Hợp nhất Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam:

Bước ngoặt thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững

ĐỨC HOÀNG

VHO - Ngày 9.7, tại Furama Resort Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, chính thức thông qua chủ trương hợp nhất giữa hai hiệp hội.

Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược liên kết phát triển du lịch vùng và hướng tới mục tiêu nâng tầm vị thế du lịch miền Trung trên bản đồ quốc tế.

Bước ngoặt thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững  - ảnh 1
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành về việc hợp nhất giữa hai Hiệp hội

Tăng cường liên kết, tạo sức bật cho du lịch vùng

Phát biểu tại sự kiện, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (trước sáp nhập) cho biết, việc hợp nhất là kết quả của quá trình thảo luận, đồng thuận giữa lãnh đạo và hội viên hai hiệp hội.

Mục tiêu chung là tối ưu hóa nguồn lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường năng lực cạnh tranh của điểm đến.

“Thay vì hoạt động độc lập, một tổ chức chung sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc kiến nghị chính sách, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh và tạo ra các gói sản phẩm liên kết hấp dẫn hơn với du khách”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (trước sáp nhập) bày tỏ sự tin tưởng vào bước đi chiến lược này: “Việc sáp nhập mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và tạo nên một bức tranh du lịch vùng thống nhất, hấp dẫn và bền vững”.

Bước ngoặt thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững  - ảnh 2
Ông Cao Trí Dũng phát biểu tại sự kiện

Việc hợp nhất được đánh giá là bước đi phù hợp trong bối cảnh xu hướng phát triển du lịch hiện đại đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Đà Nẵng và Quảng Nam vốn đã có nhiều điểm chung về thị trường khách, hạ tầng kết nối và tài nguyên du lịch, nay khi "về chung một nhà", sẽ có điều kiện tốt hơn để triển khai các chiến lược dài hạn, có trọng tâm và hiệu quả.

Thay đổi cơ cấu - động lực thúc đẩy chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng

Đánh giá về tác động của sự hợp nhất, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Đây không chỉ là sự cộng hưởng về tổ chức, mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ là trọng tâm nhằm cập nhật xu hướng quản trị, vận hành và chuyển đổi số trong ngành”.

Hiệp hội cũng định hướng tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động định kỳ như diễn đàn du lịch, hội chợ, famtrip khảo sát điểm đến, các giải thưởng… tạo sân chơi và cơ hội hợp tác thiết thực giữa doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Đồng thời, Hiệp hội đang làm việc với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, tiêu chí hoạt động giữa các Chi hội và Câu lạc bộ thành viên, hướng tới vận hành minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp hóa toàn diện.

Bước ngoặt thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững  - ảnh 3
Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho hay, sự hợp nhất lần này không chỉ là sự cộng hưởng về mặt tổ chức, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch toàn vùng

Việc hợp nhất sẽ không làm chia nhỏ thị phần mà ngược lại, giúp tạo ra "chiếc bánh lớn hơn", phong phú hơn. Với một chiến lược sản phẩm đồng bộ, doanh nghiệp có thể chủ động kết nối dịch vụ giữa hai địa phương, xây dựng những hành trình mới mẻ, độc đáo và tăng trải nghiệm cho du khách.

“Các doanh nghiệp nên tham vấn thêm các nhà đầu tư, cơ quan chính phủ về đầu tư cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch để không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn xây dựng một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, từ đó tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khác biệt cho mọi du khách”, ông Cao Trí Dũng chia sẻ thêm.

Tổng Thư ký Chi hội Khách sạn Đà Nẵng - ông Trần Kim Thọ cũng đề xuất đẩy mạnh tổ chức các sự kiện định kỳ như Giải bóng đá Cúp Hội Khách sạn, Cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp, Ngày hội Du lịch và Du lịch xanh Đà Nẵng… nhằm quảng bá điểm đến và nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành.

Hướng tới một hệ sinh thái du lịch thống nhất, bền vững và khác biệt

Việc hợp nhất không chỉ giúp Đà Nẵng - Quảng Nam phối hợp tốt hơn trong tổ chức sự kiện, quảng bá điểm đến mà còn là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái du lịch thống nhất, chuyên nghiệp.

Ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam (trước sáp nhập) cho rằng: “Hợp nhất sẽ giúp chúng ta khai thác tối đa tiềm năng, tạo dựng hình ảnh điểm đến đồng nhất, thu hút thêm khách quốc tế”.

Từ góc độ phát triển bền vững, bà Linh Chi - Trưởng Chi hội Homestay Villa Hội An nhận định: “Đây là cơ hội vàng để triển khai các chương trình du lịch xanh, du lịch cộng đồng có tính liên vùng. Nếu mở rộng liên kết với Huế, chúng ta có thể kiến tạo hành trình văn hóa - nghỉ dưỡng đặc sắc của miền Trung, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế”.

Bước ngoặt thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững  - ảnh 4
Hợp nhất Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam mở ra tiền đề phát triển, thúc đẩy hợp tác liên vùng và phát triển bền vững

Tại sự kiện, Ban Chấp hành hai Hiệp hội đã thống nhất một số nội dung quan trọng sau khi hợp nhất: Tên gọi chính thức là Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng. Đồng ý chủ trương hợp nhất và đề cử ông Cao Trí Dũng làm Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng sau khi hợp nhất.  

Tạm thời hợp nhất và giữ nguyên trạng toàn bộ cơ cấu tổ chức của Ban Chấp hành, Thường trực, các Chi hội và Câu lạc bộ của hai Hiệp hội.

Thống nhất Văn phòng Hiệp hội đặt tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng, Văn phòng 2 đặt tại phường Hội An. Thống nhất tài chính của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng sau hợp nhất.

Giao thường trực lâm thời Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng chuẩn bị đề án trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

Việc hợp nhất Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn cho sự phục hồi sau đại dịch, hướng đến phát triển bền vững ngành du lịch miền Trung.

Không chỉ mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức mới sẽ là đầu mối quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền và cộng đồng, đưa du lịch khu vực lên một tầm cao mới - chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.