Đà Nẵng đưa những sản phẩm công nghệ số ấn tượng vào phục vụ du lịch

NG. HÀ

VHO - Thúc đẩy công nghệ số hiện đại để phát triển bền vững cho ngành “mũi nhọn” là định hướng của ngành du lịch trong nhiều năm gần đây, qua đó, du lịch Đà Nẵng đã có nhiều mô hình tiên phong tiên tiến, hiệu quả và sáng tạo gây ấn tượng với khách du lịch trong và ngoài nước.

 Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành Du lịch Đà Nẵng đã xây dựng và trình UBND TP Đà Nẵng ban hành Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành du lịch.

Đây được coi là nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch số và là định hướng kỹ thuật để phát triển các ứng dụng, cho phép tích hợp, chia sẻ và kết nối với các hệ thống thuộc thành phố thông minh.

Đến nay, Sở Du lịch đã triển khai tổng cộng 26/26 (tỷ lệ 100%) dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho phép các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến.

Đà Nẵng cũng liên tục cho ra mắt các sản phẩm du lịch số ấn tượng. Đáng chú ý nhất là đã phối hợp các đối tác trên lĩnh vực công nghệ hoàn thành và đưa vào hoạt động ứng dụng "Một chạm đến Đà Nẵng" tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với hơn 300 điểm quét mang nhiều tính năng nổi bật.

Nổi bật là tính năng scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, không gian động Huyền Không - Ngũ Hành Sơn.

Đà Nẵng đưa những sản phẩm công nghệ số ấn tượng vào phục vụ du lịch - ảnh 1
Trải nghiệm tính năng "Một chạm đến Đà Nẵng"

Tính năng thu thập dữ liệu hình ảnh trên không và dưới đất tại các điểm tham quan trên địa bàn thành phố với hơn 500 điểm quét ở bãi biển, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, các cây cầu, du lịch sinh thái và cộng đồng, lễ hội vào sự kiện...

 Cạnh đó, không gian vũ trụ ảo "Metaverse Đà Nẵng" với nền kinh tế không tiếp xúc tại cầu Rồng, Công viên vườn tượng APEC, cầu Tình yêu.

Ứng dụng này có thể kể như tự thiết lập tài khoản trong môi trường ảo, giao tiếp, kết nối với giao diện nhân vật 3D, tương tác bằng giọng nói, chia sẻ màn hình trong không gian 360, tổ chức sự kiện, triển lãm thực tế ảo không giới hạn tại không gian VR Mall. 

Anh Ngô Hoài An (du khách đến từ Tây Ninh) cho biết, anh đã từng trải nghiệm du lịch Đà Nẵng qua ứng dụng "Một chạm đến Đà Nẵng", trong đó, các điểm đặc biệt ấn tượng của Đà Nẵng đã hiện lên rõ nét kèm theo ứng dụng thuyết minh sinh động chỉ qua vài thao tác đơn giản.

Hay thay vì để khách đặt món bằng thực đơn thông thường, nhiều nhà hàng Đà Nẵng đã xây dựng thực đơn điện tử bằng cách quét mã QR.

Ngoài thực đơn bằng tiếng Việt, nhà hàng đã cập nhật bằng nhiều ngôn ngữ để có thể dễ dàng phục vụ với tất cả du khách.

Các phần mềm đặt phòng, đặt dịch vụ qua các website đặt phòng trực tuyến… cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư để đem lại tiện ích cho du khách ở xa.

Đà Nẵng đang tiệm cận xu hướng chung về chuyển đổi số nhưng cũng đã có những chuyển biến rõ rệt.

Thành quả nổi bật nhất là từ chỗ phải tìm đến các đơn vị dịch vụ, thì nay du khách được tiếp cận dễ dàng hơn qua các kênh mạng xã hội, trợ lý ảo. Chuyển đổi số hiện nay quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ công nghệ thì mới tồn tại được.

Quan trọng nhất, du khách được hưởng lợi trực tiếp, có quyền so sánh lựa chọn sản phẩm với đầy đủ thông tin, hình ảnh, thực tế ảo, trải nghiệm trước để hình dung rõ ràng về tour tuyến, được cung cấp các kênh để phản ánh với cơ quan chức năng các vấn đề phát sinh, được đánh giá, bình chọn đơn vị uy tín, từ đó chất lượng du lịch ngày càng được cải thiện.

Đơn cử tại Furama Resort Danang đã sử dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong tất cả hoạt động kinh doanh, quản lý của đơn vị.

Những năm gần đây, Furama Resort Danang liên tục tổ chức tập huấn, hội thảo ứng dụng chat GPT vào việc lập kế hoạch, vận hành doanh nghiệp, sử dụng công nghệ trong mạng xã hội.

Trong thời gian qua, Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo, truyền cảm hứng dành cho hội viên như khóa đào tạo "Ứng dụng các nền tảng số, xây dựng nguồn khách du lịch bền vững".

Đội ngũ nhân lực khách sạn được tiếp cận kiến thức, ứng dụng các nền tảng dùng để truyền tải các thông điệp về sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu đến thị trường mục tiêu nhằm tạo nguồn khách hàng liên tục và bền vững tại doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những nội dung hợp tác giữa Viettel với TP Đà Nẵng. Giai đoạn 2021 - 2025, hai bên tập trung 5 nội dung chính gồm hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu và nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, Viettel chủ động phát triển hệ sinh thái số với giải pháp thẻ du lịch thông minh, sàn thương mại du lịch và triển lãm du lịch ảo.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc