ hợp tác xây dựng chính sách giá vé ưu đãi riêng dành cho khách du lịch bằng đường sắt trong các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch hằng năm; xây dựng cơ chế hỗ trợ dịch vụ, thăm quan tại các điểm du lịch đối với hành khách có vé đi tàu.

Phối hợp với các địa phương kết nối các phương tiện giao thông đường bộ giữa khu vực ga với các điểm đến du lịch. Giới thiệu các khu ga tàu có tác nghiệp đón, trả khách trên các tuyến đường sắt có liên kết với các điểm đến du lịch và điểm đến di sản lên bản đồ số du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Để đoàn tàu du lịch Việt Nam tiếp tục đi xa - ảnh 9
Các đại biểu khảo sát tại Ga Hà Nội

Khuyến khích các Công ty du lịch lữ hành, đưa du khách du lịch di chuyển bằng đường sắt; kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia chương trình hợp tác kích cầu du lịch bằng đường sắt, tạo các sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt

Phối hợp xây dựng cơ chế hỗ trợ giá vé cho các doanh nghiệp du lịch gửi khách đoàn, thuê nguyên toa, nguyên chuyến, khách ngoại giao,... Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề du lịch – đường sắt nhằm kết nối mạng lưới khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch đường sắt và các hoạt động hợp tác liên quan khác.