Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:
Phải “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam”
VHO - Hôm nay 9.7, đúng vào ngày Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025.

Dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo một số Sở quản lý du lịch, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới đầu cầu của 34 Sở quản lý du lịch trên toàn quốc.
Du lịch phải là ngành kinh tế “truyền cảm hứng”
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gửi lời chúc mừng, cảm ơn và tri ân tới những người làm du lịch trên toàn quốc, qua các thời kỳ, vì những đóng góp và cống hiến cho Ngành trên suốt chặng đường 65 năm qua.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 7 vừa qua, khẳng định du lịch vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của 6 tháng đầu năm nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ghi nhận những nỗ lực của các địa phương với những đóng góp vào tăng trưởng của ngành và kinh tế đất nước.
Nhưng điều mà Thủ tướng cũng như lãnh đạo ngành về du lịch trăn trở, đó là khi vận hành chính quyền hai cấp, đặc biệt là khi cấp Sở không còn Sở Du lịch chuyên biệt nữa (chỉ một số tỉnh, thành phố đặc biệt còn Sở Du lịch), việc chỉ đạo hoạt động có bị đứt gãy?
Năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỉ đồng.

Bộ trưởng cho biết: “Điều mà ngành Du lịch đặt ra là phải làm sao để hoàn thành bằng được cái chỉ tiêu là phấn đấu đón 22- 23 triệu lượt khách quốc tế và trên 120 triệu lượt khách nội địa”.
“Doanh thu du lịch phải được đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng, khi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra là phải đạt 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông đặt vấn đề, với yêu cầu như vậy và nhìn về tổng thể thì tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Đứt gãy trong chuỗi cung ứng là điều khó tránh khỏi. Vậy, giải pháp nào để du lịch có sức chống chịu, thích nghi tốt và góp phần bù đắp những hạn chế do các biến động nêu trên?
“Thị trường nào cần được phát huy? Cách tiếp cận thị trường như thế nào? Nhưng quan trọng hơn, đó là chúng ta phải làm gì để “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam”?
‘“Vẽ lại” không có nghĩa là phủ nhận cái đã có, mà phải tiếp cận nó với tư cách là ngành Du lịch dựa trên bản sắc văn hóa”, Bộ trưởng phân tích.
Sản phẩm du lịch Việt Nam, theo ông, phải mang đậm bản sắc văn hóa, đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các thị trường, đối tượng khác nhau.
“Vẽ lại bản đồ du lịch” là phải tạo ra được sự liên kết, phát huy được lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở sau sáp nhập, thay vì không gian hẹp trước đây.

