Du lịch Lâm Đồng phải để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách
VHO - Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười tại buổi làm việc với Sở VHTTDL về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sau sáp nhập...

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở VHTTDL đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, ở lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đón trên 12 triệu lượt khách du lịch, đạt 54% kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 800.000 lượt, tăng 56%.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch được tăng cường cả trong và ngoài nước, như tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 21; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XII tại TP. Cần Thơ; Hội nghị quảng bá du lịch Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình: Xúc tiến du lịch tại Đài Loan…)
Đón tiếp, phối hợp khảo sát và làm việc với 2 đoàn trong nước và 7 ngoài nước; Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch TP.HCM thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên năm 2025; theo dõi tình hình thu hút khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Cuba, Thái Lan, Ấn Độ, Úc…

Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch cũng được tăng cường, với các đề án, kế hoạch kích cầu du lịch, kiểm tra cơ sở lưu trú và xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển tốt nhờ các điều kiện thuận lợi như kỳ nghỉ lễ dài, thời tiết đẹp, giao thông thuận lợi và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.203 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 66.023 phòng. Trong đó có 110 khách sạn từ 3-5 sao với 11.266 phòng; 126 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.059 hướng dẫn viên; 99 khu, điểm tham quan; trong đó có 30 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận (gồm 2 Khu du lịch quốc gia, 4 Khu du lịch cấp tỉnh và 24 điểm du lịch).
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như văn hóa, gia đình; báo chí - xuất bản, thể thao, cải cách hành chính… cũng được ngành quan tâm triển khai theo kế hoạch; thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong các ngày lễ lớn cũng như sự kiện quan trọng của địa phương.

Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình thuận và Đăk Nông thành tỉnh Lâm Đồng mới, cơ cấu tổ chức của Sở VHTTDL bao gồm 6 phòng và 8 đơn vị sự nghiệp với 112 công chức, 418 viên chức.
Trong đó, có 1 Giám đốc và 9 Phó Giám đốc; 14 Trưởng Phòng và 19 Phó Phòng; Số lượng công chức, viên chức Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận đăng ký đến làm việc tại Sở mới là 332 người.
Ông Lộc cho biết: “Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định, Sở khẩn trương sắp xếp công tác cán bộ, bổ nhiệm các chức danh Lãnh đạo các Phòng, đơn vị trực thuộc để đảm bảo bộ máy hoạt động ổn định. Đồng thời, xây dựng Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng mới”.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở cũng có một số kiến nghị với UBND tỉnh về việc sớm thống nhất chủ trương để Sở tham mưu, đề xuất về số hóa, bổ sung vị trí quy hoạch quảng cáo trên địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông (cũ) và tích hợp vào Quy hoạch quảng cáo tỉnh Lâm Đồng.

Quan tâm chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét và đề xuất tham mưu giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật để Sở triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt - Phan Thiết - Gia Nghĩa.
Triển khai các bước đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và cơ sở hạ tầng Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở VHTTDL chủ động nghiên cứu, tham mưu các nhiệm vụ cụ thể để triển khai tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và phát triển du lịch trên địa bàn.
Sở cũng cần tổng hợp đầy đủ các nhiệm vụ đã được giao trong phạm vi ba tỉnh cũ, làm cơ sở triển khai thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch, nâng cao chất lượng ngành, đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch.

Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai các giải pháp công nghệ; phải có bản đồ du lịch số, hướng dẫn viên số, tư vấn du lịch số… phải xây dựng các tour, tuyến du lịch mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp thông tin cho du khách một cách tốt nhất.
Tích cực tham mưu triển khai quy hoạch chung của tỉnh, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững, hiện đại...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị lãnh đạo Sở trước hết cần sắp xếp tổ chức bộ máy một cách bài bản, nâng cao trình độ quản trị, ưu tiên mạnh mẽ cho chuyển đổi số bởi số hoá đóng vai trò hết sức quan trọng. Cùng với đó là bảo đảm an ninh trật tự, hệ thống giao thông thuận lợi, chăm lo sức khoẻ và an toàn cho du khách.
Bên cạnh đó, du lịch là một lợi thế rất lớn, nhưng muốn phát huy hiệu quả, cần có sự kết nối với các tour trong nước và quốc tế, qua đó phát triển ngành du lịch một cách đồng bộ, bền vững. Không thể gói gọn du lịch chỉ trong phạm vi tỉnh hay trong khu vực trung tâm.
"Chúng ta cũng cần hướng tới xây dựng Đà Lạt không khói thuốc, không có tiếng còi xe. Hãy phủ hoa cho toàn khu vực, bởi đã mang tên “Xứ sở hoa”, “Lâm Đồng ngàn hoa” thì phải xứng đáng với tên gọi ấy.
Mỗi người dân cần trở thành một đại sứ du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách", Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.