Nhiều di sản loay hoay với tình trạng quá tải du lịch

THÁI AN

VHO - Venice (Italia), Phú Sĩ (Nhật Bản) luôn trong tình trạng quá tải du khách, ảnh hưởng đến di sản và cuộc sống của người dân địa phương. Gần đây, chính quyền hai địa phương trên đã triển khai nhiều phương án để bảo vệ những địa điểm nổi tiếng này.

Nhiều di sản loay hoay với tình trạng quá tải du lịch - ảnh 1
Du khách chụp ảnh ngọn núi Phú Sĩ phía sau cửa hàng tiện lợi Lawson. Ảnh: Mainichi

Chính quyền thị trấn Fujikawaguchiko (Nhật Bản) vừa cho dựng một rào chắn lớn màu đen tại địa điểm chụp ảnh núi Phú Sĩ mà du khách thường lui tới, trong bối cảnh nhiều du khách có những hành vi gây ảnh hưởng tới môi trường và giao thông xung quanh. Đây là hành động quyết liệt mới nhất được nhà chức trách Nhật Bản triển khai nhằm đối phó với tình trạng quá tải khách du lịch đến chụp ảnh, ngắm nhìn và trải nghiệm núi Phú Sĩ.

Công nhân đã dựng rào chắn cao 2,5m và dài 2m, che khuất tầm nhìn núi Phú Sĩ tại địa điểm chụp ảnh đối diện cửa hàng tiện lợi Lawson. Thông thường, du khách có thể chụp ảnh núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất Nhật Bản, từ nhiều điểm trong thị trấn Fujikawaguchiko. Tuy nhiên, địa điểm dựng rào chắn này đặc biệt được du khách ưa chuộng vì ngọn núi lửa hùng vĩ xuất hiện phía sau cửa hàng tiện lợi Lawson, chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng có mặt trên khắp Nhật Bản.

Nhà chức trách Nhật Bản cho biết địa điểm trên đã lan truyền trên mạng xã hội và trở thành điểm đến chụp ảnh được ưa thích. Khách du lịch nước ngoài thường tập trung đông đúc trên vỉa hè cạnh cửa hàng Lawson, phớt lờ các biển báo giao thông, cũng như cảnh báo của các nhân viên bảo vệ và xả rác ra đường phố.

Núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2013 và luôn được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nhưng sự gia tăng du khách đến Nhật Bản thời gian gần đây đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm cực độ và nhiều vấn đề khác. Tháng 3 vừa qua, Nhật Bản đã áp dụng mức phí 2.000 yen/người (13 USD/ người) đối với những người leo núi Phú Sĩ theo cung đường phổ biến nhất, đồng thời giới hạn số người leo núi để giảm tắc nghẽn và tăng độ an toàn.

Từ ngày 25.4 năm nay, Venice (Italia) bắt đầu thí điểm thu phí du khách, trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới chọn biện pháp này để giảm áp lực về du lịch. Theo kênh CNBC, mức phí là 5 euro/khách vào ban ngày (trong khoảng 8 giờ 30 phút đến 16 giờ). Du khách ở qua đêm được miễn phí này nhưng phải có mã QR để ra vào Venice. Thị trưởng Venice, ông Luigi Brugnaro giải thích: “Thông qua biện pháp này, chúng tôi muốn nâng cao chất lượng sống ở Venice sao cho an toàn hơn, sạch hơn, có nhiều dịch vụ hơn, qua đó bảo đảm cả người dân và du khách được yên bình”.

Theo số liệu của Statista, trung bình Venice đón khoảng 5,5 triệu du khách mỗi năm, trong khi cư dân khu vực lịch sử của thành phố chỉ xấp xỉ 50.000 người. Người dân địa phương lâu nay than phiền tình trạng quá tải du khách đã đẩy giá cả leo thang và biến thành phố của họ thành một kiểu công viên giải trí.

Sau gần 1 tháng thí điểm thu phí khách du lịch, số tiền thu về được nhận định “vượt quá mong đợi”, nhưng vẫn thấp hơn chi phí thiết lập hệ thống đặt vé trực tuyến bán cho du khách, chương trình quảng bá chiến dịch và trả tiền nhân công soát vé. Theo tờ Corriere della Sera của Italia, “vốn” ban đầu mà chính quyền Venice bỏ ra là 3 triệu euro. Tuy nhiên, lượng khách không hề bị xáo trộn, thậm chí “vượt trội so với những năm trước”, theo Andrea Martini thuộc hội đồng thành phố. Một ủy viên hội đồng thành phố đã nói biện pháp này “thất bại thảm hại” vì mục đích chính lập ra để ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch của thành phố. Cũng theo Martini, thu phí giúp chính quyền “kiếm được một số tiền” nhưng “chưa cứu được linh hồn thành phố. Venice xuống cấp vì nó bị bỏ bê. Nói đúng hơn là nó chỉ được sử dụng để kiếm tiền”.

Chính quyền địa phương cho biết đây là chiến dịch thử nghiệm. Sau thời gian thử nghiệm, phí vào cửa có thể tăng gấp đôi lên 10 euro mỗi ngày. Ngoài ra, chính quyền cũng áp mức phạt tới 300 euro cho những người trốn vé.

Venice là một trong 1.157 Di sản Thế giới, nơi mang giá trị văn hóa, tự nhiên có “giá trị nổi bật toàn cầu”. Thành phố Venice và hệ thống kênh rạch nội đô đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1987.