Hành trình của những cảm xúc trên cung đường đẹp nhất Việt Nam:
Bài 2: Chinh phục đèo Khánh Lê, dừng chân tại Yang Bay
VHO - Dưới bầu trời xanh thẳm của hành trình mùa xuân, đoàn Caravan chúng tôi không chỉ đồng hành trên những cung đường đẹp mà còn tìm thấy sự gắn kết diệu kỳ giữa những con người đã quen từ lâu hoặc mới quen mà hợp nhau đến lạ.

Sức hút của thành phố hoa và nhạc
Từ Đà Lạt sương giăng, vượt đèo Khánh Lê hùng vĩ, đến Yang Bay huyền thoại, mỗi điểm dừng chân đều lưu lại dấu ấn của sự sẻ chia, đồng lòng.
Chuyến đi không chỉ là hành trình khám phá thiên nhiên, mà còn là hành trình của những tâm hồn đồng điệu, gắn kết bởi chung một niềm đam mê xê dịch, khám phá và tận hưởng từng khoảnh khắc ý nghĩa.
“Tôi chưa bao giờ hết mê say những cung đường, nhất là khi được rong ruổi trên một hành trình vừa lãng mạn vừa thử thách lên rừng xuống biển như Caravan – Hành trình mùa xuân 2025 cùng những người thân yêu”, chị Dương Đào Thái Thư, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo Dịch vụ du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông chia sẻ.
Caravan là loại hình du lịch khó tổ chức, đòi hỏi tính kỷ luật cao, yêu cầu cá nhân hoá và chuyên biệt hoá trong sản phẩm du lịch này. Nhưng đây cũng là loại hình du lịch gắn kết mạnh mẽ các thành viên.

“Vì thế, chúng tôi chọn caravan cho chuyến đi đầu năm 2025 để kết nối các thành viên Hội Lữ hành G7. Qua chuyến đi, các thành viên cũng kết nối dịch vụ, điểm đến để hình thành những sản phẩm du lịch mới cho năm nay và những năm tiếp theo”, Trưởng đoàn caravan, Chủ tịch Hội Lữ hành G7 Trương Đức Hải chia sẻ với tôi trước khi rời nhà hàng Điểm hẹn Sài Gòn (Di Linh, Lâm Đồng) để khởi hành đi Đà Lạt.
Sau chặng khởi hành đầy hào hứng, đoàn caravan của chúng tôi tiếp tục hành trình mùa xuân với cung đường đẹp mê hoặc, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện trong những sắc màu kỳ diệu.
Đà Lạt đón chúng tôi bằng bầu không khí se lạnh đặc trưng, những triền đồi hoa mai anh đào đang độ bung nở và những con đường quanh co giữa rừng thông vi vu trong gió.
Con đường dốc quanh co dẫn vào cửa ngõ Đà Lạt đẹp mê hồn. Nó thể hiện rõ nhất đặc trưng của thành phố núi này và cũng có sức hút đặc biệt với những tay lái của các đoàn caravan muốn tự mình chinh phục các cung đường khó.
Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, từ lâu đã là điểm đến du lịch hấp dẫn với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và bản sắc văn hóa độc đáo.

Với những lợi thế này, Đà Lạt từng có một thời kỳ hoàng kim, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch cả nước đang phát triển mạnh mẽ, các điểm đến mới liên tục xuất hiện và cạnh tranh gay gắt, Đà Lạt cần có những bước đột phá để lấy lại vị thế vốn có.
Sự bứt phá này không chỉ nằm ở việc phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn phải hướng đến mô hình du lịch xanh, bền vững, bảo tồn cảnh quan và giải quyết các vấn đề quá tải hạ tầng.
Chỉ khi đổi mới mạnh mẽ, Đà Lạt mới có thể tiếp tục giữ vững sức hút và khẳng định vai trò là một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam.
Đà Lạt không chỉ được biết đến là thành phố ngàn hoa, mà còn ghi dấu ấn đặc biệt khi trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Đây là lợi thế quan trọng giúp Đà Lạt không chỉ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch văn hóa, nghệ thuật quốc tế.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả danh hiệu này, Đà Lạt cần có chiến lược bài bản nhằm đưa âm nhạc trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng.

