Chuẩn bị phương án hồi phục khi dịch được kiểm soát tốt

VHO- Do ảnh hưởng kéo dài bởi dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nội địa lẫn lượng khách du lịch thực tế đều giảm mạnh kể từ đợt bùng phát dịch thứ 4. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn đang chuẩn bị các phương án, sẵn sàng hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Chuẩn bị phương án hồi phục khi dịch được kiểm soát tốt - Anh 1

Du lịch tê liệt sau đợt dịch lần thứ 4 và chưa có dấu hiệu hồi phục

Du lịch nội địa cũng giảm mạnh do dịch Covid-19

Xảy ra cuối tháng 4, đúng dịp lễ 30.4- 1.5 kéo dài đến nay, càng ngày càng nghiêm trọng, đợt dịch lần thứ 4 như một gáo nước lạnh dội vào ngành Du lịch, một lần nữa làm ngưng trệ mọi hoạt động du lịch, kể cả du lịch nội địa, nội tỉnh. Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa trong thời gian này giảm mạnh.

Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4.2021 khi dịch Covid-19 ở trong nước được kiểm soát, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm cũng như so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4.2021 đến nay, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa nhanh chóng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp.

Điều này cũng phù hợp với số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa, cụ thể trong tháng 4.2021, khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, thì đến tháng 5 giảm xuống còn 3,5 triệu lượt, tháng 6 là 1,5 triệu lượt và tháng 7 chỉ có 0,5 triệu lượt.

Thời gian này, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4, sau đó giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Chuẩn bị phương án hồi phục khi dịch được kiểm soát tốt - Anh 2

Các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Hà Nội... đều rơi vào vắng lặng vì thực hiện giãn cách, phòng chống dịch

Sau đợt dịch thứ 4 bùng phát, ở các trung tâm du lịch lớn trên cả nước có tỉ lệ hủy phòng rất lớn, trên 90%. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc phải đóng cửa vì không có khách. Ở các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…. Một số cơ sở lưu trú còn hoạt động chủ yếu phục vụ công tác cách ly, phòng chống dịch và một số hoạt động cầm chừng ở những nơi không có dịch bệnh.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú cũng cho thấy xu hướng tương tự. Trong tháng 4.2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng 5 chỉ còn 1,8 triệu lượt, tháng 6 còn 0,9 triệu lượt và tháng 7 chỉ là 0,3 triệu lượt.

Tương tự với xu hướng sụt giảm chung, nhu cầu tìm kiếm thông tin về hàng không từ tháng 5 đến nay cũng gần như chạm đáy, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong thời gian này, top 10 điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất là: TP.HCM, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Qui Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), Huế (Thừa Thiên Huế).

Cũng theo dữ liệu từ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm nhiều nhất xuất phát từ TP.HCM, sau đó là Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ, Nghệ An, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk.

Chuẩn bị phương án hồi phục khi dịch được kiểm soát tốt - Anh 3

Du lịch chuẩn bị sẵn các phương án phục hồi, kích cầu du lịch nội, mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép

Sẵn sàng các phương án hồi phục sau khi kiểm soát dịch bệnh

Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã nhiều lần chỉ đạo, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách tăng trở lại sau mỗi lần dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành Du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án đón khách quốc tế để sẵn sàng triển khai ngay sau khi đủ các điều kiện cho phép. Kế hoạch này cũng thường xuyên được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin Covid-19 để hỗ trợ đón khách quốc tế.

Đồng hành, chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cũng đã nhiều lần có văn bản đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại. Một số chính sách đã được ban hành như: giảm giá điện, giảm tiền điện đối với cơ sở lưu trú, giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên, hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của dịch Covid-19… đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, để thích ứng với bối cảnh tình hình mới, ngành Du lịch đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, dịch chuyển hoạt động lên môi trường số, phát triển du lịch thông minh, đổi mới quy trình và cách thức vận hành, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch... Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, duy tu cơ sở hạ tầng, làm mới các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang lại trải nghiệm mới lại cho du khách.

Chuẩn bị phương án hồi phục khi dịch được kiểm soát tốt - Anh 4

Ngành Du lịch chú trọng nhiều hơn đến những sản phẩm du lịch mới, có thế mạnh của Việt Nam như du lịch biển đảo, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp công nghệ để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh. Tiêu biểu là hình thành nền tảng hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khai báo và tự đánh giá an toàn Covid-19, cải tiến ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn hỗ trợ khách du lịch trong tình hình mới với các tính năng nổi bật như: bản đồ số du lịch an toàn, tìm kiếm điểm đến an toàn, đánh giá về mức độ an toàn của cơ sở dịch vụ, phản ánh chất lượng dịch vụ… Bên cạnh đó là các ứng dụng mới, phục vụ hữu hiệu cho du khách trong quá trình đi du lịch như” Thẻ du lịch trong chương trình Thẻ Việt – Một thẻ quốc gia, Trang vàng du lịch Việt Nam…

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vắcxin đối với khách quốc tế tại một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã tiếp cận nhanh, khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan xây dựng ngay phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, ngành Du lịch sẽ phối hợp chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc, từng bước phục hồi hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch nội địa, nâng cao vai trò của thị trường du lịch nội địa vào tăng trưởng chung của toàn ngành, hướng tới phát triển ngành du lịch bền vững hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Tăng cường liên kết, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động phục hồi du lịch. Tập trung triển khai Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025.

NGUYỄN ANH

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc