Chủ động phòng, chống dịch sởi bùng phát trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9
VHO - Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Việc UBND TP.HCM công bố dịch sởi sẽ thuận lợi cho công tác phòng chống dịch.
Số liệu của Sở Y tế TP HCM cho thấy, hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang gia tăng hàng ngày. Tính đến nay, Thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của Thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Theo đó, số ca sởi ở Thành phố đang tăng nhanh ở nhóm dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Thành phố. Hiện nay, tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh chưa đạt 95%,
Báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 368 trường hợp mắc sởi; trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng.
Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vắcxin sởi. Tuy nhiên, với các tiếp cận hợp lý, kế hoạch rõ ràng và nỗ lực của toàn thể nhân viên, bệnh viện đã điều trị hiệu quả và không có bệnh nhi nào tử vong.
Trước tình hình này, ngày 27.8, UBND TP. HCM chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên toàn thành phố. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM đánh giá, TP.HCM công bố dịch sởi sẽ thuận lợi cho công tác phòng chống dịch, vì huy động được mọi nguồn lực tham gia phòng chống sởi. Dù công bố dịch, nhưng người du lịch hay đến công tác tại TP.HCM không nên quá hoang mang, lo lắng nếu đã chích ngừa đủ phác đồ sởi trước đó. “Người đã có miễn dịch thì không phải sợ gì bệnh sởi cả”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Để chủ động phòng, chống và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành và phổ biến đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn và kế hoạch tiêm chủng vắcxin sởi theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tiêm vắcxin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Vắcxin được đảm bảo đủ số lượng từ nguồn, địa phương chủ động mua sắm khi công bố dịch và nguồn ngân sách trung ương hàng năm, nguồn viện trợ (do Chính phủ Úc hỗ trợ). Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, các địa phương, Bộ, ngành để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắcxin sởi cần đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắcxin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người.
Điều đáng nói, dịch sởi bùng phát trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, nên người dân, đặc biệt là trẻ em cần hạn chế đi lại, chú ý các biện pháp phòng dịch.
TP.HCM đã công bố chiến dịch tiêm tiêm bổ sung vắcxin Sởi từ ngày 31.8 (thứ Bảy) và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2.9 năm 2024, tại tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Vắc xin được sử dụng trong chiến dịch này là vắc xin Sởi – Rubella (vắc xin MR), được mua từ nguồn ngân sách Thành phố.
Bên cạnh đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng thông báo làm việc xuyên lễ và cung ứng đầy đủ vắcxin sởi chất lượng cao cho trẻ em và người lớn tại TP.HCM và các địa phương.
Trẻ từ 9 tháng hoặc 12 tháng được tiêm vắcxin sởi đơn MVVac (Việt Nam); hoặc loại phối hợp ba trong một sởi – quai bị – rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi – quai bị – rubella MMR II (Mỹ).
Tùy theo lịch sử chủng ngừa của trẻ, bác sĩ chỉ định phác đồ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thông thường, trẻ sẽ tiêm mũi 1 khi tròn 9 tháng tuổi, tiêm mũi 2 khi được 12 tháng tuổi, cách mũi thứ nhất 3 tháng và tiêm mũi 3 lặp lại khi trẻ 4 – 6 tuổi.