Trường ĐH Văn hóa TP.HCM:
Ký kết hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng thực tiễn cho sinh viên
VHO - Ngày 27.12, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức Lễ tổng kết công tác tuyển sinh năm 2024 và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Nhà trường với 26 đơn vị là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm đã cam kết với Bộ VHTTDL năm 2024, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thông tin truyền thông và du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Năm 2024, Trường tổ chức tuyển sinh các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và chiêu sinh các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp được Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT cho phép tổ chức đào tạo.
Từ nguồn lực hiện hữu, Trường chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy và vừa làm vừa học; tăng cường chiêu sinh các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đến thời điểm hiện nay, Trường đang đào tạo trên 3.700 người học; trong đó có 20 nghiên cứu sinh, trên 100 học viên cao học và gần 3.600 sinh viên đại học (tăng 338 người học so với cùng kỳ năm trước).
PGS.TS Lâm Nhân – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Về công tác tuyển sinh, năm 2024, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã nhận được 27.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 1.000 sinh viên.
Trường đã tuyển được 1.056 sinh viên chính thức nhập học. Điểm chuẩn đầu vào năm nay cao hơn mọi năm đối với tất cả các ngành, với mức điểm cao nhất là 27,85 điểm và thấp nhất là 22 điểm.
Đặc biệt, một số ngành khó tuyển trong các năm trước như Bảo tàng học và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
Ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tuyển được 56 sinh viên, trong khi ngành Bảo tàng học tuyển hơn 30 sinh viên, đạt tỷ lệ trên 100%. Kết quả này phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của xã hội về vai trò của văn hóa và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Về nghiên cứu khoa học, Nhà trường tự hào khi là trường đại học đầu tiên đăng ký hồ sơ "Lễ hội Vía Bà Chúa Sứ núi Sam" ở Châu Đốc, An Giang trình UNESCO và đã được ghi danh. Điều này không chỉ khẳng định sự đầu tư đúng đắn vào nghiên cứu mà còn chứng minh năng lực nghiên cứu ngày càng được nâng cao của Nhà trường.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, năm qua, Nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 40 đơn vị trong và ngoài nước, bao gồm các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Đây là con số kỷ lục, phản ánh cam kết của Nhà trường trong việc kết nối, chia sẻ nguồn lực và hợp tác bền vững.
Tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã thực hiện ký kết hợp tác với 26 đơn vị, tiêu biểu như: Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM; Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Bến Tre; Khu du lịch Văn hoá Phương Nam Đồng Tháp; Trung tâm Văn hóa, Thông tin-Thể thao thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương;
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP.HCM; Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận; Trung tâm Văn hóa TP Thủ Đức; Làng Văn hóa du lịch ASEAN+; các đơn vị du lịch, truyền thông,…
Mỗi đơn vị hợp tác sẽ tham gia vào các lĩnh vực tùy theo đặc thù, bao gồm: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao và nghiên cứu; Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Tổ chức sự kiện và giao lưu…
Mục tiêu của việc hợp tác là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua các chương trình hợp tác thực tiễn và đổi mới sáng tạo.
Các bên cũng sẽ phát triển các dự án chung với giá trị ứng dụng thực tế, đồng thời hỗ trợ sinh viên tham gia vào các hoạt động thực hành, khởi nghiệp và thương mại hóa ý tưởng sáng tạo.
Hợp tác này còn giúp tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực bền vững.
Thời hạn hợp tác là 5 năm, từ ngày 27.12.2024 đến hết ngày 26.12.2029.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy việc chia sẻ nguồn lực giữa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các bên phát huy thế mạnh, đảm bảo và nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.
Phát biểu tại lễ ký kết, Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các đơn vị, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã hỗ trợ và đồng hành cùng Nhà trường. “Chúng tôi xác định rằng, để phát triển bền vững, chúng ta không thể hoạt động độc lập mà cần phải liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau.
Việc ký kết hợp tác với các đơn vị như bảo tàng, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, du lịch, truyền thông… là bước quan trọng để đào tạo sinh viên gắn liền với thực tiễn. Mục tiêu là khi các đơn vị nhận sinh viên về làm việc, không cần phải tái đào tạo, vì sinh viên đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Chủ trương của Nhà trường là mong muốn các đối tác cùng chung tay trong việc đào tạo sinh viên, giúp họ cập nhật xu hướng xã hội và đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành.
Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, mối quan hệ hợp tác sẽ ngày càng được mở rộng, gắn kết chặt chẽ hơn, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động sáng tạo của sinh viên và giảng viên”, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh.
Dịp này, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tặng giấy khen cho Tiến sĩ - Đạo diễn Huỳnh Công Duẩn (nghệ danh Hoàng Duẩn), vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2024.
Cùng với đó, Nhà trường khen thưởng đột xuất cho các cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đệ trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.