Du lịch Đà Nẵng:
Bài 1: Khát vọng “bùng nổ” 2025
VHO - Sáng ngày 27.12, ngành Du lịch Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết năm hoạt động 2024 và đặt kế hoạch phát triển năm 2025 với những mục tiêu tăng trưởng mới, hướng đến một lộ trình bền vững và phải tạo được dấu ấn “bùng nổ”, nắm chắc những cơ hội mới cũng như đủ sức đối mặt các thách thức.
Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đã hoạch định ra tám nhiệm vụ then chốt phải làm được trong năm vận hội 2025 và xây dựng kế hoạch trưởng thành mạnh mẽ hơn từ các chiến lược truyền thông, quảng bá, định vị thương hiệu, củng cố sản phẩm, nhắm đúng các nhu cầu và tiêu chí cần thiết.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2024 địa phương đạt gần 10,9 triệu lượt khách lưu trú, tăng 32,8% so với năm 2023; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 36,3%. Năm 2025, Đà Nẵng đặt chỉ tiêu đạt hơn 11,9 triệu lượt khách lưu trú; trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,8 triệu lượt. Để có được chỉ số tăng trưởng này, ngành Du lịch địa phương cần xác định rất rõ những khó khăn, bối cảnh thách thức của mình, mà kiên định vạch rõ 8 nhiệm vụ phải làm.
Nhiều khó khăn, thách thức
Nhìn lại năm 2024, ngành Du lịch Đà Nẵng rút ra một số vấn đề khó khăn đã và đang diễn ra, sẽ tiếp tục tạo rào cản trong thời gian tới.
Đó là biến động kinh tế chính trị khu vực và quốc tế, diễn biến thiên tai, dịch bệnh, tình hình biến đổi khí hậu… làm suy giảm nhu cầu du lịch chung; cạnh tranh điểm đến quốc tế ngày càng tăng, do điều kiện hạ tầng, dịch vụ du lịch khó khăn, chi phí tăng, du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chọn điểm đến gần, khiến các thị trường nóng như Thái Lan, Trung Quốc tăng chính sách hỗ trợ du khách trong khi năng lực khai thác thị trường và tính liên kết hợp tác của các doanh nghiệp du lịch trong nước còn hạn chế.
Đó là thực tại hạ tầng du lịch địa phương vẫn còn hạn chế, quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu các sản phẩm du lịch mới và đa dạng hơn, như hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, du lịch đường thủy… còn trì trệ; trách nhiệm đóng góp nguồn lực của phần lớn doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ còn có nhiều vấn đề…
Để giải quyết những vấn đề đó, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, du lịch Đà Nẵng cần vận động thay đổi rất nhiều, đặc biệt phải rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng tốt hơn mọi nguồn lực và cơ hội.
Về chủ trương, ngành đã có được sự chú ý ủng hộ, quan tâm quyết liệt từ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố, chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển, của các sở ban ngành, nhất là các lực lượng chức năng như công an, môi trường…
Về năng lực, toàn ngành đang tập trung tham mưu, xây dựng kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm các định hướng, kế hoạch, đề án hành động phát triển du lịch hiệu quả. Các doanh nghiệp du lịch địa phương đã có tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát các xu hướng thị trường để có giải pháp, sản phẩm phù hợp, cùng ngành tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc sắc, quy mô, nhằm mang lại một môi trường du lịch Đà Nẵng linh hoạt, mới mẻ…
Ngành vừa chú trọng truyền thông, xúc tiến thị trường cho các doanh nghiệp, vừa hợp tác các đơn vị, tập đoàn du lịch lớn để thu hút lượng khách đến Đà Nẵng.
Tám yêu cầu cụ thể
Tại Hội nghị tổng kết du lịch 2024 và đưa ra phương hướng phát triển năm 2025, Sở Du lịch Đà Nẵng đề cập đến 8 yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất, cần tập trung các nguồn lực để triển khai 3 khâu đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, gồm đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch và đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch.
Thứ hai, đảm bảo cải thiện môi trường du lịch, với các biện pháp cụ thể như đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ cứu nạn cho du khách; PCCC, an toàn vệ sinh thực phẩm; mỹ quan đô thị; chống đeo bám, chèo kéo khách... hướng đến triển khai một bộ tiêu chí Văn hóa du lịch cho Đà Nẵng.
Thứ ba, triển khai quy hoạch, định hướng phát triển trọng tâm ngành theo lộ trình bám sát kế hoạch, đề án phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các đề án phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch đường thủy nội địa, phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc…
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra về du lịch, đảm bảo tính cân bằng, công chính, minh bạch và cụ thể trong các biện pháp, giải pháp chấn chỉnh kỷ cương, pháp luật…
Thứ năm, chú ý chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, với các dự án sáng tạo, ứng dụng CNTT một cách toàn diện, hiệu quả hơn, như hệ thống giám sát du lịch giai đoạn 2, ứng dụng CNTT quản lý khách tại bán đảo Sơn Trà, đưa vào hoạt động bản đồ số ẩm thực du lịch, cập nhật các điểm quay, quét ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng”.
Thứ sáu, đề cao các cơ hội, liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể, cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương trong chuỗi liên kết duyên hải miền Trung, kết nối miền Trung – Tây Nguyên, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…, nhất là tính tương cận ở nhóm liên kết 5 địa phương Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam). Tiến hành mở rộng hợp tác quốc tế đến các thị trường tiềm năng, trọng điểm để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nguồn khách, liên kết xúc tiến quảng bá sản phẩm, điểm đến.
Thứ bảy, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hiệu quả, thông qua các các chính sách hiện hành và các kiến nghị, đề xuất hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế. Ngành sẽ rà soát các quy định còn bất cập, chồng chéo, chưa chặt chẽ để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh theo Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan, có tác động đến ngành du lịch.
Cuối cùng, ngành Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chính sách, chương trình thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, các hãng lữ hành trong nước và quốc tế vận dụng, khai thác đưa khách du lịch đến Đà Nẵng.
Theo bà Hồng Hạnh, nhiệm vụ thứ tám là vấn đề then chốt, có tính mục tiêu cao nhất mà du lịch Đà Nẵng phải nhận diện rõ ràng, để nắm vững được năng lực của mình mà kỳ vọng “bùng nổ” với năm 2025. Công tác truyền thông và xây dựng các chính sách quảng bá, tiếp cận đa dạng thông tin ở ngành du lịch Đà Nẵng, vì thế, thật sự đã đến lúc trở thành “điểm nóng”!.