Du lịch Đà Nẵng:
Bài 2 - Tạo thế và lực mới
VHO - Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, ngành Du lịch Đà Nẵng phải ghi nhận những biến động nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đạt được. Trong đó, ảnh hưởng của mùa dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ 2019 đến 2022 là rất nặng nề, nhất là khi Đà Nẵng lại thuộc một trong những địa phương bị nhiễm dịch đầu tiên, phải phong tỏa đến 6 tháng liền.
Bước sang 2023, địa phương mới từng bước hồi phục kinh tế du lịch và câu hỏi phải làm sao lấy lại được đà tăng trưởng cũ lập tức đặt ra.
Phát triển nhưng không vững chắc?
Nhận định từ chính một số lãnh đạo ngành Văn hóa và Du lịch Đà Nẵng về thế và lực của mũi nhọn du lịch, đều cho rằng địa phương đã rất nỗ lực, song căn bản chưa có được sức phát triển vững chắc.
Phân tích từ chính đánh giá khảo sát của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy, có ít nhất 5 vấn đề phải nhìn nhận từ lịch trình phát triển đã qua.
Thứ nhất, Đà Nẵng chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho định hướng phát triển du lịch, đặc biệt là các mảng lịch có điều kiện như sản phẩm ban đêm, khảo cứu văn hóa, du lịch khám phá, phiêu lưu mạo hiểm… Đơn cử, địa phương là thành phố biển, nhưng đến nay mảng đầu tư du lịch giải trí, khám phá dưới nước vẫn chậm triển khai. Khá nhiều dự án đầu tư được địa phương xúc tiến, song vẫn không gỡ được các nút thắt cơ chế, điều kiện phê duyệt…
Thứ hai, nhiều thủ tục, quy định chưa được điều chỉnh, nhất là các quy định pháp luật liên quan hoạt động du lịch vẫn còn bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của du lịch địa phương. Việc rà soát, phê duyệt nhiều dự án du lịch, nhất là xem xét chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư ngoài ngân sách vẫn bị kéo dài, thậm chí càng là dự án lớn càng bị trở ngại.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch vẫn chưa đồng bộ, nhiều dự án, tuyến đường, điểm đến chưa được đầu tư, nhất là về đường thủy. Đặc biệt điều kiện kết nối du lịch từ Đà Nẵng ra các địa phương xung quanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thông suốt từ cơ quan quản lý. Vấn đề môi trường trong hoạt động du lịch địa phương cũng chưa được tổ chức tốt.
Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng của du lịch Đà Nẵng chưa nhiều. Đa số doanh nghiệp chưa thể tuyển được những nhân viên, cán bộ quản lý dịch vụ, du lịch đạt các tiêu chuẩn như mong muốn.
Cuối cùng, công tác chuyển đổi số ở hoạt động du lịch và quản lý Nhà nước đối với du lịch vẫn còn chậm, chưa theo kịp tiến trình phát triển của ngành. Các kênh thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ hỗ trợ du khách đi lại, mua sắm, giải trí… ở Đà Nẵng vẫn còn rất hạn chế. Các thông tin giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch chưa đảm bảo được chất lượng để hấp dẫn hơn.
Bởi những trở ngại đó, thời gian qua, dù Đà Nẵng là địa phương nhận nhiều giải thưởng từ các hoạt động, sự kiện du lịch quốc gia và quốc tế, song hiệu quả du lịch vẫn hạn chế. Điển hình là mức chi tiêu của du khách ở địa phương, bình quân giai đoạn 2017 - 2023 chỉ 3,5 triệu đồng/lượt/du khách; ý kiến du khách về 5 dịch vụ cơ bản (lưu trú, ăn uống, phương tiện di chuyển, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ khác) trong thang điểm 6 (không hài lòng đến hài lòng), bình quân chỉ đạt 4,11 - 4,23 điểm, trong đó ăn uống bị đánh thấp nhất (5,08 điểm).
Nhìn chung, du khách hài lòng với chất lượng dịch vụ cung cấp ở Đà Nẵng, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh cần khắc phục, để du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương.
Bốn giải pháp chuyển biến
Trong một góp ý phát triển Đà Nẵng mới đây, một số chuyên gia tư vấn cho rằng, địa phương cần nghiên cứu, tổ chức 4 giải pháp cơ bản, khắc phục 5 hạn chế để chuyển biến về chất lượng hoạt động và đầu tư du lịch.
Trước hết, trong điều kiện chưa có cơ chế đặc thù để phát triển du lịch, thành phố Đà Nẵng cần ưu tiên tập trung các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính biểu tượng của thành phố, thể hiện tầm vóc đầu tư của địa phương về chiến lược kinh tế, tạo nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ, quy mô, đột phá cho địa phương. Các loại hình du lịch về đêm, du lịch đường thủy… nên được ưu tiên xem xét để phát triển.
Thứ hai, việc điều chỉnh thủ tục hành chính, pháp lý… còn trở ngại, thì địa phương cần lựa chọn những dự án đầu tư phát triển du lịch có lợi thế, nguồn lực, có thể phối hợp liên ngành, liên vùng tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tổ chức sản phẩm du lịch chuyên đề, đầu tư có trọng điểm, tạo sức lan tỏa ra các địa phương lân cận. Đà Nẵng nên vận động hình thành cơ chế điều phối và liên kết phát triển du lịch theo vùng.
Thứ ba, tổ chức quy hoạch và cấu trúc quy hoạch phát triển kinh tế Đà Nẵng hướng đến nền kinh tế mở, kinh tế thương mại – du lịch đặc thù, tạo những vùng đầu tư trọng điểm, như bán đảo Sơn Trà là trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, siêu sang và điểm đến tâm linh; vùng sinh thái rừng núi phía Tây hình thành các tổ hợp du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, phát triển du lịch trải nghiệm, thể thao mạo hiểm, tìm hiểu văn hóa cộng đồng, lịch sử, giáo dục…; trung tâm Đà Nẵng hình thành trung tâm kinh tế đêm và dịch vụ du lịch cao cấp, khai thác du lịch đường thủy nội địa (bến du thuyền), hoạt động thể thao giải trí dưới nước…
Thứ tư, Đà Nẵng cần đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa toàn diện và tích cực, nhất là trong việc cung cấp thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch ra bên ngoài.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiêp hội Du lịch Đà Nẵng, các giải pháp đề nghị như vậy đã được Sở Du lịch Đà Nẵng tiếp nhận, tổ chức nghiên cứu trong nhiều tháng qua và bắt đầu thực thi kể từ mùa đông 2024 này, với kỳ vọng sẽ tạo thay đổi lớn cho toàn ngành du lịch địa phương.