Du lịch đường sắt tìm cách thu hút khách

NGỌC HÀ

VHO - Thay đổi rõ rệt của thị trường khách nội địa trong hè năm nay là xu hướng đi du lịch bằng phương tiện tàu hỏa, theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày khai trương (26.3) đến giữa tháng 4 năm 2024, chặng Đà Nẵng - Huế và ngược lại đã khai thác hơn 80 chuyến tàu, vận chuyển khoảng hơn 13.410 lượt khách.

Tạo lợi thế, nắm bắt xu thế

Con số trên đang thể hiện sự chuyển mình khá mạnh mẽ của du lịch đường sắt khi hình thức vận chuyển này đang nắm bắt xu thế, đổi mới sản phẩm, được du khách trong và ngoài nước đón nhận.

Vực dậy đón lấy thời cơ sau thời gian khá im lìm, ngành đường sắt mới đây đã ra mắt liên tiếp các sản phẩm mới, tân trang lại toa tàu, đổi mới cách phục vụ, cung cấp tiện ích trên tàu.Trước đây tàu chỉ là phương tiện vận chuyển nhưng nay đã là hành trình khám phá, trải nghiệm đối với du khách khi mang đến các dịch vụ ẩm thực, sản vật địa phương, biểu biễn nghệ thuật, đầu tư làm mới đồ đạc, nội thất.

Ông Trần Quang Trung - Giám đốc Công ty WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng) cho rằng, ngành Đường sắt đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực và đang đi đúng hướng:

“Đây là thời cơ thuận lợi của đường sắt khi mà giá vé máy bay khá cao. Thời gian qua, việc máy bay có giá cao đã ăn sâu vào ấn tượng của khách, kể cả khi có những chuyến bay đêm, giờ thấp điểm với giá vé rẻ giảm từ 30 - 40%, ước chừng tiết kiệm đến ½  mà khách vẫn không tìm hiểu và chọn đi tàu như phương án tối ưu.

Đường sắt cũng đã nhanh chóng thay đổi cách phục vụ, cơ sở hạ tầng, phòng ốc, nhà vệ sinh, thái độ tác phong đem lại sự hài lòng cho du khách”.

Đơn cử, trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 năm 2024, ngành Du lịch Đà Nẵng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách di chuyển bằng tàu hỏa. Số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa đã đạt hơn 16.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch quốc tế đi tàu hỏa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20%.

Bất ngờ vì chất lượng tàu được thay đổi rõ rệt, chị Hà Thanh Bình (du khách) cho biết chị còn hài lòng vì thái độ nhân viên nhiệt tình, chu đáo:

“Ấn tượng của chúng tôi về tàu hỏa là rất nóng nực và chật chội, di chuyển lâu, nhưng muốn cho các con trải nghiệm đi tàu nên quyết định chọn phương tiện này. Thật sự ngạc nhiên vì tàu hỏa bây giờ đã hiện đại, sạch sẽ. Khung cảnh của chặng đường cũng rất đẹp, đáng để khám phá”.

Du lịch đường sắt tìm cách thu hút khách - ảnh 1
Tàu du lịch Hành trình kết nối di sản miền Trung Đà Nẵng - Huế 1

Chị Marine, du khách Mỹ chia sẻ cảm xúc rằng chị đã thỏa lòng mong ước khi được đi tàu từ Đà Nẵng đến Huế:

“Tôi ấn tượng sâu sắc với cảnh đẹp của đoạn đèo Hải Vân nổi tiếng, cũng là nơi tôi muốn đến khi quay lại Đà Nẵng lần này, các món ăn trên tàu mang đến cảm giác thú vị cho tôi”.

Đến nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương nhiều tuyến tàu hỏa 5 sao, chất lượng cao kết nối các địa phương trên cả nước như Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Huế - Đồng Hới; Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng…

Để tăng tính truyền thông quảng bá cho đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch sơn mới 1 toa tàu mang hình ảnh đặc trưng của du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, dịp lễ, hè này một số tuyến tàu từ TP.HCM thường xuyên phải tăng cường để đáp ứng nhu cầu của khách đi du lịch. Đơn cử như tuyến đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng hay tuyến Đà Lạt - Trại Mát đều rất đông khách.

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú đánh giá: “Sản phẩm này phù hợp với thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (khách inbound), đặc biệt dòng khách từ thị trường Tây Âu ưa trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, với các nhóm khách nhỏ như khách gia đình, nhóm bạn bè, có thời gian đi tour trải nghiệm thì sản phẩm này cũng là một lựa chọn hay”.

