Công nghệ số “Make in Viet Nam” trong phát triển du lịch: Lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm

VHO- Nhiều cơ quan chức chức năng, chuyên gia, nhà quản lý am hiểu về chuyển đổi số cho rằng, cần kết nối cung cầu giữa đơn vị sử dụng và đơn vị cung cấp sản phẩm cũng như dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thương hiệu Việt Nam để tạo ra sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “Make in Viet Nam” thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.

Công nghệ số “Make in Viet Nam” trong phát triển du lịch: Lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm - Anh 1
 

 Quét mã QR, du khách có thể đọc, nghe thuyết minh khái quát về văn hóa Champa và hỗ trợ thuyết minh 7 cụm tháp Chăm Bình Định

Công nghệ số là tất yếu

Chia sẻ vai trò của doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, các trang web và ứng dụng thân thiện với người dùng giúp các tổ chức quản lý điểm đến (DMO) và doanh nghiệp du lịch cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến, chỗ ở, điểm tham quan… Ví như du khách có thể tham gia trải nghiệm ảo thông qua các phần mềm trước khi quyết định trải nghiệm thực tế. “Thực tế tăng cường (AR) có thể phủ thông tin lên môi trường thực tế, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Còn thực tế ảo (VR), cho phép khách du lịch tiềm năng khám phá ảo một điểm đến hoặc trải nghiệm, khuyến khích họ đặt chỗ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Đề cập đến đánh giá truyền miệng và đánh giá ngang hàng, ông Nghĩa trình bày: “Các nền tảng như TripAdvisor, Yelp và Google Maps cho phép khách du lịch chia sẻ đánh giá. Những đánh giá ngang hàng này thường ảnh hưởng đến quyết định nhiều hơn quảng cáo truyền thống. Trong khi đó, những người có ảnh hưởng về du lịch trên các nền tảng như Instagram, TikTok và YouTube có thể tiếp cận lượng lớn khán giả và các đề xuất của họ thường có sức ảnh hưởng đáng kể”.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Công ty ezCloud thông tin: “Theo thống kê của ezCloud, hiện trên cả nước có khoảng hơn 230 khu vui chơi với các loại hình khác nhau từ công viên giải trí, công viên chủ đề, công viên nước đến các khu du lịch tâm linh, khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, có đến 80% trong số này vẫn sử dụng hình thức quản lý thủ công. Bởi vậy, tạo ra bộ sản phẩm hỗ trợ vận hành khách sạn, resort, khu vui chơi... là những sản phẩm cốt lõi trong sự hoạt động của nhóm ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn. Việc ứng dụng các sản phẩm này sẽ giúp khách sạn, khu vui chơi tối ưu hoá chi phí, thời gian và nhân lực, đồng thời quản lý dễ dàng hơn những sản phẩm có quy trình vận hành phức tạp, phát triển kinh doanh tối đa”.

Công nghệ số “Make in Viet Nam” trong phát triển du lịch: Lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm - Anh 2

 Du khách sẽ được trải nghiệm tham quan Tháp Dương Long qua hệ thống QR code

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm

Ông Trần Minh Đạt, Trưởng bộ phận kinh doanh Du lịch thông minh - Tổng Công ty MobiFone nhìn nhận, Việt Nam lọt top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Đồng thời nằm trong top tìm kiếm thông tin điểm đến du lịch hàng đầu thế giới với mức tăng lượng tìm kiếm (tăng từ 50% - 75%). “Đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và năm 2030 đạt 50 triệu lượt khách quốc tế. Vậy bài toán đặt ra cho ngành du lịch và doanh nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phát triển các giải pháp toàn diện cho chuyển đổi số ngành du lịch; xây dựng App đầu tiên tại Việt Nam có thể hỗ trợ toàn trình cho nhu cầu của khách đi du lịch; nắm bắt thời cơ, trở thành ứng dụng du lịch quốc gia”, ông Đạt nêu quan điểm và nhấn mạnh, người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm của chuyển đổi số.

Vài năm gần đây, thuật ngữ “du lịch thông minh” đã xuất hiện, nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đã ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, nhưng để mô hình du lịch thông minh phát huy hiệu quả bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc sản phẩm Bizfly Martech - VCCorp cho hay, cơ sở dữ liệu chính là “trái tim” của chuyển đổi số. Chính phủ hay chính quyền số đều lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm. Vì thiếu cơ sở dữ liệu, các hoạt động của chuyển đổi số đều không có giá trị, không thể phát triển; các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng số sẽ “đóng băng” hoặc không được sinh ra.

Nói đến du lịch thông minh, thu hút du khách, nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch khi đến tỉnh Bình Định ông Dũng đề xuất, Bình Định cần phải xây dựng được “trái tim” của du lịch thông minh bao gồm cơ sở dữ liệu du lịch dùng chung và dùng riêng. Dữ liệu du lịch dùng chung sẽ được chia sẻ giữa Bình Định với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành khác và ngược lại, Bình Định cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch cho riêng mình. “Bình Định cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch, vui chơi, giải trí, hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… để số hóa sử dụng”, ông Dũng đề xuất thêm.

Trong tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số ngành Du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chỉ ra, hiện nay có rất nhiều phần mềm độc lập do các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Du lịch nghiên cứu, đưa vào sử dụng đã tạo thành “ma trận” sản phẩm khiến cho người dùng bối rối trong quá trình tiếp cận, sử dụng. Chính việc thiếu tính liên kết dữ liệu, kết nối giữa các nền tảng cũng là một thách thức lớn của chuyển đổi số. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc