Bình Định:

Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước du lịch nông nghiệp

PHAN HIẾU

VHO - Sáng 25.6, Sở Du lịch Bình Định tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý nhà nước du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng; du lịch nông nghiệp nhằm phát triển du lịch xanh và bền vững. Đây là lớp bồi dưỡng dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách quản lý, theo dõi ngành du lịch cấp huyện, thị xã, thành phố.

 Theo đó, trong 3 ngày (từ ngày 25 – 27.6), các học viên sẽ được báo cáo viên trình bày các nội dung: Những kiến thức mới về xu hướng du lịch trong nước và quốc tế; những chủ trương, chính sách, đề án mới của Đảng, Nhà nước về du lịch; du lịch nông nghiệp và vai trò của du lịch nông nghiệp đối với phát triển du lịch xanh và bền vững; hợp tác xã du lịch và vai trò của hợp tác xã đối với phát triển du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng và giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh và bền vững; kết quả phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng và du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định; công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới; bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam…

Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước du lịch nông nghiệp - ảnh 1
Quang cảnh lớp bồi dưỡng

Phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh cho biết: Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên cả phương diện lượng khách cũng như doanh thu từ thị trường nội địa và quốc tế, tuy nhiên, sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ đã gây ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những điểm đến có sự phát triển “nóng”. Với đặc thù ngành du lịch khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, du lịch Việt Nam muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhất thiết phải phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Đây cũng chính là “chìa khóa” để phát triển du lịch bền vững. Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, phát triển du lịch xanh đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là cuối tháng 2 năm này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề xuất mục tiêu cụ thể là “Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững.

Trong đó, phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050” và đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như “ Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng. Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng thể hiện được tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý….”.

Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước du lịch nông nghiệp - ảnh 2
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định phát biểu tại lớp khai giảng

Hiện nay, Bình Định bắt đầu phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng, du lịch nông nghiệp dựa vào tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm, mô hình, tour, tuyến du lịch nhất là đối với các địa phương phía Bắc và phía Tây của tỉnh. Đã hình thành được một số điểm du lịch như làng bí đao Mỹ Thọ ở huyện Phù Mỹ; Nẫu Ecovalley tại thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão; vườn rau sạch, vườn đào ở  xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; Làng rau Thuận Nghĩa ở huyện Tây Sơn; Yuuki Farm ở Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn; Ca Organic Farm ở huyện Vân Canh...

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng, du lịch nông nghiệp ở Bình Định thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao, chưa có chiều sâu và thiếu cách làm bài bản; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch này chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng trong tham gia phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng, du lịch nông nghiệp còn mờ nhạt. Nhìn chung, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí có khai thác giá trị tài nguyên rừng, du lịch nông nghiệp ở Bình Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, lớp bồi dưỡng này nhằm cung cấp, bổ sung kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách quản lý, theo dõi ngành du lịch ở các huyện, thị xã, thành phố để vận dụng trong quá trình tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.