Biển - rừng hội tụ cơ hội “vàng” để du lịch cất cánh

PHAN HIẾU

VHO - Việc sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã mở ra không gian phát triển du lịch chưa từng có cho vùng đất Tây Nguyên. Từ cao nguyên lộng gió, Gia Lai nay đã vươn mình chạm tới đường bờ biển dài và giàu tiềm năng của Bình Định, tạo điều kiện lý tưởng để hình thành chuỗi du lịch liên hoàn giữa đại ngàn và biển cả.

Biển - rừng hội tụ cơ hội “vàng” để du lịch cất cánh - ảnh 1
Tỉnh Gia Lai mới giàu bản sắc văn hóa, lễ hội gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

 Với lợi thế mới này, Gia Lai đang đứng trước thời cơ định hình một ngành du lịch xanh bền vững và giàu bản sắc, trở thành động lực phát triển kinh tế - văn hóa cho cả khu vực.

“Đôi cánh” nâng tầm du lịch liên vùng

Ngày 1.7 vừa qua đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi hai tỉnh Bình Định và Gia Lai chính thức sáp nhập, hình thành tỉnh Gia Lai mới với diện tích hơn 21.500 km² (lớn thứ hai cả nước) và dân số hơn 3 triệu người.

Không đơn thuần là một sự kiện hành chính, sự hợp nhất này còn mở ra không gian phát triển rộng lớn cho ngành du lịch: Lần đầu tiên miền Duyên hải và cao nguyên Tây Nguyên cùng hiện diện trong một chỉnh thể thống nhất, hứa hẹn những kết nối chưa từng có giữa biển và rừng.

Từ đồng bằng ven biển rực rỡ với Cù Lao Xanh, Kỳ Co, Eo Gió... đến đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ với Biển Hồ, Kon Ka Kinh, Chư Đăng Ya..., Gia Lai mới sở hữu hệ sinh thái đa tầng, phong phú và đầy bản sắc. Sự giao thoa giữa đại dương và đại ngàn, giữa văn hóa Chămpa và bản sắc Tây Nguyên, giữa du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng đẳng cấp đang tạo nền tảng cho những sản phẩm du lịch “xuyên không gian, đa trải nghiệm” khác biệt và hấp dẫn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Hợp nhất hai tỉnh là bước đi tất yếu trong xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc không gian phát triển. Gia Lai mới, hợp thành từ vùng duyên hải năng động và cao nguyên đậm chất văn hóa, chính là hình ảnh thu nhỏ của một Việt Nam hiện đại, hội nhập và phát triển. Không chỉ là sự hợp nhất về hành chính, đây còn là biểu tượng của ý chí chính trị, khát vọng vươn lên và năng lực kiến tạo động lực tăng trưởng mới.

Tất nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, Gia Lai mới cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi. Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ niềm tin rằng, với nền tảng thành tựu tích lũy của cả hai địa phương và sức mạnh cộng hưởng từ sự kiện lịch sử này, tỉnh Gia Lai hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trung tâm phát triển khá, đóng vai trò đầu tàu về kinh tế - công nghiệp - nông nghiệp - du lịch của khu vực.

Dựa trên những tiềm lực sẵn có và tầm nhìn chiến lược, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh sẽ phát triển theo hướng lấy 5 trụ cột và 3 khâu đột phá làm nền tảng. Trong đó, du lịch sẽ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên lợi thế biển, rừng sinh thái, di sản văn hóa Chămpa và Tây Nguyên; phát triển mạnh du lịch cộng đồng, thiết lập tuyến du lịch Đông - Tây, xây dựng chuỗi dịch vụ khép kín, hướng tới một Gia Lai xanh - bản sắc - bền vững.

Biển - rừng hội tụ cơ hội “vàng” để du lịch cất cánh - ảnh 2
Vẻ đẹp của Biển Hồ thắng cảnh của tỉnh Gia Lai

Định vị là điểm đến hàng đầu

Chia sẻ về chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Gia Lai mới, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Bình Định (trước sáp nhập) có thế mạnh nổi bật về du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và du lịch gắn với khám phá khoa học.

Trong khi đó, Gia Lai cũ nổi tiếng với núi rừng hùng vĩ, không gian văn hóa cồng chiêng và hệ thống làng bản đồng bào dân tộc thiểu số. Sự hòa quyện giữa hai vùng địa lý - văn hóa này đã tạo nền tảng hình thành các tuyến du lịch mang tính liên vùng, đa dạng về trải nghiệm và giàu chiều sâu bản sắc.

Hướng đi chiến lược được xác định là phát triển các tuyến du lịch biển - rừng, lấy thiên nhiên, di sản và bản sắc địa phương làm lõi giá trị. Trong đó, một số tuyến trọng điểm đang được nghiên cứu, nổi bật như “Hành trình Quang Trung - Tây Nguyên huyền thoại”, kết nối Bảo tàng Quang Trung, khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo, An Khê, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya và Vườn quốc gia Kon Ka Kinh…

Tuyến sinh thái nghỉ dưỡng biển - rừng kết hợp Cù Lao Xanh, Kỳ Co, Eo Gió với Đăk Đoa, Kon Ka Kinh; hay các tuyến du lịch cộng đồng, đưa du khách đến với làng Ba Na, Jrai, Chăm… trải nghiệm không gian cồng chiêng và ẩm thực bản địa.

Tỉnh Gia Lai mới đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 18,5 triệu lượt khách, trong đó du khách nội địa chiếm tỷ trọng chủ yếu, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế thông qua các cảng biển, sân bay và tuyến cao tốc kết nối xuyên vùng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng du lịch: Từ các khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm, chăm sóc sức khỏe gắn với thiên nhiên, đến việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch văn hóa - di sản, du lịch đêm, du lịch cộng đồng và thể thao mạo hiểm.

Song song đó là chiến lược tăng cường liên kết vùng, xúc tiến đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các sản phẩm biển - rừng, logistic du lịch và dịch vụ phụ trợ.

Thương hiệu du lịch “Gia Lai mới” sẽ được xây dựng trên biểu tượng biển - rừng, gắn liền với sắc thái Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, định vị là điểm đến hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Giám đốc Sở VHTTDL kỳ vọng, Gia Lai mới sẽ hình thành những tour, tuyến, cụm du lịch đẳng cấp, đủ sức cạnh tranh trên bản đồ khu vực.

Sản phẩm du lịch biển - rừng không chỉ là biểu tượng mới của tỉnh nhà, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng địa phương - hướng đến phát triển xanh, bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn môi trường sinh thái đặc hữu.