Dấu ấn ẩm thực Hội An... từ gốm

VH- Nguyễn Viết Lâm, Lê Văn Nhật - hai người thợ trẻ của làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), đã chọn cho mình một lối đi sáng tạo ngay trên mảnh đất làng để giữ và phát triển nghề truyền thống bao đời của cha ông. Họ không ồn ã với những sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp to tát mà lại âm thầm học, tìm tòi những kỹ thuật, nguyên liệu mới trên nền truyền thống để ra mắt bộ sản phẩm lưu niệm gốm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An”.

Dấu ấn ẩm thực Hội An... từ gốm - Anh 1

Nhật đang giới thiệu quy trình chế tác sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực”

Đưa đặc sản ẩm thực vào gốm là một hướng đi mới, mà ở đó, người làng gốm Thanh Hà vẫn có thể vừa “khoe” với du khách những sản phẩm gốm truyền thống của làng, lại vừa có thể giới thiệu các món ăn đặc sản Hội An với mô hình chín món xinh xắn, nhỏ gọn như bánh bao, bánh vạc, tôm hữu, cơm gà, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo,…

Dấu ấn của đôi bạn trẻ

Người khởi sinh ý tưởng kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình món ăn và nghệ thuật tạo hình sản phẩm thủ công là nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (TP Hồ Chí Minh). Anh Nguyễn Viết Lâm và Lê Văn Nhật chính là hai thợ trẻ của làng gốm Thanh Hà đã được nghệ nhân Lan Phương tuyển chọn và tin tưởng hướng dẫn kỹ thuật chế tác sản phẩm. Nguyên liệu để chế tác là đất sét công nghiệp với tính năng mềm dẻo, thân thiện với môi trường và thích hợp sản xuất hàng lưu niệm. Nguyên liệu này có thể tự sản xuất được từ đất thường, nhờ đó cũng khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên ngày càng hạn chế. Trên nền tảng ý tưởng của nghệ nhân Lan Phương, hai thợ trẻ của làng nghề đã cùng với các thợ thủ công làng gốm Thanh Hà chế tác “Bộ sản phẩm thủ công dấu ấn ẩm thực Hội An”.

Dấu ấn ẩm thực Hội An... từ gốm - Anh 2

Dấu ấn ẩm thực Hội An... từ gốm - Anh 3

Du khách thích thú với các món đặc sản của Hội An được thể hiện trên bộ sản phẩm gốm “Dấu ấn ẩm thực Hội An”

Văn Nhật và Viết Lâm là những người đại diện cho một thế hệ của những người rất trẻ ở làng gốm hàng trăm năm tuổi này. Câu chuyện học nghề gốm, những trăn trở của họ cũng chính là những khúc quanh thăng trầm của làng nghề. Họ lớn lên ở làng, cũng đã từng ra đi và rồi lại quay về lại làng, gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của làng với một suy nghĩ rất trẻ trung rằng ngày xưa khó khăn, làng nghề đối diện nguy cơ mai một nhưng ông bà, cha mẹ vẫn giữ được nghề. Bây giờ, cùng với sự phát triển của du lịch Hội An, làng nghề đã có được nhiều cơ hội để phát triển, tại sao mình không thử sức.

“Chúng tôi may mắn được nghệ nhân Lan Phương tuyển chọn để truyền dạy các kỹ thuật chế tác sản phẩm”, Viết Lâm nhớ lại. Khi sáng tác bộ sản phẩm này, ai cũng mong ước rằng khi du khách đến Hội An, thưởng thức đặc sản ở đây và có thể mang mô hình của chính món ăn đó về để “kể chuyện” với người thân của mình. Du khách có thêm sự lựa chọn cho quà lưu niệm mang về, người dân làng nghề có thêm thu nhập và ẩm thực Hội An được quảng bá rộng hơn.

Văn Nhật tâm sự rằng, anh cũng đã từng thử sức với nhiều nghề ở những vùng đất khác nhau. Khi quyết định quay về làng, gắn bó với cái nghề làm gốm truyền thống từ bao đời nay của ông bà, cha mẹ, Nhật tìm cho mình một hướng đi mới hơn khi chế tác gốm truyền thống với những mẫu mã, kiểu dáng đa dạng hơn, để gốm không chỉ là những mặt hàng vật dụng sinh hoạt mà còn là những sản phẩm lưu niệm để du khách lựa chọn mang về khi đến tham quan làng nghề. Cơ duyên đã giúp họ gặp được nghệ nhân Lan Phương, vốn nổi tiếng với tài nghệ tạo tác các sản phẩm lưu niệm độc đáo.

Dấu ấn ẩm thực Hội An... từ gốm - Anh 4

Các bạn trẻ ở Thanh Hà đang học nghề làm gốm

Khi nghề truyền thống hồi sinh

Bà Lan Phương đã gợi ý về việc kết hợp giới thiệu tinh hoa ẩm thực của Hội An với gốm để thành sản phẩm quà tặng. Một tô mỳ Quảng đặc trưng của vùng đất Quảng Nam; món bánh bông hồng trắng sáng tạo từ cái bánh bao, bánh vạc của người Hoa; tô cao lầu nhuần nhuyễn phong vị của Nhật và Hoa trong nguyên liệu của người Việt; một đĩa cơm gà, một ổ bánh mỳ đậm đặc gia vị Quảng… Tất cả những món đặc sản ấy, đã được giới thiệu thật màu sắc, ấn tượng trên nền chất liệu gốm Thanh Hà.

Bên cạnh những dấu ấn về văn hóa truyền thống, cảnh quan, con người,… thì ẩm thực cũng là một trong những điểm đặc biệt tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đến Hội An. Tạp chí Lonelyplanet đã từng giới thiệu chợ Hội An là một trong những thiên đường thực phẩm hấp dẫn cả người dân địa phương và du khách. Vào tháng 3.2017, Hiệp hội đầu bếp quốc tế cũng đã trao giấy chứng nhận “Hội An - Thủ phủ ẩm thực của Việt Nam” cho chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Chương trình phát triển sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An” nằm trong kế hoạch hành động khuyến công của dự án phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2017 của thành phố Hội An. Đây là chương trình nhằm phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm, tạo sự phong phú cho sản phẩm đặc trưng từlàng nghề, văn hóa ẩm thực; đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trởthành sản phẩm du lịch đặc trưng với du lịch Hội An. Lê Văn Nhật và Nguyễn Viết Lâm là hai trong số những người thợ trẻ được chọn để làm “hạt nhân” cho chương trình phát triển này.

Không dừng ở đây, hai bạn đang mày mò để tạo ra bộ chén đĩa là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà để đựng những sản phẩm này và đang tìm cách tạo men gốm để có thể làm nhiều sản phẩm độc đáo hơn, để bộ sản phẩm lưu niệm này đẹp, sắc sảo hơn; đồng thời, hướng dẫn lại kỹ thuật làm ra nguyên liệu đất sét công nghiệp cho người dân làng nghề.

Chọn những người trẻ cho hoạt động mang tính sáng tạo trên nền những giá trị truyền thống là một cách làm mới của Hội An để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa. Khi những người trẻ như Lâm, như Nhật quay về, làm việc và sống được bằng chính những nghề truyền thống thì những làng nghề lâu đời ấy sẽ có thêm cơ hội để hồi sinh. 

Khánh Chi

 

Ý kiến bạn đọc