Chuẩn hóa du lịch nông nghiệp, nông thôn
VHO - Những năm gần đây nhờ đa dạng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn bằng cách đưa sản phẩm OCOP vào làm quà tặng đã đem lại nhiều lợi ích tích cực đồng thời là điều kiện thuận lợi để các địa phương khai thác, phát triển du lịch cũng như tạo đà cho sản phẩm OCOP vươn xa, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày một nâng lên; cái đói, cái nghèo đã lùi vào quá khứ.
Phát triển lợi thế địa phương
Được công nhận làng nghề chè từ năm 2014, làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) có trên 85% số hộ sống nhờ nghề sản xuất chè với tổng diện tích gần 200 ha chè. Chè được người dân thôn Vĩnh Tân trồng tập trung thành khu tạo nên những đồi chè đẹp mắt. Những năm gần đây xã Tân Trào đã kết hợp du lịch lịch sử với du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, để gắn du lịch với sản phẩm đặc trưng của địa phương xã đang hướng tới cải thiện cảnh quan thu hút khách du lịch khi đến tham quan làng nghề vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chè bằng cách khuyến khích người dân trong thôn Vĩnh Tân tận dụng những thửa ruộng chằm, thụt bỏ hoang để trồng sen, vừa tạo cảnh quan cho khách du lịch trải nghiệm vừa làm nguyên liệu tẩm ướp chè.
Năm 2020, sản phẩm chè của HTX chè Vĩnh Tân được phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX chè Vĩnh Tân cho biết, HTX đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm chè xanh, sản lượng hơn 800 tấn mỗi năm, doanh thu đạt hơn 66 tỷ đồng; sản phẩm chè của HTX gồm 2 loại là sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và sản phẩm tiêu thụ trong nước. Hiện HTX tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại huyện vùng xâu, vùng xa nhất của tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, huyện này hội tụ những nền văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc anh em với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn,… tạo nên sức hấp dẫn riêng có cho vùng cao Lâm Bình.
Thời gian qua, Lâm Bình đã tiến hành quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Ngoài việc hỗ trợ nhân dân về cách làm du lịch, huyện còn trực tiếp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về du lịch cộng đồng. Ngành Văn hóa cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Hiện Lâm Bình đang có 3 xã: Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm chọn homestay làm sản phẩm OCOP, như: Homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm, Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can. Các Homestay đang duy trì các mô hình trải nghiệm lý thú như: tham gia du lịch đồi chè, tự tay hái chè theo hướng dẫn của nghệ nhân và sao chè, đóng gói.Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, những ông chủ homestay là người dân tộc đã bắt kịp với xu hướng du lịch cộng đồng, họ được học hỏi về những quy định đón khách du lịch thế nào cho thật văn minh, lịch sự và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh thôn bản, an ninh trật tự để giữ gìn nét đẹp truyền thống của địa phương cũng luôn được chú trọng.Ông Trung nói
Anh Chẩu Văn Tụy, chủ Homestay Mai Tụy, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà bày tỏ: Ban đầu, bản thân anh và nhiều hộ dân trong thôn cũng chưa hiểu hết về Chương trình OCOP nhưng được đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết, bà con đã hiểu mình cần phải làm gì để du lịch cộng đồng sớm trở thành sản phẩm OCOP. Từ những việc làm cụ thể như: Xây dựng quy định về việc tiếp đón du khách sao cho thật văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà... được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, homestay dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch.
Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, tại Lâm Bình đều đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Cũng nhờ du lịch mà hiện nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, nơi đây cũng là điểm đến của các nhà đầu tư.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách và cũng nhằm “mở đường” cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng tốc, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết vùng thuận lợi. Những dự án giao thông sẽ mang lại cho Tuyên Quang cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế dịch vụ, từ đó thúc đẩy du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng
Để thúc đẩy cho du lịch nông nghiệp nông thôn tăng tốc, Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Phương, tỉnh Tuyên Quang xác định xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Ngọc Minh