Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên?

XUÂN HƯỚNG

VHO - Miền đất Tây Nguyên, với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thác nước hùng vĩ, và nền văn hóa bản địa độc đáo của 47 dân tộc anh em, luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Nơi đây có thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa. Tuy nhiên, việc đánh thức tiềm năng này và đưa du khách đến với đại ngàn vẫn là một bài toán lớn, là trăn trở của những người làm du lịch.

Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên? - ảnh 1
Du khách bên cột mốc ba biên

Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú

Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng không chỉ có khí hậu mát mẻ mà còn sở hữu một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cùng với đó là những kiến trúc nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ độc đáo, những lễ hội truyền thống sống động như: đua Voi, bỏ Mả, Cơm Mới, và kho tàng sử thi, nhạc cụ dân tộc phong phú.

Tại Đắk Lắk, du khách có thể say đắm trước vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn thác như: Dray Nur, Gia Long, Thủy Tiên, hay đắm mình trong không gian thơ mộng của hồ Lăk, Ea Kao. Những khu rừng nguyên sinh như Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin hứa hẹn những trải nghiệm khám phá bất tận.

Đặc biệt, Đắk Lắk còn lưu giữ 38 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, là minh chứng sống động cho bề dày lịch sử và văn hóa của vùng đất này.

Trong khi đó, Gia Lai tự hào với hai di sản được UNESCO ghi danh: Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nơi đây đang định hình bốn nhóm sản phẩm du lịch chủ lực: du lịch sinh thái, văn hóa, nông nghiệp và thể thao. Du khách có thể khám phá kỳ quan núi lửa Chư Đang Ya, chinh phục đỉnh Chư Nâm hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của thác K50.

Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên? - ảnh 2
Khảo sát sản phẩm du lịch tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y

Kon Tum lại cuốn hút du khách bởi Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hùng vĩ. Ngoài ra, còn có các điểm đến rất đặc biệt: Cột mốc biên giới - Ngã ba Đông Dương, Nhà thờ gỗ cổ kính, Cầu treo Kon Klor cũng là những điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ.

Đặc biệt, Kon Tum còn phát triển các làng du lịch cộng đồng như: Kon Pring, Kon Kơ Tu, Kon Brăp Du, Kon Trang Long Loi, mang đến cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa chân thực…

Ông Lê Hoàng Trụ, Giám đốc Công ty Du lịch Ninh Chữ Travel Life đánh giá: Tiềm năng du lịch Tây Nguyên rất lớn, là cơ hội cho các đơn vị kinh doanh du lịch mở rộng thị trường, đưa du khách đến đây. Tuy nhiên, điểm hạn chế là các thông tin về điểm đến du lịch ở Tây Nguyên chưa nhiều, việc xây dựng tour đưa khách đến đây gặp không ít khó khăn.

Theo ông Trụ, các tỉnh Tây Nguyên cần có chiến lược quảng bá sản phẩm du lịch của mình nhiều hơn, đặc biệt là các thị trường du lịch Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, TP.HCM và một số thị trường nước ngoài như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… thu hút du khách đến với đại ngàn.

Liên kết để du lịch cất cánh

Để Tây Nguyên thực sự bứt phá trong lĩnh vực du lịch, việc liên kết vùng là yếu tố then chốt. Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, sự hợp tác giữa các tỉnh, các Hiệp hội Du lịch sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút du khách hiệu quả hơn. Hợp tác không chỉ giúp phát triển bền vững mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp địa phương.

Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên? - ảnh 3
Thác Pa Sỹ ở Tây Nguyên

Bà Lê Thị Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, cần phát triển du lịch chung của vùng Tây Nguyên trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ. Điều này sẽ giúp phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, phát huy tối đa lợi thế về sinh thái và văn hóa đặc thù của từng địa phương.

Việc kêu gọi đầu tư vào du lịch Tây Nguyên cần có trọng tâm, ưu tiên khai thác gắn liền với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các chương trình du lịch cần được xây dựng độc đáo, đặc sắc, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch của vùng.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát, khám phá Tây Nguyên để tạo sự liên kết và thu hút du khách.

Phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên không chỉ mang lại ổn định kinh tế - xã hội và môi trường, mà còn góp phần giảm đói nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa. Để làm được điều đó, cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức từ các cấp chính quyền và cam kết hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên? - ảnh 4
Khu du lịch sinh thái Măng Đen

“Thời gian qua, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các đợt đưa doanh nghiệp du lịch đến khảo sát, khám phá Tây Nguyên. Điều này không chỉ tạo sự liên kết chặt sẽ giữa Hiệp hội và các địa phương của Tây Nguyên mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, hấp dẫn đưa du khách đến với Tây Nguyên và ngược lại”, ông Nguyễn Anh Vũ nói.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk có nhiều sản phẩm du lịch mang tính địa phương, giá trị khác biệt mà nhiều nơi trong cả nước không có. Việc liên kết du lịch Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ... sẽ tạo sự gắn kết lâu dài mang tính chiến lược trong việc quảng bá và thu hút du khách đến trải nghiệm.

Làm gì để thu hút du khách đến Tây Nguyên? - ảnh 5
Du lịch nông nghiệp ở Tây Nguyên

“Tây Nguyên đang chờ đợi những bước đi mạnh mẽ hơn nữa để vươn mình, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Liệu những trăn trở này có biến thành hành động, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền Trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu khẳng định.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc