Cẩn trọng trong cao điểm dịch bệnh

THẾ TUẤN

VHO - Giới chuyên gia Y tế cho biết, hiện có thể coi là cao điểm dịch bệnh khi cùng lúc xuất hiện thêm ca bạch hầu ở Thanh Hóa, các ca sởi ở TP.HCM và diễn biến rất phức tạp dịch sốt xuất huyết ở Hải Phòng, Hà Nội.

 Cẩn trọng trong cao điểm dịch bệnh - ảnh 1
Lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu tại Thanh Hóa. Ảnh: B.LÂM

 Khoanh vùng, không để bệnh bạch hầu lây lan

Thông tin từ Bộ Y tế, trong 3 ca xác định dương tính với bạch hầu tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có bệnh nhân nữ 17 tuổi mang thai 8 tháng. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 1.8 với triệu chứng đau rát họng, tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Ngày 4.8, bệnh nhân đến phòng khám tư nhân sản phụ khoa tại thị trấn Mường Lát và được tư vấn đến bệnh viện đa khoa của huyện khám với triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết, amidan 2 bên sưng nề đỏ… Chiều 4.8, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, kết quả xét nghiệm nuôi cấy và định danh vi khuẩn cho kết quả dương tính với bạch hầu. Ngày 5.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đồng thời bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị. Đáng chú ý, bệnh nhân không rõ tiền sử tiêm chủng, trước khi có triệu chứng bệnh không đi khỏi nơi cư trú, không tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự. Gia đình không có ai khác mắc bệnh.

Như vậy, tới ngày 13.8, qua điều tra ổ dịch tại huyện Mường Lát đã xác định 3 bệnh nhân dương tính với bạch hầu (17 tuổi, 74 tuổi và 10 tuổi). Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá đã huy động hơn 200 người thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly, không để lây lan sang các địa phương khác. 34 trường hợp F1 của 3 bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi tại nhà. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã công bố dịch bệnh bạch hầu thuộc huyện Mường Lát. Mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan bệnh nhanh và có thể tử vong. Cùng đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa tăng cường phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch. Trường hợp cần thiết, huy động nhân lực, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Hà Giang, Thanh Hóa, trong đó 1 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 13.7.2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 68 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

3 bệnh nhi tử vong do mắc bệnh sởi

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 11.8, Sở Y tế đã kiến nghị UBND thành phố công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca bệnh sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong (tính từ đầu năm đến nay). Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố, hiện đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính; hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh, thành khác đến khám và điều trị tại TP.HCM.

Tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại thành phố thì có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi; 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng. Vẫn theo Sở Y tế TP.HCM, hiện toàn thành phố đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định, 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh. Đáng chú ý, trong khi đó từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn TP.HCM chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính với sởi. Trong 3 bệnh nhi mắc bệnh sởi tử vong, trường hợp thứ nhất là bé gái 3 tuổi. Trường hợp thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi. Hai trường hợp này đều chưa được tiêm vắc xin. Trường hợp thứ ba là bé trai 7 tuổi, đã tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi. Cả 3 trẻ đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.

Dịch sốt xuất huyết đang trong giai đoạn nguy hiểm

Ngày 9.8, cơ quan chức năng xác nhận một nữ giáo viên ở Hải Phòng sau khi đi chăm sóc mẹ bị sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đã bị mắc SXH nên nhập viện điều trị. Đến ngày 8.8, gia đình xin về điều trị thì bà tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Lê Chân (Hải Phòng), bệnh nhân là bà H., 45 tuổi, ở phường Vĩnh Niệm, giáo viên một trường Tiểu học ở quận Lê Chân. Qua điều tra dịch tễ của cơ quan y tế, ngày 18.6, bà H. (chưa có dấu hiệu của bệnh) đi chăm sóc mẹ điều trị SXH tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Đến ngày 20.6, bà H. được chẩn đoán mắc SXH và chỉ định nhập viện tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 22.6. Quá trình điều trị, người bệnh có diễn biến nặng, được điều trị tích cực (thở máy, lọc máu, truyền dịch) nhưng tình trạng không cải thiện, viêm phổi nặng hơn, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng. Dù đã được điều trị tích cực nhưng bà H. đã không qua khỏi. Theo Sở Y tế Hải Phòng, đến thời điểm này toàn thành phố có 196 ca mắc SXH mới. Dịch SXH ở Hải Phòng có xu hướng gia tăng từ tháng 6 đến nay. Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục cho biết, trong tháng 7 vừa qua, trên địa bàn ghi nhận 4.307 ca mắc SXH. Tính trong 7 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng ghi nhận 7.118 ca mắc SXH, gấp hơn 64 lần số ca mắc cùng kỳ năm trước.

Tại Hà Nội, dịch SXH cũng diễn biến phức tạp. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho thấy, SXH liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần có gần 200 người mắc, các huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ... Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc SXH, trong đó 5 người tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, dịch bệnh SXH đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm. Trong khi đó, theo PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca SXH nặng với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm như suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc… nguy cơ tử vong cao.

Cũng theo PGS Cường, nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng khi SXH là trẻ em dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi; Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu; Người thừa cân, béo phì; Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sinh bất cứ lúc nào.

Bạch hầu, sởi và SXH vẫn diễn biến phức tạp. Vì thế mọi người dân cần nêu cao cảnh giác, bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe cộng đồng. Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế, không giấu bệnh, không tự ý điều trị, nhất là với các phương cách, bài thuốc truyền miệng vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng nề hơn. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh SXH mà trọng tâm là điều trị các triệu chứng. Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol có thể giúp kiểm soát các triệu chứng tuy không khỏi bệnh. Tránh dùng thuốc chống viêm như aspirin và ibuprofen vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, một biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Dự kiến tháng 9.2024 Việt Nam sẽ có vắc xin SXH. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho vắc xin SXH do Công ty Takeda (Nhật Bản) sản xuất có tên là Qdenga. Đây là vắc xin SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.