Quảng Ngãi:

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững

NHƯ ĐỒNG

VHO – Một trong những đích đến của xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống người dân. Vì vậy, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chú trọng thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 1
Anh Đặng Thanh Tùng đang thu hoạch tiêu

Nhân dân chung sức dựng xây

Trở lại xã Hành Tín Đông những ngày tháng 6, chúng tôi được đi trên những con đường trải nhựa, bê tông cảnh quang sạch đẹp. Xa xa là màu xanh ngát, tràn đầy sức sống của những vườn trái cây, ruộng lúa. Thấp thoáng trên nền xanh ấy là những ngôi nhà, tiếng nói cười của người dân đang lao động sản xuất. Qua đó, thấy sự đổi thay rõ nét trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con Nhân dân.

Ghé thăm một số hộ gia đình trong xã, chúng tôi nhận thấy, những đổi mới về tư duy cũng như cách thức làm ăn kinh tế của người dân đã khác xưa rất nhiều. Gia đình anh Đặng Thanh Tùng (SN 1976) ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, đã biết áp dụng các loại cây giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đến nhà đúng lúc anh Tùng đang thu hoạch tiêu, anh vui vẻ chia sẻ: “Tiêu đợt này đạt lắm!. Lúc mới đem giống về trồng, tôi cứ tưởng đất này không thích hợp cho cây tiêu nhưng nhờ chăm sóc kĩ thuật đã vươn lên xanh tốt. Đây là vụ thứ 3 thu hoạch tiêu của gia đình tôi”.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 2
Sầu riêng giống dona anh Tùng trồng đã cho quả

Hiện trong vườn anh Tùng có 20 gốc tiêu đang cho thu hoạch, và một số cây sầu riêng giống dona anh trồng thử nghiệm đã cho quả lứa đầu tiên, có cây cho hơn 30 quả. “Vùng đất này rất thích hợp trồng tiêu và sầu riêng nên trong thời gian tới tôi dự định sẽ mở rộng diện tích trồng, ngoài ra, gia đình tôi hiện có 1ha keo. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nên đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều”, anh Tùng bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Dương (SN 1964) ở thôn Khánh Giang vừa đưa khách vào thăm chuồng hươu vừa cho biết, cuối năm 2018 gia đình ông được địa phương hỗ trợ 6 con hươu, trong đó gia đình bỏ ra 20 triệu. Sau quá trình nuôi, chăm sóc đến nay trong chuồng có 17 con hươu. Theo ông Dương, hươu là giống vật nuôi rất dễ tính. Chúng ăn củ, quả, lá, thân bắp…, tất cả cây lá quanh vườn hươu đều ăn.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 3
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình ông Nguyễn Văn Dương

Hươu sao thường được nuôi để lấy nhung là chủ yếu, khi nuôi được 48 tháng là hươu sẽ bắt đầu cho nhung với trọng lượng mỗi con từ 600 - 800 gram nhung. Trung bình trong một năm, hươu sẽ cho nhung hai lần với giá bán mỗi lạng dao động 1,4 triệu đồng. Lượng nhung thu được tỷ lệ thuận với số tuổi của vật nuôi, nên hươu nuôi càng lớn, lượng nhung thu được sẽ càng cao, lợi nhuận của người nuôi vì vậy được đảm bảo duy trì ổn định.

“Cùng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình tôi còn được chính quyền địa phương luôn đồng hành, giúp đỡ từ định hướng phát triển kinh tế, đến tạo điều kiện để tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt. Được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế”, ông Dương cho hay.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 4
Địa phương hỗ trợ cho người dân vốn vay ưu đãi, vật nuôi để phát triển kinh tế

Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia

Hành Tín Đông là xã miền núi của huyện Nghĩa Hành, diện tích tự nhiên hơn 3.463 ha, có 1.176 hộ,  3.728 nhân khẩu (trong đó, có 85 hộ đồng bào Hrê, với 349 nhân khẩu).

Thời gian qua, địa phương đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tốt mục tiêu xóa nghèo theo Nghị quyết của Đảng bộ và HĐND xã. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo cụ thể đến từng thôn, từng hộ, tập trung các nguồn lực hỗ trợ, vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hướng dẫn cách làm hay trong giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 5
Vùng đồng bào Hrê ở xã Hành Tín Đông đã có nhiều đổi thay

Thực hiện chính sách về vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, vay hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Các hội đoàn thể đã lập hồ sơ vay vốn cho 32 lượt người, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Nhờ có hỗ trợ vốn vay của ngân hàng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện cải thiện đời sống, làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Nếu như năm 2019 thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/ người/năm thì đến cuối năm 2023 tăng lên 56 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 45 hộ chiếm tỷ lệ 3,83%; hộ cận nghèo 22 hộ chiếm tỷ lệ 1,87%.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 6
Khu chăn nuôi tập trung của các hộ dân đồng bào Hrê ở thôn Trường Lệ phát huy hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường

Theo Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê, để thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững, UBND xã đã đề ra các giải pháp cụ thể trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người người dân về công tác giảm nghèo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Cấp ủy, chính quyền ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án, chính sách triển khai trên địa bàn và đánh giá kết quả thực hiện theo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Tăng cường vai trò chủ động của cộng đồng thôn trong việc lựa chọn, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất, nhu cầu cây, con giống với điều kiện canh tác, sản xuất phù hợp, điều kiện và khả năng tham gia của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để hộ dân có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước tham gia mô hình sản xuất, tích lũy và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Xã Hành Tín Đông xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững - ảnh 7
Cây ăn quả bén duyên trên vùng đất gò đồi, xã Hành Tín Đông

Đồng thời, huy động vốn, lồng ghép nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đặc biệt huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để có cơ hội tiếp cận, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo nhằm đảm bảo không để ai bỏ lại phía sau và thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã, lần thứ XXII  đã đề ra.

“Những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách đầu tư vào xã nên đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào đã được nâng lên, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, thuận tiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Đó là điều kiện quan trọng để xã nghèo bứt phá vươn lên, đưa kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển bền vững”, ông Bê chia sẻ.