Cơ hội mới cho du lịch Khánh Hòa

XUÂN HƯỚNG

VHO - Từ ngày 1.7.2025 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chính thức hợp nhất thành tỉnh Khánh Hòa. Với sự kết hợp của hai vùng đất giàu tài nguyên du lịch, Khánh Hòa hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm du lịch hướng biển quan trọng và lớn bậc nhất Đông Nam Á.

Cơ hội mới cho du lịch Khánh Hòa - ảnh 1
Một góc vịnh Nha Trang

Tiềm năng du lịch biển vô cùng lớn

Khánh Hòa sở hữu địa hình đa dạng từ biển, đồng bằng, đồi núi đến sa mạc, cùng đường bờ biển dài nhất cả nước với nhiều vịnh biển tuyệt đẹp như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, và Vĩnh Hy. Không chỉ phong phú về cảnh quan thiên nhiên, Khánh Hòa còn là một kho tàng văn hóa bản địa.

Bên cạnh văn hóa người Việt, tỉnh còn bảo tồn nhiều di sản văn hóa Chăm và Raglai, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Hệ sinh thái núi rừng đa dạng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình... cũng mở ra tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái từ biển lên rừng.

Trước sáp nhập, Khánh Hòa (cũ) đã là điểm đến du lịch biển hàng đầu Việt Nam, thu hút hơn 10,6 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2024. Các địa danh như: Dốc Lết, Nha Trang, Bãi Dài, Cam Ranh đã quen thuộc với du khách Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và liên tục được bình chọn là điểm đến yêu thích quốc tế.

Trong khi đó, Ninh Thuận (cũ) lại nổi bật với những loại hình du lịch độc đáo như du lịch sinh thái sa mạc, du lịch nông nghiệp (vườn nho, đồng cừu) và du lịch trải nghiệm văn hóa Chăm. Sự hợp nhất Khánh Hòa và Ninh Thuận thành tỉnh Khánh Hòa tạo nên một bức tranh du lịch đa dạng và đậm bản sắc, kết nối hai vùng tài nguyên bổ sung lẫn nhau.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Việc sáp nhập là tiền đề để định hình một hệ sinh thái du lịch liên kết vùng, vừa có sự tương đồng nhưng vẫn có nhiều khác biệt, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tăng sức hút du lịch quốc tế và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ hội để ngành Du lịch Khánh Hòa định hướng lại mô hình quản lý, quảng bá và phát triển sản phẩm theo hướng xanh - bản sắc - bền vững, nâng tầm thương hiệu, đưa Khánh Hòa trở thành điểm đến năng động, đa sắc màu, mang đến trải nghiệm toàn diện và khác biệt cho du khách”.

Ông Phạm Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa chia sẻ: “Sự sáp nhập này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch liên vùng và kết nối hệ sinh thái du lịch hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, có chiều sâu và đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt, dải bờ biển Khánh Hòa mới kéo dài gần 500 km, từ vịnh Vũng Rô đến TP Cam Ranh, “ôm trọn” các vịnh biển nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Phu, Cù Huân (vịnh Nha Trang) và vịnh Cam Ranh. Tuyến ven biển trải dài từ Cam Ranh đến Cà Ná không chỉ là lợi thế tự nhiên mà còn là “tài sản chiến lược” để phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch và logistics”.

Dải bờ biển liên hoàn này được kỳ vọng trở thành trục phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, với các ngành mũi nhọn như du lịch biển, cảng biển, logistics, khu kinh tế và nuôi trồng thủy hải sản. Vùng biển Ninh Thuận vốn nổi tiếng với điều kiện tự nhiên lý tưởng để nuôi tôm, cá và rong biển. Khi hợp nhất, điều này sẽ tạo điều kiện hình thành các khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Việc sáp nhập còn tạo cơ hội phối hợp hiệu quả giữa các hạ tầng kinh tế chiến lược như: Cảng Cam Ranh, sân bay quốc tế Cam Ranh và sân bay quân sự Thành Sơn. Đây là những yếu tố quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển du lịch hướng biển, vừa giữ vững vai trò phòng thủ an ninh quốc phòng ở khu vực Nam Trung Bộ.

Đáng chú ý, việc sở hữu Vịnh Vân Phong - một trong những khu vực có cảng nước sâu lý tưởng nhất Đông Nam Á, cùng với dải ven biển mới của Ninh Thuận, cho phép Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics biển, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và chuỗi khu công nghiệp gắn với dịch vụ hậu cần cảng biển. Điều này tạo ra sức cạnh tranh mới trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các hành lang kinh tế ven biển.

Mở ra cơ hội lớn

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Cơ hội đổi mới của Khánh Hòa trong thời gian tới là rất lớn. Tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế biển với tầm quan trọng và chiến lược. Với đường bờ biển dài gần 500km và 4 vịnh biển có những giá trị đặc biệt, cùng vùng biển khơi rộng lớn và hàng trăm đảo lớn nhỏ, trong đó có Quần đảo Trường Sa và đặc khu Trường Sa, Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh, Khánh Hòa đang đứng trước tiềm năng, cơ hội, vận hội lớn chưa từng có. Không gian phát triển mới sau hợp nhất sẽ mở ra cơ hội lớn, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm đột phá để nhanh chóng chuyển hóa các cơ hội, tiềm năng nổi trội thành các nguồn lực, động lực phát triển, đồng thời với giải quyết các điểm nghẽn, đưa Khánh Hòa bước vào một thập niên nâng tầm phát triển nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố tăng trưởng cao nhất cả nước.

“Tỉnh sẽ chú trọng vươn ra khơi xa vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để đạt được điều này, Khánh Hòa xác định phát triển những mảng trụ cột đặc trưng kinh tế biển như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, công nghiệp công nghệ cao. Song song đó là tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm vóc đẳng cấp quốc tế”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành cho biết.