Điều đó có thể thực hiện thông qua việc tổ chức các lễ hội âm nhạc quốc tế, xây dựng các không gian trình diễn nghệ thuật cố định, phát triển tuyến phố âm nhạc, hỗ trợ các nghệ sĩ và ban nhạc sáng tạo.
Cũng có thể lồng ghép âm nhạc vào các tour du lịch trải nghiệm, giúp du khách không chỉ đến với Đà Lạt để tận hưởng thiên nhiên mà còn để hòa mình vào không gian nghệ thuật độc đáo.
Việc kết hợp giữa âm nhạc và thiên nhiên thơ mộng sẽ giúp Đà Lạt tạo dựng một bản sắc riêng, gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao giá trị thương hiệu và từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm giao thoa giữa âm nhạc và du lịch sáng tạo của khu vực.
Tôi nhớ lần đầu đến Đà Lạt, ngồi hàng tiếng đồng hồ nhấm nháp ly cà phê thơm lừng ở cổng chợ Đà Lạt, nhìn mưa bay lặng lẽ. Phía xa, một nữ sinh mặc áo dài trắng, cầm chiếc ô trong suốt đi như một tiên nữ dưới làn mưa.
Giây phút ấy, thời gian dường như trôi rất chậm. Cuộc sống rất đẹp, rất thơ.
Có ai đó đã nói: “Đôi khi cuộc sống dạy chúng ta rằng những điều quý giá nhất chính là những thứ không thể định giá. Đó là mùi hương cà phê vào buổi sáng, âm thanh nhẹ nhàng của mưa gõ vào cửa sổ, hay ánh sáng rực rỡ của hoàng hôn dường như trong khoảnh khắc làm thời gian ngừng trôi”.
Và rằng: “Những điều giản đơn nhất mang trong mình một sức mạnh thầm lặng. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, giữa cơn hỗn loạn, điều thực sự quan trọng không phải là những gì ta sở hữu, mà là những gì ta có thể cảm nhận”.

Đèo Khánh Lê – Nối hoa với biển
Chia tay Đà Lạt, chúng tôi chúng tôi bắt đầu một thử thách đầy hấp dẫn: chinh phục đèo Khánh Lê dài 33km, quanh năm sương mùa bao phủ, nối Đà Lạt ngàn hoa với biển xanh Nha Trang.
Khánh Lê không phải là con đèo hiểm trở nhất, nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, hoà quyện cùng sự mềm mại của những con đường quanh co giữa đại ngàn. Sương mù ngập lối.
Khi xe bắt đầu đổ dốc từ độ cao hơn 1.500 mét, trước mắt tôi mở ra một cảnh tượng tuyệt đẹp: Cánh rừng xanh rì kéo dài đến tận chân trời, những thác nước nhỏ đổ xuống từ vách núi, những cây cô đơn nằm chênh vênh trên triền núi…
Tôi mở hé cửa kính, hơi sương mát lạnh ùa vào trong xe. Tôi hít thật sâu làn không khí trong trẻo ấy và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trên cung đường đèo ma mị này.
Bạn đồng hành và cũng là đồng nghiệp của tôi lái rất mượt. Có thể do đã quen đường, thuộc từng khúc cua trên đèo Khánh Lê nên vừa lái, anh vừa kể với chúng tôi về những kỷ niệm khi qua con đèo này những lần trước.
Đèo Khánh Lê không chỉ là tuyến đường quan trọng nối liền Đà Lạt với Nha Trang mà còn là một cung đường đầy tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm.
Đạp xe địa hình, leo núi, trekking hay đơn giản là các tour du lịch khám phá thiên nhiên dọc tuyến đường này đều có thể trở thành sản phẩm hút khách. Vấn đề là làm sao giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, hạn chế tác động tiêu cực từ du lịch đại trà.
Đoàn caravan sáng đèn, bám đuôi nhau đi chầm chậm trong sương mù. Tiếng bộ đàm liên tục báo: “Các xe chủ động giảm tốc độ, tránh xe ngược chiều, xe 1 báo”, “Các xe chú ý, nhiều xe tải đi ngược chiều, xe 9 báo”, “Đoàn đã qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, sang địa phận tỉnh Khánh Hòa, trung tâm báo”…

“Thác trời” Yang Bay - Huyền thoại giữa đại ngàn
Yang Bay trong tiếng Raglay nghĩa là "thác trời". Đúng như tên gọi, thác nước nơi đây đổ xuống từ những ghềnh đá, tạo thành một không gian vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Chúng tôi lang thang qua những lối mòn nhỏ, men theo dòng suối trong veo, lắng nghe tiếng nước vỗ vào đá, cảm nhận từng cơn gió mang hơi lạnh của rừng già.
Khi chúng tôi đến Công viên du lịch Yang Bay đã là lúc chiều muộn. Giữa không gian bạt ngàn cây xanh, tiếng suối chảy róc rách như một bản hoà ca của thiên nhiên, nơi này lập tức khiến tôi cảm thấy như đang lạc vào một thế giới khác - nguyên sơ, kỳ bí và tràn đầy năng lượng.
Dãy homestay tôi ở lại Yang Bay đêm đó nằm giữa một rừng cây. Bình yên và trong trẻo vô ngần, tiếng chim hót líu lo, những tán cây ngả vào cửa phòng đu đưa nhẹ.

