Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chính thức mở ngành Di sản học

THUỲ TRANG

VHO - Ngày 27.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-ĐHVHHCM về việc chính thức mở ngành đào tạo đại học ngành Di sản học, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2025.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chính thức mở ngành Di sản học - ảnh 1
Sinh viên Khoa Di sản văn hóa - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đi thực tế tại Tháp Bà Nha Trang

Theo quyết định, ngành Di sản học (mã ngành: 7229047) sẽ có hai chuyên ngành: Di sản và phát triển du lịch, Di sản và Bảo tàng. Thời gian đào tạo là 4 năm, với tổng số 131 tín chỉ.

Đây là ngành học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo trình độ đại học về di sản học, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, du lịch, bảo tàng…

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết mục tiêu ngành Di sản học là đào tạo những sinh viên có kiến thức tổng quát về lịch sử, văn hóa, khoa học xã hội và tự nhiên, cùng với kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ liên quan đến bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và du lịch.

Sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong ngành Di sản học, đặc biệt là trong các hoạt động bảo vệ và phát triển di sản văn hóa theo hướng bền vững.

Sinh viên cũng sẽ được rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học, tư duy phản biện và làm việc nhóm hiệu quả…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Di sản học có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau, bao gồm làm việc tại các bảo tàng, nhà truyền thống, khu di tích lịch sử - văn hóa, các điểm di sản và khu du lịch, hoặc các tổ chức nghiên cứu về văn hóa, di sản,…

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy về lĩnh vực Di sản học tại các cơ sở đào tạo trình độ Cao đẳng và Trung cấp…

Việc mở ngành Di sản học của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM được các chuyên gia trong ngành đánh giá là rất phù hợp với xu thế hiện nay, khi nhu cầu bảo tồn và phát triển di sản văn hóa ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chia sẻ rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, các thiết chế văn hóa cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới.

Việc đào tạo một đội ngũ chuyên gia có kiến thức đa dạng và kỹ năng linh hoạt trong các lĩnh vực liên quan đến di sản sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

“Do đó, việc mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành di sản học là hướng đi phù hợp, thiết thực và đáp ứng nhu cầu xã hội”, TS Tuấn nói và mong muốn chương trình đào tạo cần mở rộng, bao quát các khía cạnh khác của di sản và du lịch, phục vụ cho các yêu cầu xã hội hiện đại.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo liên ngành trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Theo Giám đốc Bảo tàng Áo Dài, việc mở ngành đào tạo Di sản học trình độ đại học thực sự là hướng đi mới, cần thiết và hiệu quả. Việc ra đời ngành học này sẽ cung cấp nguồn nhân lực cho các tổ chức, cơ quan văn hóa như Bảo tàng Áo Dài trong tình hình hiện nay. 

Các chuyên gia cũng đề xuất Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nên tham khảo các chương trình đào tạo ngành Di sản học của các trường đại học quốc tế để xây dựng chương trình học phù hợp và chất lượng.

Ngoài ra, việc mời các chuyên gia UNESCO và các chuyên gia trong ngành di sản văn hóa tham gia xây dựng chương trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Di sản học trong tương lai.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam mở ngành đào tạo Di sản học ở trình độ đại học.

Tính đến nay, trường có các ngành đào tạo: Thông tin - Thư viện; Bảo tàng học, Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản lý văn hóa; Văn hóa học, Văn hóa Dân tộc thiểu số Việt Nam và Di sản học.

Trong năm tuyển sinh đầu tiên, trường dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu cho chuyên ngành Di sản và phát triển du lịch; 30 chỉ tiêu cho chuyên ngành Di sản và Bảo tàng.

Phương thức tuyển sinh sẽ được thực hiện qua hình thức xét tuyển học bạ (6 học kỳ THPT) và điểm thi tốt nghiệp THPT (các tổ hợp môn văn hóa).