Để làm được điều này, trước hết những người làm du lịch, từ Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các Sở quản lý du lịch phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền cao hơn về các chính sách thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng lấy một ví dụ trong thực tiễn, khi Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh Gia Lai mới không chỉ còn có Tây nguyên đất đỏ, Biển Hồ lộng gió mà còn có những bãi biển đẹp, có vị mặn mòi ở Ghềnh Ráng.
Hay Quảng Bình và Quảng Trị sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới có rất nhiều nguồn lực và không gian trải dài trên dải đất miền Trung: Đó là Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử cách mạng; từ lợi thế thiên nhiên đến cả những chứng tích chiến tranh, ký ức khốc liệt của chiến tranh ở miền đất này...
Các sản phẩm du lịch có thể kết hợp Lễ hội Hòa bình với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa, để du khách vừa thưởng ngoạn cảnh sắc, vừa hiểu về vùng đất, vừa nêu cao khát vọng hòa bình, không chỉ cho Việt Nam mà của cả nhân loại.
Hoặc như khi sáp nhập Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam thì tỉnh Ninh Bình có thể liên kết để hình thành trung tâm vùng của du lịch tâm linh, kết nối từ Tam Chúc (Hà Nam cũ), Phủ Dầy (Nam Định cũ) đến Bái Đính (Ninh Bình cũ).
Nhấn mạnh đây là Hội nghị đầu tiên triển khai nhiệm vụ của ngành từ sau khi triển khai chính quyền hai cấp, có rất nhiều thay đổi, Bộ trưởng cho rằng, ngành Du lịch cần có những thích nghi với tình hình mới, bộ máy mới để du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà là một ngành kinh tế “truyền cảm hứng”.
“Khi và chỉ khi chúng ta làm kinh tế bằng cả nhiệt huyết, bằng yếu tố văn hóa bền vững, truyền được cảm hứng, chạm đến được trái tim và cảm xúc của du khách. Khách du lịch ngày hôm nay không chỉ đến để ngắm nhìn, mà họ phải được trải nghiệm, phải có cảm xúc thì mới hy vọng khách sẽ quay lại lần thứ hai và những lần sau nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên chặng đường sắp tới, chúng ta phát huy truyền thống của 65 năm qua.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đề xuất sáng kiến trong vấn đề đẩy mạnh các chương trình xúc tiến quảng bá, hình thành được các sản phẩm mới mang tính đặc trưng và tính liên kết vùng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phải quán triệt và phải thực hiện “bộ tứ trụ cột” - 4 Nghị quyết rất quan trọng giúp Ngành và đất nước cất cánh: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Qua đó, chúng ta có thể khơi dậy những ước mơ, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.
“Vậy thì liệu ngành Du lịch có dám nghĩ, dám mơ và dám làm những sản phẩm, ta tạm gọi “du lịch không có dấu chân”? Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào hoạt động, sản phẩm du lịch để du khách có thể ở nhà mà vẫn được du lịch khắp đất nước, khắp thế giới?
Ở Huế đã có bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên trong nước, thu hút hàng nghìn người vào tham quan mỗi ngày, có thu phí. Từ ví dụ này cho thấy, chúng ta cần có những góc nhìn, cách làm mới và những người làm du lịch luôn luôn phải có sự trăn trở để làm tốt hơn.
Để rồi từ mỗi một làng quê, mỗi con đường chúng ta đi, mỗi lễ hội, mỗi câu chuyện dân gian của người Việt cũng phải biến thành được sản phẩm du lịch hấp dẫn. Từ những điểm đến đơn lẻ, sẽ có sự kết nối vững chắc, tạo ra cơ hội, động lực phát triển mới.
“Tất nhiên không phải làm được ngày một ngày hai, nhưng đòi hỏi phải suy nghĩ, đòi hỏi phải tiếp cận theo một tư duy mới. Và những người làm du lịch phải tự “lớn lên”, phải bắt đầu làm từ việc nhỏ bằng trái tim lớn, bằng tình yêu lớn, để rồi có được những sản phẩm hấp dẫn, có sự phát triển mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng nói.
Sẽ không ai làm thay chúng ta được và cũng không thể thành công nếu làm đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng cần phải có sự đồng hành, phân cấp phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa Bộ với Sở… để cùng nhau kiến tạo chính sách.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã báo cáo tóm tắt công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Du lịch.
Các đại biểu đại diện các Sở quản lý du lịch: Hà Nội, An Giang, TP.HCM, Nghệ An…, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đóng góp ý kiến về phát triển du lịch trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính quyền 2 cấp, khi không gian du lịch thay đổi sau sáp nhập. Bộ trưởng cho rằng, các ý kiến phát biểu rất tâm huyết và trách nhiệm.
“Vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam”
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề đặt ra cấp thiết là tái cấu trúc ngành Du lịch để đạt và vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Du lịch, tạo đà phát triển những năm tiếp theo.
Tự hào về chặng đường 65 năm hình thành và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng cũng đặt niềm tin vào nguồn nhân lực hiện nay và lực lượng kế cận của ngành, có những trái tim ấm, những đôi chân bền bỉ, những bàn tay không ngại khó và những khối óc luôn luôn suy nghĩ, đổi mới, sáng tạo.
Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua ngành Du lịch đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; các cấp ủy Đảng đã tăng lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương, ủng hộ cho sự phát triển của ngành Du lịch.
Qua báo cáo trung tâm của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và tham luận của các đại biểu, thông điệp của toàn ngành cần được lan tỏa rộng rãi. Trước hết là phải quy tụ nguồn lực, hợp lực liên kết tạo thành sức mạnh tổng hợp, chọn điểm để xúc tiến quảng bá và quyết tâm bứt phá để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.
Bộ trưởng cũng đưa ra một số định hướng để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, sau khi sáp nhập, phải định vị lại tài nguyên du lịch của các địa phương, quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam. Chậm nhất hết quý III phải làm xong việc này, từ đó “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” như chỉ đạo của Thủ tướng.
Rà soát lại các cơ chế chính sách, các chiến lược, đề án, dự án mà Trung ương và địa phương đã phê duyệt, để bổ sung, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực phát triển mới.
“Việc phát triển du lịch phải có sự đồng lòng, hợp lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn dân, đặc biệt là phải dựa trên sức mạnh của Nhân dân. Ngành Du lịch không thể phát triển một mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành Du lịch cũng đã xác định thị trường trọng điểm từ tầm quốc gia tới địa phương với quan điểm “Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng”. Trong đó, Bộ trưởng nêu rõ 10 thị trường trọng điểm, chiến lược: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga.
Sản phẩm du lịch trong thời gian tới cũng phải có độ lớn và chiều sâu. Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương để xây dựng sản phẩm xứng tầm. Hoạt động xúc tiến cũng yêu cầu có sự đổi mới, hiệu quả cụ thể, có sự liên kết chặt chẽ.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đồng hành với Bộ trong việc đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, từ đó tăng nguồn lực để phát triển văn hóa du lịch ở các địa phương.
Tập trung phát triển cả du lịch nội địa và quốc tế; tăng cường chuyển đổi số trong du lịch, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; liên kết và phân vai rõ để có được các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau; tăng cường xuất khẩu tại chỗ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dịch vụ du lịch đòi hỏi phải chuyên nghiệp, ứng xử văn minh; tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn; xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng “chặt chém” du khách…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vào việc ngành Du lịch chú trọng về chất hơn về lượng. Hay như việc, có thể từ hơn 800 lễ hội 1 năm hiện nay chỉ còn 365 lễ hội (trung bình mỗi ngày 1 lễ hội- PV) nhưng hấp dẫn hơn, ý nghĩa hơn, thu hút sự tham gia của nhiều người hơn.
“Hiện nay, mỗi du khách quốc tế tới Việt Nam tiêu 1.500 USD, đây là con số biết nói về sự tăng trưởng của ngành Du lịch. Chúng tôi mong muốn tăng lên 2.000 USD/ khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông cho biết, du lịch là ngành tác động phát triển tới 18 ngành kinh tế khác nên có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước. Vì thế, du lịch còn là “ngành kinh tế truyền cảm hứng”.