Để chợ đêm níu chân du khách
VHO - Đà Nẵng đang từng bước giải bài toán phát triển kinh tế ban đêm, những sản phẩm dịch vụ đêm mới đây đi vào hoạt động đã phần nào mang lại thần sắc mới cho ngành du lịch của thành phố biển, tuy nhiên Đà Nẵng vẫn cần lắm những “chợ đêm” sầm uất đúng nghĩa để níu chân du khách.
Làm mới và nâng cấp sản phẩm
Dịch vụ đêm của Đà Nẵng hiện đang được thành phố nỗ lực quan tâm đầu tư bằng nhiều sản phẩm, loại hình khác nhau như bãi biển đêm Mỹ An, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, phố đi bộ và chợ đêm An Thượng... những sản phẩm này góp phần làm đa dạng hóa gương mặt du lịch đêm Đà Nẵng. Chợ đêm Helio (quận Hải Châu) là một trong những điểm đến thu hút rất đông người dân địa phương và khách du lịch, bởi nơi đây ngoài không gian vui chơi giải trí sôi động còn có chuỗi 150 gian hàng ẩm thực mang hương vị Á Đông và châu Âu được bài trí khá hợp lý và phong phú, là một điểm check in để giới trẻ tìm đến, thư giãn. Chợ đêm Sơn Trà cũng là một thành công của Đà Nẵng trong kích thích nhu cầu tiêu dùng ban đêm của du khách quốc tế, đặc biệt là khách đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài thưởng thức ẩm thực địa phương, chợ đêm Sơn Trà còn tạo dấu ấn bởi đa dạng mặt hàng thủ công phong phú.
Trong đó các kiot bán đồ thủ công là nhiều nhất, các mặt hàng thủ công như mũ, móc khóa gỗ, cốc túi xách, đĩa trang trí… thu hút đông du khách quốc tế. Là một trong số các sạp hàng bán đồ thủ công nhiều nhất, chị Trinh Nguyên (lô H2, chợ đêm Sơn Trà) cho biết: “Khách Hàn Quốc và Trung Quốc mua rất nhiều đồ thủ công mang về nước, đặc biệt những mặt hàng bằng mây được tiêu thụ khá ổn định”. Kiot hàng thủ công của chị Nguyễn Thị Lộc (lô G3, chợ đêm Sơn Trà) cũng chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc, Ấn Độ. Đặc biệt là khách Ấn Độ với đặc trưng của họ là ăn bằng tay, nên họ mua rất nhiều đĩa mây về để đựng bánh.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Công ty WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Bên cạnh những dịch vụ giải trí, phố đi bộ mới đi vào hoạt động cần tính đến việc phát triển dịch vụ như chợ đêm. Phố đêm cũng như chợ đêm là nơi người mua và người bán thoải mái trao đổi dịch vụ, Đề án phát triển kinh tế đêm của thành phố Đà Nẵng đã xác định giá trị cốt lõi của kinh tế ban đêm là kéo du khách ở lại nhiều hơn, tăng giá trị cho những dịch vụ khác. Theo tôi cần tập trung vào làm mới và nâng cấp sản phẩm để các chợ đêm duy trì và phát triển mạnh”.
Nắm bắt nhu cầu của du khách
Tuy nhiên có thể thấy, Đà Nẵng không có nhiều chợ đêm phong phú và sôi động như Helio hay chợ đêm Sơn Trà. Có một số chợ đêm tại Đà Nẵng đã được mở ra nhưng tồn tại cầm chừng, hoặc “chết yểu”, ví dụ như Phố đêm Thanh Khê Tây được khai trương vào tháng 3.2019 nhưng chưa đầy một năm sau khi khai trương, ngoài làm đường đi lại của người dân vào ban ngày, thì ban đêm Phố đêm Thanh Khê Tây đã không còn hoạt động.
Ví dụ nữa là tuyến phố đi bộ, chợ đêm An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) nằm trên tuyến đường Trần Bạch Đằng, đoạn nối từ Lã Xuân Oai đến Hoàng Kế Viêm. Khai trương tháng 8.2023, tuyến chợ đêm này được coi như “phố Tây” hướng đến phục vụ khách quốc tế, khớp nối với hoạt động của bãi biển đêm Mỹ An để tạo thành chuỗi sản phẩm hứa hẹn, thu hút du khách vui chơi mua sắm ban đêm, trong đó chủ yếu bán mặt hàng lưu niệm, nước giải khát, thời trang và một số sản phẩm khác. Thế nhưng sau vài tháng mở cửa, khu phố đi bộ, chợ đêm An Thượng cũng tồn tại nhiều bất cập về âm thanh, dịch vụ, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Theo chị Thu Phương (du khách Hà Nội) đánh giá, không gian của phố đi bộ, chợ đêm An Thượng đẹp và rộng rãi, nhưng chất lượng dịch vụ chưa “đạt”, các gian hàng chủ yếu là bán đồ ẩm thực kiểu bình dân, ăn vặt, không phù hợp với tiêu chí “phố Tây” mà địa phương đặt ra.
Để khắc phục các điểm yếu của chợ đêm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần sớm có quy hoạch riêng cho các dịch vụ đêm. Đầu tư thêm các chợ đêm, phố đi bộ, các chương trình nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, trung tâm mua sắm lớn, hoạt động đường phố, điểm tham quan, vui chơi giải trí mới về đêm, mạnh mẽ kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn. Đà Nẵng có thể học hỏi thành công của các mô hình chợ đêm các quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), tập trung vào đa dạng sản phẩm, môi trường mua sắm thuận tiện, giúp du khách trải nghiệm văn hóa độc đáo như biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa dân gian hoặc trình diễn nghệ thuật. Ngoài ra cũng cần phải khảo sát nhu cầu của du khách, bổ sung phù hợp dựa trên năng lực địa phương sẵn có và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp”.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đề xuất cần phải khai thác hiệu quả thế mạnh ẩm thực và văn hóa bản địa, đưa chợ đêm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Cần khảo sát để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách trong nước, khách quốc tế. Ví dụ như tâm lý của khách quốc tế thường muốn trải nghiệm ẩm thực, đặc sản của địa phương, do vậy tại các chợ đêm, mỗi gian hàng không chỉ bày bán sản phẩm, ẩm thực mà còn qua đó thể hiện được dấu ấn về vùng miền, văn hóa đặc biệt, kết hợp với sự mến khách, thân thiện của người kinh doanh dịch vụ.
Năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng”, một trong những mục tiêu là phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng mua sắm như chợ đêm để góp phần tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng. Tuy nhiên để tăng cường hiệu quả khai thác kinh tế đêm từ mô hình chợ đêm, Đà Nẵng cần nắm bắt đúng nhu cầu của du khách và người dân địa phương, điều này có thể thực hiện thông qua việc tổ chức khảo sát, tìm hiểu thị trường và lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng cũng như người buôn bán, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Những giải pháp này nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp chợ đêm Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn.