Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao:
Cần kế hoạch dài hạn
VHO - Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế đang là thách thức và yêu cầu cấp thiết đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế đang là thách thức và yêu cầu cấp thiết đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam khi đánh giá tổng quan về tình hình du lịch Việt Nam với vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay cho biết: “Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay ở nước ta cho thấy một số vấn đề cần quan tâm đó là: Chương trình đào tạo của chúng ta chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội, chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo”.
Cũng theo GS.TS Đào Mạnh Hùng, chương trình đào tạo du lịch ở các cấp độ đều thiếu tính đồng nhất, đặc biệt đối với các cơ sở không đào tạo chuyên ngành Du lịch mà chỉ tham gia đào tạo 1 hoặc 2 chuyên ngành. Vì thế, chúng ta cần thống nhất dưới sự quản lý của Bộ VHTTDL; các cơ sở mở mã ngành đào tạo cần tham khảo ý kiến của Bộ chủ quản và có sự thống nhất giữa Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VHTTDL); 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Cả nước có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo chiếm khoảng 27%) và 2.579 đào tạo viên du lịch (đã có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam).
Hằng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên, học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ.
Phải xác định tiêu chí, chuẩn mực về đào tạo chuẩn quốc tế
Phân tích những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam, PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho biết: “Công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành Du lịch. Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn”.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chúng ta chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế. Đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao, triển khai tốt nghị quyết số 08 của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch phải nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn để phát triển nguồn nhân lực du lịch để định hướng đúng, có hệ thống, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đồng thời, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh. Xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở nhu cầu của việc làm, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hằng năm. Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học. Đội ngũ giảng viên Du lịch cần phải có chế độ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, giao tiếp học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, có sự trao đổi lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua Hội đồng hiệu trưởng. Hằng năm tổ chức Hội thi Sinh viên Du lịch toàn quốc, tiến tới Hội thi tay nghề Du lịch ASEAN từ đó tìm ra được những tài năng của sinh viên và giảng viên các cơ sở đào tạo.
Cần thành lập tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động ngành Du lịch để trên cơ sở đó sắp xếp đúng vị trí công việc và mọi chế độ cho người lao động. Tăng cường trang thiết bị tin học trong các cơ sở đào tạo, xây dựng các bài giảng bằng công nghệ 4.0 cho tất cả các chuyên ngành, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng công nghệ cao cho lực lượng giảng viên.