Phú Thọ triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2025:
Đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm cho du khách
VHO - Triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025, Phú Thọ hướng tới việc đa dạng hoá sản phẩm, tăng trải nghiệm cho du khách.

Đa dạng hóa sản phẩm, tăng kết nối
Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-SVHTTDL về việc triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Đây là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Chương trình Kích cầu du lịch năm 2025 do Bộ VHTTDL phát động, góp phần phục hồi và tăng trưởng du lịch trong giai đoạn mới, hướng tới phát triển du lịch Phú Thọ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến; làm mới và nâng cấp chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; xây dựng chương trình liên kết giữa các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ để hình thành các gói kích cầu phong phú, hấp dẫn.
Đồng thời, hướng tới gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng tỉ lệ khách lưu trú và mức chi tiêu trung bình của du khách trong nước và quốc tế khi đến với vùng Đất Tổ.
Kế hoạch nêu rõ, Sở VHTTDL Phú Thọ đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội tích cực xây dựng các gói sản phẩm du lịch kích cầu, tập trung vào các loại hình thế mạnh như: Du lịch văn hóa, tâm linh, gắn với Di sản hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các lễ hội truyền thống đặc sắc.
Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng tại các khu vực như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch Thanh Thủy, Long Cốc… Du lịch trải nghiệm làng nghề, nông nghiệp – nông thôn tại các vùng như: làng cổ Hùng Lô, làng chè Long Cốc, làng nghề gốm Hương Can…
Du lịch ẩm thực, khai thác các sản vật độc đáo như: bánh tai, cá thính, thịt chua, rêu đá, các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc vùng trung du.

Các gói combo ưu đãi dành cho khách đoàn, khách MICE, học sinh – sinh viên theo mùa cao điểm và thấp điểm, đặc biệt vào các dịp lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh, Tết Nguyên đán…
Sở cũng khuyến khích các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm du lịch áp dụng ưu đãi về giá phòng, dịch vụ ăn uống, quà tặng lưu niệm, nhất là vào mùa thấp điểm.
Các hoạt động liên kết chuỗi cung ứng giữa cơ sở lưu trú, điểm tham quan, dịch vụ vận chuyển được thúc đẩy mạnh mẽ để hình thành những sản phẩm trọn gói, giảm giá từ 15% - 30% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ.
Đáng chú ý, Phú Thọ sẽ tăng cường kết nối với các tỉnh nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, TP.HCM, các đô thị lớn để hình thành tuyến du lịch liên vùng, tạo hành trình trọn vẹn từ thành phố tới miền quê văn hóa.
Ngoài ra, các chương trình giáo dục trải nghiệm, du lịch học đường cũng được đẩy mạnh, khai thác thế mạnh các di tích lịch sử, bảo tàng, làng nghề phục vụ học sinh, sinh viên đi thực tế, học tập kỹ năng và tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến thị trường
Song song với việc làm mới sản phẩm, tỉnh sẽ tổ chức hoạt động truyền thông công bố và phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2025, đưa các tour, combo du lịch giảm giá tới gần hơn với công chúng.
Công tác truyền thông, quảng bá cũng được đẩy mạnh trên các kênh truyền thông số như: mạng xã hội, website du lịch tỉnh, cổng thông tin điện tử; hệ thống báo chí trung ương và địa phương… để tăng độ phủ thông tin, đặc biệt là với nhóm khách trẻ tuổi, gia đình trẻ và khách du lịch nội địa.
Sở VHTTDL Phú Thọ cũng khuyến khích các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hoạt động hưởng ứng Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9.7), Ngày Du lịch Thế giới (27.9).
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ qua nhiều hình thức: phim giới thiệu, video trải nghiệm, ấn phẩm du lịch, các chiến dịch truyền thông sáng tạo…
Mục tiêu là tạo “cú hích” kích cầu thực chất, tăng lượt khách, đồng thời tạo ấn tượng mạnh mẽ về một Phú Thọ hấp dẫn, hiếu khách và nhiều trải nghiệm.

Giải pháp nào để gia tăng sức hút du lịch Phú Thọ?
Từ những định hướng trên, để chương trình kích cầu du lịch năm 2025 đạt hiệu quả cao, Phú Thọ có thể cân nhắc triển khai thêm một số giải pháp sau:
Phát triển sản phẩm du lịch ban đêm và kinh tế đêm, từ đó, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách thông qua các hoạt động ban đêm như: Chợ đêm Phú Thọ với các sản phẩm ẩm thực, văn hóa vùng Đất Tổ; các show diễn thực cảnh tái hiện truyền thuyết Hùng Vương, Hát Xoan; dịch vụ ẩm thực đêm ven sông, lễ hội ánh sáng gắn với ngày Giỗ Tổ…
Số hóa trải nghiệm và xúc tiến du lịch bằng việc xây dựng app du lịch Phú Thọ tích hợp bản đồ số, lịch sự kiện, dịch vụ đặt phòng, mua vé…
Tạo loạt video reels, TikTok du lịch với KOLs, travel blogger khám phá Phú Thọ dưới góc nhìn trẻ trung, hiện đại. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo nội dung về du lịch Phú Thọ.
Liên kết với các tỉnh lân cận để đa dạng tour combo liên vùng; tour kết nối Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai - Hà Giang; tour “Từ Thủ đô về Đất Tổ” kết hợp Hà Nội - Đền Hùng - Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Liên kết với doanh nghiệp vận tải (đường bộ, đường sắt) để tạo tour charter tour học đường - tour cuối tuần.
Nâng chất nguồn nhân lực và trải nghiệm du khách: Tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; cải thiện chất lượng nhà vệ sinh, dịch vụ du lịch tại làng nghề, điểm cộng đồng; xây dựng mô hình du lịch nông thôn kiểu mẫu có quy trình đón và phục vụ khách trọn gói…
Phú Thọ đang sở hữu nhiều lợi thế riêng biệt với các giá trị văn hóa - tâm linh - sinh thái đặc sắc.
Nếu chương trình kích cầu được thực hiện bài bản, sáng tạo và có sự đồng hành chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng du lịch ở Phú Thọ thì, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm bứt phá mới của du lịch Đất Tổ, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia.