Hành trình của những cảm xúc trên cung đường đẹp nhất Việt Nam
Bài 1: Khi những bánh xe mùa xuân lăn bánh
VHO - Giữa mùa xuân, gần 70 thành viên Hội Lữ hành G7 trên 22 xe tự lái đã cùng nhau thực hiện Caravan Hành trình mùa xuân 2025. Chuyến đi không chỉ chinh phục những cung đường tuyệt đẹp qua Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận mà còn là hành trình khám phá những giá trị văn hóa, thiên nhiên và những khoảnh khắc kết nối đầy ý nghĩa, dạt dào cảm xúc.

Thành phố mang tên Bác sáng đó vẫn còn vương hơi sương mát mát thổi từ sông Sài Gòn khi đoàn xe chúng tôi lăn bánh về phía cao nguyên bắt đầu chương trình Caravan- Hành trình mùa xuân 2025. Bảo Lộc (Lâm Đồng) chờ đón chúng tôi với rừng thông bạt ngàn, những đồi chè xanh thẳm và hương hoa cà phê quyện trong gió.
Đi giữa những đồi hoa cà phê bạt ngàn
Hơn hai mươi chiếc xe ô tô tự lái với gần 70 thành viên đoàn caravan nối đuôi nhau trên cao tốc Long Thành, bộ đàm vang lên những câu chào buổi sáng đầy háo hức. Tiếng trưởng đoàn, Chủ tịch Hội Lữ hành G7 Trương Đức Hải khiến tinh thần các thành viên thêm hứng khởi: "Anh chị em chú ý, chúng ta lên đường nhé!", "Mọi người giữ khoảng cách an toàn", "Bảo Lộc đang mùa hoa cà phê, chắc chắn sẽ rất đẹp!"
Những âm thanh ấy, dù chỉ là những lời dặn dò đơn giản, nhưng lại mang đến sự phấn khởi lạ kỳ. Có lẽ bởi ai cũng biết, ở phía trước, một hành trình không chỉ là những cung đường đẹp mà còn là những ký ức sẽ theo ta mãi về sau.
Càng đến gần Bảo Lộc (Lâm Đồng), hai bên đường, những vườn cà phê hiện ra bạt ngàn trong sắc trắng tinh khôi. Mùa hoa cà phê đang độ đẹp nhất, từng chùm hoa nở rộ, tỏa hương thơm nhẹ nhàng trong không khí se lạnh của vùng cao nguyên.
Tôi kéo cửa kính xuống, hít một hơi thật sâu. Gió mang theo mùi hương của đất, của cây cỏ, của những ngày tháng không vướng bận âu lo. Đoàn xe chầm chậm tiến vào những con đường nhỏ hơn, nơi những ngọn đồi thoai thoải trải dài trong sắc hoa trắng, đẹp đến nao lòng.

Qua những khúc cua cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở Chùa Trà, một ngôi chùa nhỏ ẩn mình giữa những tán cây cao vút. Nơi đây không chỉ là chốn dừng chân mà còn là điểm chạm nhẹ nhàng cho tâm hồn.
Những bậc thềm rêu phong dẫn vào không gian tĩnh lặng, tiếng chuông chùa ngân nga như hòa vào hơi thở của đất trời. Hoa nở rực rỡ khắp nơi. Trước mắt tôi, đồi trà rộng lớn nối với một hồ nước tĩnh lặng, mở ra một không gian mênh mông, bình yên lạ kỳ.
Một cô gái trẻ bận bộ đồ màu nâu đang pha trà bên hiên chùa, động tác khoan thai như hòa vào từng giọt thời gian trôi chậm lại.
Tôi nâng chén trà nóng, cảm nhận vị đắng nhẹ tan dần trong miệng, để rồi ngọt dịu nơi cuống họng. Trà ở đây không chỉ là thức uống mà còn là văn hoá, là câu chuyện về đất, về người, về những triền đồi xanh thẳm mà chúng tôi vừa đi qua.

Đamb'ri Top View - Đêm ấm áp giữa ngàn sao
Chiều xuống, đoàn xe tiến vào Đamb'ri Top View Farmstay & Glamping, nơi chúng tôi sẽ dừng chân qua đêm. Những căn lều trắng nằm bên sườn đồi, phía trước là thung lũng sâu thẳm và ánh đèn xa xa của những ngôi biệt thự ngập tràn hoa cỏ.
Thời tiết ở đây thật kỳ lạ, trời đang nắng to, một cơn mưa đổ xuống, thung lũng lại chìm trong làn mưa mù mịt. Tôi ở trong một căn phòng làm từ container, đầy đủ tiện nghi, ánh đèn màu đỏ ấm áp, được trang trí bằng màu tím chủ đạo, tên là Lavender.
Khoảnh khắc đó mới thấy, sao thiên nhiên lại gần chúng ta đến vậy? Có mấy khi được ngắm mưa rơi giữa núi rừng tĩnh lặng thế này? Chừng 1 tiếng sau mưa tạnh, tôi lang thang theo triền đồi trước mặt. Cây cối mướt xanh đầy sức sống. Cầu vồng lấp lánh phía chân trời.
Tôi đứng trên đồi, ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống. Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa, trôi dần về phía những dãy núi xa xa. Ở khoảnh khắc ấy, dường như mọi bộn bề của cuộc sống đều tan biến.
Buổi tối, bàn tiệc được bày ra giữa khuôn viên Đamb'ri Top View, tiếng guitar vang lên trong cái se lạnh cao nguyên, mưa bụi bay bay, vô cùng lãng mạn. Anh Lê Văn Dũ (Giám đốc Công ty du lịch Hương Nam Việt) ôm guitar say sưa với những giai điệu đầy cảm xúc. Bên cạnh là tay trống Lê Dũng Lâm (Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay- Tổng công ty Khánh Việt) rất ăn ý, hoà hợp với bất kỳ giọng hát nào.
Giọng hát Nguyễn Phương Duy (Nhà hàng Điểm hẹn Sài Gòn, Di Linh, Lâm Đồng) dịu dàng, ấm áp: "Đêm nay trên phố mưa tơi bời/ Lòng nghe bao nhớ nhung đầy vơi/ Làm sao cho anh vui còn ai cho em vui/ Bằng môi trên đôi môi ôi tuyệt vời".
Những người làm du lịch, bằng tâm hồn nhạy cảm, sự tinh tế, đầy nhân văn, yêu văn hoá của mình đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, cho khách du lịch để mỗi khi tới nơi nào đó, có thể cảm nhận sâu sắc hơn về miền đất, về tình người nơi đó.
Trong không gian ngập tràn âm nhạc và lời ca đó, tôi nhớ tới Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã có quãng đời tuổi trẻ ở miền đất B'Lao (Bảo Lộc) này.
Rất nhiều ca khúc đã được sáng tác ở đây: Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm, Lời buồn thánh… Nhiều ca khúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Không gian đó cũng làm chúng tôi nhớ đến những đêm Trịnh Công Sơn ôm chiếc đàn thùng đệm cho Khánh Ly (ca sĩ Lệ Mai) hát ở các trường đại học, các điểm công cộng. Có những đêm ở Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã tự ôm đàn guitar và một mình hát hơn 20 ca khúc do mình sáng tác.
Đêm đó, chúng tôi say sưa hát những ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác ở Đà Lạt như: Có một dòng sông đã qua đời, Như cánh vạc bay, Hoa vàng mấy độ… kể về những câu chuyện tình có thật mà nhạc sĩ là người trong cuộc.
Mỗi lời hát cất lên, chất chứa nỗi nhớ nhung, yêu thương, day dứt của đời người, những suy tư về thời cuộc, về đất nước. Chúng tôi nhớ ông- người nhạc sĩ cả cuộc đời dâng hiến cho âm nhạc.
Đến giờ, những ca khúc của Trịnh Công Sơn, những địa danh nơi ông đã gắn bó ở Lâm Đồng như: Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh…, nơi ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng của ông vẫn được khán giả vô cùng yêu thích.
Gió thổi qua những rặng mua tím ngắt, cuốn theo từng giai điệu, hòa vào bóng tối dịu dàng của núi rừng. Mưa bụi đã thôi bay. Tôi lặng yên, ngước nhìn bầu trời đêm đầy sao, cảm nhận sự bình yên len lỏi vào từng hơi thở.

Bình minh trên thung lũng sương mờ
Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong căn phòng container xinh đẹp, kéo nhẹ rèm cửa và lặng người trước khung cảnh ngoài kia. Những lớp sương mỏng giăng nhẹ trên thung lũng, vương trên những tán thông, những đồi cà phê, những mái nhà xa xa.
Qua lớp mưa bụi lãng mạn, núi đồi Bảo Lộc hiện lên mờ ảo, như một bức tranh thủy mặc. Tôi pha một tách cà phê nóng, ngồi bên hiên nhà, để mặc thời gian trôi chậm.
Mùa xuân không chỉ ở ngoài kia, trong những rừng hoa đang nở, mà còn trong chính những ánh mắt rạng ngời của những người bạn đồng hành.
Lâu lắm tôi mới trở lại Bảo Lộc (tên cũ là B’lao), thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng, trên cao nguyên Di Linh, không chỉ được biết đến là một vùng đất cao nguyên thơ mộng mà còn là điểm đến du lịch giàu tiềm năng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử phát triển lâu đời và những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu của địa phương.
Từ một vùng đất hoang sơ, Bảo Lộc ngày nay đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên và mong muốn tận hưởng không khí trong lành của vùng cao nguyên.
Bảo Lộc xưa nổi tiếng là một vùng cao nguyên yên bình giữa đại ngàn. Đây cũng là vùng đất cư trú của người Mạ, một trong những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên vùng cao nguyên Lâm Đồng.

Với địa hình đồi núi trập trùng, khí hậu ôn hòa quanh năm, nơi đây từng là vùng đất của những rừng cây nguyên sinh bạt ngàn và thác nước kỳ vĩ.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Bảo Lộc bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi người Pháp nhận ra tiềm năng của vùng đất này để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây chè và cà phê.
Họ mang giống chè từ Ấn Độ, Sri Lanka đến trồng tại đây và dần biến Bảo Lộc thành thủ phủ của ngành trà Việt Nam. Những đồn điền chè, cà phê ra đời từ đầu thế kỷ 20 đã đặt nền móng cho ngành sản xuất và chế biến chè phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Nhờ có khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 18-25 độ C, Bảo Lộc nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú, hấp dẫn nhiều cư dân đến sinh sống và lập nghiệp. Những con đường đất đỏ, những ngôi nhà gỗ đơn sơ của người dân nơi đây đã tạo nên một bức tranh bình dị, yên bình giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Đến nay, Bảo Lộc đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình vốn có. Nếu như trước đây, Bảo Lộc chỉ được biết đến với những đồi chè xanh mướt thì hiện nay, nơi đây đã phát triển nhiều loại hình du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá.
Bảo Lộc sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Thác Damb’ri là một trong những ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên, cao khoảng 60m, đổ xuống từ vách núi tạo nên khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ. Xung quanh thác là rừng nguyên sinh xanh tốt, là nơi lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn được ví như “cổng trời Bảo Lộc”, ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi cao với cảnh quan mây mù bao phủ, tạo nên khung cảnh huyền ảo, thu hút du khách và Phật tử từ khắp nơi tìm đến để chiêm bái và tận hưởng sự bình yên.
Hồ Nam Phương là nước ngọt rộng lớn giữa lòng thành phố, nơi du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, thư giãn với các hoạt động như câu cá, đi dạo hoặc đơn giản là ngắm hoàng hôn trên mặt hồ yên ả.

Bảo Lộc nổi danh là vùng đất của trà và tơ lụa. Nhắc đến Bảo Lộc không thể không nhắc đến trà B’Lao, thương hiệu trà nổi tiếng với hương vị đặc trưng. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, chè Bảo Lộc có vị đậm đà, hương thơm tinh tế, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Ngoài trà, Bảo Lộc còn là vùng trồng cà phê nổi tiếng với những hạt cà phê Robusta và Arabica chất lượng cao, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cà phê trong nước và quốc tế.
Bảo Lộc còn được xem là “thủ phủ tơ lụa” của Việt Nam với những sản phẩm lụa chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Anh, Pháp và các nước khu vực Trung Đông...
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ tại Bảo Lộc trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là nét đẹp văn hoá để khách du lịch có thể khám phá, tìm hiểu về vùng đất này và mua các sản phẩm địa phương, làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình.

Bên cạnh du lịch khám phá, Bảo Lộc còn phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giúp du khách tận hưởng không gian yên tĩnh và thoải mái giữa thiên nhiên.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay đã được xây dựng với phong cách gần gũi thiên nhiên, mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách du lịch trẻ.
Ngoài ra, Bảo Lộc cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh tịnh với hệ thống chùa chiền linh thiêng như: Tu viện Bát Nhã, chùa Di Đà, chùa Linh Quy Pháp Ấn…
Với tiềm năng du lịch lớn, Bảo Lộc đang từng bước phát triển theo hướng bền vững, khai thác thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa và đặc sản địa phương để thu hút du khách.
Thành phố cũng chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường kết nối với Đà Lạt, TP.HCM để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Trong tương lai, Bảo Lộc không chỉ là điểm trung chuyển giữa TP.HCM và Đà Lạt mà còn có thể phát triển thành một điểm đến du lịch độc lập, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch trà, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Nắng lấp loá bên những vườn cà phê nở hoa trắng xoá trên đường chúng tôi đi qua. Trời Tây Nguyên xanh vời vợi. Trong cơn gió sớm dịu mát của cao nguyên Di Linh, tôi chợt nghĩ: “Hành trình chỉ vừa bắt đầu, nhưng những gì đọng lại đã là cả một miền ký ức...”.
(Còn nữa)