Mùa leo núi Phú Sĩ năm 2025:

Siết quy định, tăng phí để bảo vệ di sản và an toàn du khách

CẨM TÚ

VHO - Ngày 1.7, mùa leo núi chính thức tại Nhật Bản đã bắt đầu khi tuyến đường mòn Yoshida phổ biến nhất lên đỉnh Phú Sĩ mở cửa đón những bước chân đầu tiên của du khách.

 Siết quy định, tăng phí để bảo vệ di sản và an toàn du khách - ảnh 1
Núi Phú Sĩ được coi là quê hương của các vị thần Nhật Bản và nhiều người cho rằng, chỉ leo lên đỉnh núi, họ mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của thiên nhiên

Siết chặt để bảo vệ biểu tượng quốc gia

Tuy nhiên, không khí náo nức ấy đi kèm với loạt quy định nghiêm ngặt hơn, trong đó nổi bật là mức phí leo núi tăng gấp đôi, từ 2.000 yên lên 4.000 yên/người (khoảng 28 USD).

Đây không đơn thuần là việc thu phí, mà là một phần trong nỗ lực quản lý lượng khách và bảo vệ ngọn núi biểu tượng đã trở nên quá tải trong nhiều năm qua.

Tỉnh Yamanashi, nơi quản lý tuyến đường mòn Yoshida, đã giới hạn số lượng người leo mỗi ngày không quá 4.000 người - một con số được tính toán nhằm bảo đảm an toàn và giảm thiểu tác động môi trường.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số lượng du khách nước ngoài gia tăng đột biến hậu Covid-19. Nhiều người trong số đó không chuẩn bị kỹ lưỡng, dễ dẫn đến tai nạn, kiệt sức hoặc tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và cơ sở hạ tầng của núi.

Chia sẻ cảm xúc sau khi chinh phục đỉnh núi cao 3.776 mét và ngắm mặt trời mọc trên đỉnh, Shiho Miyaoka, một nữ sinh trung học đến từ Kyoto cho biết: “Em đến vừa kịp lúc để ngắm mặt trời mọc. Em rất vui. Em cũng muốn leo núi ở các quốc gia khác nữa”.

Niềm vui ấy, nếu không được đi kèm với những hiểu biết và chuẩn bị kỹ càng, có thể trở thành nỗi lo cho cộng đồng và chính quyền địa phương.

Cổng kiểm soát và “kiểm lâm” bảo vệ núi

Từ mùa này, các du khách không đặt chỗ qua đêm tại những túp lều dọc đường mòn sẽ bị từ chối qua cổng tại trạm số 5 - điểm bắt đầu phổ biến, từ 2 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau, tức sớm hơn 2 giờ so với quy định của năm ngoái.

Biện pháp này nhằm ngăn chặn làn sóng “bullet climbing” (leo núi xuyên đêm không nghỉ ngơi), vốn bị chỉ trích là nguy hiểm và thiếu tôn trọng di sản.

Đặc biệt, những ai leo theo đường mòn Yoshida đều phải đăng ký trước và cam kết thực hiện các yêu cầu được quy định bởi chính quyền địa phương: Mang quần áo ấm, giày chuyên dụng, thể lực đủ tốt và không mặc đồ mỏng.

Những yêu cầu này sẽ được các cán bộ tại cổng, được gọi là “kiểm lâm núi Phú Sĩ”  kiểm tra và hướng dẫn trực tiếp. Từ năm nay, họ có quyền từ chối những du khách mặc trang phục không phù hợp.

Ba tuyến leo khác mở cửa sau, không giới hạn số người

Khác với phía tỉnh Yamanashi, ba tuyến đường mòn bên phía tỉnh Shizuoka, bao gồm: Subashiri, Gotemba và Fujinomiya sẽ chính thức mở cửa từ ngày 10.7. Tỉnh này cũng bắt đầu thu phí leo núi 4.000 yên/người, song hiện tại chưa áp dụng giới hạn số lượng người như phía Yamanashi.

Sự khác biệt trong chính sách giữa hai tỉnh phản ánh cách tiếp cận đa dạng trong việc quản lý dòng khách trên cùng một ngọn núi, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là du lịch bền vững và bảo vệ di sản được UNESCO công nhận từ năm 2013.

Du lịch Phú Sĩ: Không chỉ là một hành trình thể chất

Những gì đang diễn ra tại Phú Sĩ là bài học điển hình về quản trị điểm đến nổi tiếng toàn cầu. Khi “ngọn núi quốc dân” này của Nhật Bản trở thành một điểm đến quốc tế, với hàng trăm nghìn người đổ về mỗi mùa, bài toán cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa - tự nhiên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tăng phí, giới hạn lượng khách, yêu cầu trang bị nghiêm ngặt… không phải là sự “làm khó” du khách, mà là sự cần thiết để đảm bảo chất lượng trải nghiệm, an toàn của chính du khách và sự bền vững của điểm đến.

Leo Phú Sĩ, vì thế, không còn là một thử thách thể lực, mà là một cam kết với thiên nhiên, với cộng đồng địa phương và với chính bản thân mỗi du khách.

Với những du khách Việt Nam đang lên kế hoạch chinh phục Phú Sĩ trong mùa leo núi năm nay (kéo dài đến ngày 10.9), lời khuyên là: Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, đăng ký trước và đón nhận hành trình như một trải nghiệm văn hóa, tâm linh, hơn là một cuộc đua thời gian.

Bởi mỗi bước chân trên núi Phú Sĩ không chỉ là hành trình đến đỉnh cao mà là sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và truyền thống, giữa du lịch và trách nhiệm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc