Cùng mở ra chương mới cho Du lịch và Nông nghiệp Việt Nam
VHO - Ngày 1.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Toạ đàm Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông thôn “Hai là một- một của hai”.
Toạ đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Bộ NN&PTNT, đại diện HHDL Việt Nam, các chuyên gia, các cơ quan báo chí.
Để mỗi làng quê Việt Nam là những làng quê đáng sống
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông luôn đau đáu việc làm sao để phát huy các tiềm năng, giá trị của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam để phát triển du lịch. Khơi dậy, nuôi dưỡng niềm tự hào của người nông dân về tình yêu quê hương, đất nước, yêu nông thôn, yêu giá trị lao động; nâng cao đời sống người dân; giảm tình trạng ly nông, ly hương; để mỗi làng quê Việt Nam là những làng quê đáng sống.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, từ khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông đã lăn lộn, trải nghiệm, học tập cách làm du lịch nông nghiệp ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Đặc biệt là những nơi có mô hình du lịch nông nghiệp thành công như Hàn Quốc và các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Ở đó, những miền quê mà người dân vốn luôn mặc cảm nghèo khó như bừng sống dậy. Họ trang hoàng nhà cửa, thay đổi nếp sống, tiếp thu các nền văn hoá khác nhau, họ văn minh hơn, yêu quê hương hơn. Đó là khi họ đón khách du lịch, cho khách trải nghiệm làng nghề, nghe nhạc dân tộc, xem người dân múa hát, thử làm nông dân cấy lúa, dệt vải, thưởng thức hoa quả tại vườn.
Khách thì vui với làng quê, chìm đắm ở những vùng bình yên, thôn dã - những nơi mà bấy lâu nay, vì những quay cuồng của cuộc sống hiện đại, nhiều người quên mất.
Ở những nơi đó, những người nông dân nhận ra rằng, hoá ra nhiều khi không phải tiền quan trọng nhất mà làm du lịch, có những giá trị vô hình, quý giá, không thể tính đếm được. Và quan trọng nhất là họ được mở mang nhận thức, tiếp xúc với nhiều người, những mảnh vườn mà lâu nay họ lầm lũi vun trồng giờ rộn rã tiếng cười….
Khách du lịch tới những vùng nông thôn đó sẽ không còn cắm mặt vào điện thoại, mê mẩn với Internet, facebook, tiktok, zalo… Ông bà, cha mẹ sẽ cùng chơi với con cháu, cùng làm bánh, cùng trồng cây, cùng ngắm hoàng hôn ở vùng rừng núi nào đó. Họ sẽ yêu thương nhau hơn, yêu cuộc sống hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam, sẽ hình thành những miền quê hạnh phúc. Người nông dân ở đó coi nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai của mình. Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải mở rộng bản đồ du lịch quốc gia, định vị thêm các điểm đến nông thôn, nơi còn có rất nhiều cảnh quan đẹp; nhiều di sản vật thể, phi vật thể; nhiều giá trị, sản phẩm của nông nghiệp, nông thôn chưa được khai thác.
Nhiều vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Báo cáo những nội dung đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: “Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần da dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú của khách nhờ sản phẩm dịch vụ du lịch và điểm đến tại khu vực nông thôn”.
“Trên cơ sở báo cáo của 63 Sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó có, 382 điểm du lịch (khoảng 80%) nằm trên địa bàn nông thôn...”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Trong đó, chất lượng dịch vụ dịch vụ du lịch nông thôn còn hạn chế, nhiều địa phương mới dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày, dịch vụ đơn giản.
Chưa có nhiều sản phẩm có tính chất liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch có giá trị gia tăng cao, có tính đặc trưng cao để có thể xây dựng thương hiệu quảng bá cho du lịch nông nghiệp Việt Nam, thiếu các sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm chất lượng cao…
Rất nhiều địa phương vướng mắc liên quan đến vấn đề sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp, điểm tài nguyên có điều kiện phát triển du lịch nhưng hiện nay chưa có quy định để các khu vực đó có thể kết hợp đồng thời vừa sản xuất nông nghiệp vừa phục vụ khách du lịch ở mức độ chuyên nghiệp, có thể xây dựng nhà đón tiếp, nhà trưng bày, khu vệ sinh, đáp ứng các dịch vụ có chất lượng ăn uống, mua sắm, lưu trú, hoạt động trải nghiệm...
Trong quá trình đầu tư, một số dự án du lịch tại nông thôn gặp khó khăn do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp không chuyển đổi được sang mục đích thương mại dịch vụ. Một số dự án đã xây dựng, hoặc xây dựng một phần công trình nhà ở trên đất nông nghiệp, đất rừng dẫn tới phải dỡ bỏ…
Một số đã "lách luật" xây dựng công trình bằng vật liệu tạm, tiền chế, cải tạo container cũ thành phòng ở với quy mô nhỏ để phục vụ khách lưu trú, tuy nhiên hầu hết các công trình không đáp ứng yêu cầu về độ bền, thiết kế, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu đồng bộ.
Nhiều địa phương có nhiều làng, bản, thôn, xóm đã khai thác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, tuy nhiên quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn lộn xộn, chưa đồng bộ, thiếu dấu ấn đặc trưng mang bản sắc văn hóa, giá trị bản địa.
Việc khai thác các nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới cho đầu tư hạ tầng, tăng khả năng tiếp cận, nâng cao chất lượng điểm đến du lịch nông thôn còn hạn chế.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các Bộ xem xét, tháo gỡ khó khăn đối với mô hình phát triển du lịch nông nghiệp trên đất nông nghiệp, mô hình kinh tế trang trại kết hợp khai thác du lịch.
Nghiên cứu, phối hợp đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án được xác định phát triển theo mô hình liên kết chuỗi du lịch và nông nghiệp, đảm bảo hai yếu tố sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch đặc biệt là các trang trại.
Phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai đưa nội dung phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vào quá trình triển khai thực hiện quy hoạch kinh tế- xã hội các tỉnh.
Quy hoạch nông thôn phù hợp với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như sử dụng tốt các nguồn lực từ xây dựng nông thôn mới.
Phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, có thương hiệu. Định hướng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời cho ngành nông nghiệp và du lịch, góp phần phát triển nông thôn bền vững theo hướng bao trùm và đa giá trị.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình liên kết chuỗi nông nghiệp, du lịch bắt đầu từ những mô hình tiêu biểu cấp vùng để tạo động lực lan tỏa. Thúc đẩy tăng doanh thu từ khách du lịch cùng với doanh thu từ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ thông qua hoạt động du lịch.
Những định hướng quan trọng
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: “Đã có 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn để triển khai đến năm 2025”.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã tích hợp du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... trong các Kế hoạch của Bộ triển khai các Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Ông Ngô Trường Sơn đưa ra 5 giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới: Tuyên truyền nâng cao năng lực; hoàn thiện chính sách, văn bản; đào tạo tập huấn nghiệp vụ; xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến thương mại
Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT về chủ trương cho phép Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức: Cuộc thi Giải thưởng du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; Thi sáng tác ý tưởng về du lịch nông thôn; Diễn đàn kết nối, xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn năm 2024.
Tại Toạ đàm, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu về việc thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6), nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu về việc phối hợp triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Phó cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) Vi Thanh Hoài cho rằng: “Từ đó đến nay, nhận thức và đời sống của người dân ở nhiều vùng quê trên khắp đất nước đã có những thay đổi rõ rệt”.
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, đại diện các cơ quan chuyên môn của hai Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin rằng, việc hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong tương lai. Nhắc lại câu thơ của thi sĩ Tản Đà “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định du lịch và nông nghiệp luôn gắn kết với nhau.
Bộ trưởng cho rằng, chính sự bình dị, tinh tuý của nông nghiệp sẽ là chất liệu, nguồn cảm hứng để du lịch phát triển. Chính những người nông dân sẽ biến tiềm năng thành yếu tố cạnh tranh, sự khác biệt để thu hút khách.
Những giá trị lâu đời của nông nghiệp như: Những thửa ruộng bậc thang, cách gieo trồng lúa nước, những vườn cây trĩu quả, những nông trang tốt tươi, xanh mát, những đồi hoa tam giác mạch lãng mạn… đã tạo nên các bức tranh nông nghiệp đẹp và nên thơ trên mọi miền đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thời gian tới, với việc “bắt tay” của hai Bộ, cần làm rõ hơn vai trò kiến tạo, “bà đỡ” để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xác định được vai trò chủ thể, trách nhiệm của các bên và của cộng đồng. Kêu gọi sự tham gia của xã hội, các công ty lữ hành đồng hành cùng người dân trong phát triển du lịch.
Với những định hướng quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan tới vấn đề đất đai trong phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên nhận diện nét đặc sắc về văn hoá, con người từng vùng miền.
Nhận diện chính thức về bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn vì nếu không minh định được việc này, sẽ khó có thể có tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cả hai bên để có thể phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bài bản, chuyên nghiệp.
Khi bắt đầu và kết luận buổi Toạ đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: Là du lịch nông nghiệp hay nông nghiệp du lịch? Rồi ông trả lời: “Hai là một - một của hai”. Điều đó nói lên rằng cả hai đều rất cần nhau. Việc hai Bộ trưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cùng ngồi lại bàn thảo, ký kết chương trình hợp tác về phát triển du lịch nông nghiệp hôm nay đã chứng minh điều đó. Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện du lịch nông nghiệp, cùng mở ra chương mới cho Du lịch và Nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.