Hài hòa chất lượng và giá cả

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng của tàu, theo các chuyên gia, một phần là do giá vé máy bay tăng cao gần đây, khiến nhiều người dân phải cân nhắc và chọn lựa các phương tiện di chuyển khác như tàu hỏa, nhất là trong những dịp cao điểm như ngày lễ, ngày nghỉ.

Qua khảo sát thị trường cho thấy việc tăng giá vé máy bay đã dẫn đến giá cả các tour du lịch tăng từ 10 - 15%, du khách phải cân nhắc khi chọn lựa phương tiện di chuyển. Điều này mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa, với giá vé rẻ hơn và tiết kiệm hơn cho người dùng.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhìn nhận, sau thời gian khai thác, số lượng khách đi tàu có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó nhiều khách quốc tế lựa chọn đây là phương tiện đi lại.

Du lịch đường sắt tìm cách thu hút khách - ảnh 2
Khách nước ngoài thích thú khi được xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên tàu

Để thu hút khách đi tàu, ngành đường sắt đã có chủ trương, định hướng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch và có những chính sách hợp tác cụ thể phù hợp với từng công ty du lịch. Qua đó kịp thời thích ứng và có sự chuyển mình tích cực, tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng tiện ích và dịch vụ cho hành khách đi tàu.

Tuy nhiên, một trong những “sức hút” quan trọng nhất của phương tiện vận chuyển là vấn đề giá cả, bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel đề xuất:

“Đường sắt nên có chính sách giá hợp lý cho các doanh nghiệp lữ hành, bởi vì hàng không sắp tới sẽ có tăng cường thêm các chuyến bay đêm, có giá tiết kiệm lên tới 40%, trong khi đó thì những chuyến tàu cũng có giá vé tương đương với vé hàng không nên chưa thực sự hấp dẫn lắm.

Nên nghiên cứu hỗ trợ giảm sâu hơn về giá vé để tiếp cận khách nhiều hơn để thu hút khách, vì du lịch tàu hỏa, đang bắt đầu được quan tâm, trong mùa hè năm nay đã đặc biệt thu hút giới trẻ. Việc giảm giá vé sẽ kích thích nhu cầu của khách, để mở rộng thêm thị trường của khách du lịch đường sắt.

Ngoài ra khách sẽ trải qua thời gian ở trên tàu rất lâu, nên cần thiết kế thêm sản phẩm cho khách giải trí, để làm sao tàu hỏa không chỉ là hành trình mà còn là trải nghiệm đáng nhớ”, bà Uyên nói.

Còn theo ông Trần Quang Trung, đường sắt có những mặt ưu điểm và hạn chế so với các phương tiện như máy bay, xe tô tô, đặc biệt về giá thì tàu đang có sức hút tạo lợi thế.

Có thể nhận thấy ở những chuyến tàu du lịch mới gần đây rất thành công, thu hút khách háo hức trải nghiệm. Nhưng dù đã có khởi sắc nhưng trong thời gian tới, du lịch đường sắt làm sao để cạnh tranh với các phương tiện khác:

“Đường sắt là kênh vận chuyển có giá trị đặc thù riêng, có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm nhất định, như không linh động về điểm đón, không có nhiều điểm bán vé, lợi thế và yếu điểm này cần phải được dung hòa.

Đường sắt cần mạnh dạn đầu tư một số phòng chất lượng, đặc biệt là cho đối tượng khách quốc tế, vì chắc chắn là có nhiều khách cần không gian trải nghiệm cao cấp hơn, sáng tạo làm mới sản phẩm để lấp đầy quãng thời gian dài khách ngồi trên tàu.

Nhưng đầu tư cũng phải đồng bộ, để dù là khách đi tàu bình dân hay tàu du lịch khách đều có ấn tượng hài lòng nhất, chứ không thể để tàu du lịch thì chất lượng cao, mà tàu bình dân thì chất lượng dịch vụ lại thấp”.

Với lợi thế trong thời gian này, ngành Đường sắt cũng quyết tâm tạo thêm sản phẩm ưu việt hơn để để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Được biết, ngoài tuyến Đà Nẵng - Huế, trong thời gian tới, ngành Đường sắt hướng tới đưa vào khai thác thêm các đường tàu chặng ngắn tại một số địa phương khác.

Cuối tháng 3.2024, Sở Du lịch Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Mặt trời cũng đã đã ký kết biên bản hợp tác về việc đồng hành phát triển sản phẩm du lịch tàu hỏa “Wow Train” gắn với trải nghiệm của du khách, giúp khách đi tàu thêm yêu cảnh sắc Việt Nam, tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.