Buổi tối, đoàn Caravan có dịp giao lưu với đồng bào Raglay – những người con của núi rừng đã gắn bó với nơi này qua bao thế hệ.
Chàng trai người Raglay cất giọng hát nồng nàn: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao có hai người/ Chỉ có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng, mưa/ Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…”.
Giữa khoảng trời đầy sao, nhà hàng nổi trên mặt hồ, lung linh ánh điện, tiếng đàn Chapi vang lên trong không gian, hòa quyện cùng giọng hát trầm ấm của người Raglay khiến tôi như quên mất thời gian.
Nhìn những đôi mắt lấp lánh ánh đèn khuya, tôi hiểu rằng văn hoá chính là linh hồn của một điểm đến. Nếu biết cách khai thác, những trải nghiệm bản địa như thế này sẽ trở thành một phần không thể thiếu của du lịch cộng đồng.
Trong hành trình này, không phải chỉ là những sự đồng điệu của những người làm du lịch, yêu du lịch mà còn là chuyến đi của những sẻ chia.

80 suất quà được trao cho cô trò Điểm trường Xóm Mới - Trường Tiểu học Khánh Phú 1, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có giá trị không lớn nhưng đã góp phần động viên tinh thần thầy cô và các em nhỏ nơi đây.
Đồng thời, lan tỏa thông điệp sẻ chia, yêu thương đến các em nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cảm nhận điều đó khi cô hiệu trưởng xúc động nói: “Chưa bao giờ có đoàn du lịch nào đông như thế này đến thăm và tặng quà cho cô trò chúng tôi”.
Tổng thư ký Hội Lữ hành G7 Văn Tiến Việt nhẹ nhàng nói: “Đây là hoạt động thiết thực trong hành trình du lịch kết hợp thiện nguyện của Hội Lữ hành G7, thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái của các thành viên đoàn Caravan, góp phần mang đến một mùa xuân ấm áp, tràn đầy hi vọng cho các em học sinh”.
Ở ngoài cổng trường, các em nhỏ hân hoan vác bao gạo về nhà. Dáng người nhỏ bé, nụ cười tươi và ánh mắt trong veo của các em khiến chúng tôi ấm lòng.
Có lẽ, “không phải những thành công lớn lao sẽ định nghĩa câu chuyện của chúng ta, mà là những cử chỉ nhỏ bé, thậm chí những điều có lẽ không ai để ý và trong thầm lặng, chúng lấp đầy tâm hồn ta”.

Chạm tay vào thiên nhiên chữa lành ở suối khoáng nóng Yang Bay
Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc vẫn giữa tiếng chim rộn rã giữa núi rừng tĩnh mịch. Tôi dành thời gian trải nghiệm tắm khoáng nóng - một trong những "đặc sản" của Yang Bay.
“Nước khoáng ở đây chứa nhiều khoáng chất tự nhiên, không chỉ giúp thư giãn mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Ngâm mình trong làn nước ấm giữa không gian hoang sơ, có thể cảm thấy từng tế bào trong cơ thể như được tái sinh”, Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay (Tổng công ty Khánh Việt) Lê Dũng Lâm nói với tôi.
Ở Công viên Du lịch Yang Bay có rất nhiều hồ nước nóng, mỗi hồ có một nhiệt độ khác nhau, du khách có thể chọn bất kỳ hồ nào vừa với cảm nhận của mình, có hồ nóng tới 45oC.
Còn gì tuyệt vời khi vừa ngâm mình trong nước ấm nóng, giúp chữa lành cơ thể sau chuyến đi dài, làn da hồng hào, lại vừa được ngắm nhìn dòng “Thác trời Yang Bay” trắng xóa.
Yang Bay có lợi thế lớn để phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ, kết hợp với các liệu pháp trị liệu thiên nhiên.
Một khu nghỉ dưỡng kết hợp giữa tắm khoáng, thiền và yoga giữa núi rừng chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng để làm được điều đó, địa phương cần có những chiến lược dài hơi hơn về hạ tầng và bảo vệ nguồn nước khoáng tự nhiên.

Hành trình qua Đà Lạt, đèo Khánh Lê và Yang Bay không chỉ mang đến những trải nghiệm đầy cảm xúc mà còn mở ra những suy nghĩ về phát triển du lịch bền vững. Cả ba địa danh đều có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn còn những hạn chế về hạ tầng, dịch vụ và cách khai thác giá trị văn hóa bản địa, giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững.
Tạm biệt Yang Bay, đoàn Caravan tiếp tục hành trình về miền biển. Tôi vẫn còn lưu luyến tiếng đàn Chapi, hơi ấm của suối khoáng và màu xanh bất tận của núi rừng.
Nhưng tôi biết rằng, mỗi hành trình không chỉ là một chuyến đi, mà còn là cơ hội để hiểu hơn về những vùng đất mới, những con người mới và những giá trị cần được gìn giữ cho tương lai.
(Còn nữa)