Trồng cây đưng cải thiện hệ sinh thái đồng muối Sa Huỳnh
VHO - Hơn 1.000 cây đưng được trồng ở xung quanh đồng muối Sa Huỳnh góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái xung quanh đồng muối và nâng cao thương hiệu muối Sa Huỳnh, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Xung quanh đồng muối Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) hiện có hơn 1 000 cây đưng đang sinh trưởng và thích nghi tốt với môi trường.
Đây là một trong những phần việc quan trọng của Dự án Bảo tồn nghề muối gắn với du lịch cộng đồng đang được triển khai ở Sa Huỳnh. Qua sự hỗ trợ, hướng dẫn của TS Lâm Ngọc Tuấn, chuyên gia Sinh thái học (Trường Đại học Đà Lạt), diêm dân Lê Thành Công cùng các thành viên Tổ trồng cây đã tự tay ươm giống cây đưng ở địa phương.
Quá trình ươm đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, bởi cây đưng dễ sống nhưng cần môi trường phù hợp và sự chăm sóc đều đặn trong giai đoạn đầu.
“Từ khi bắt đầu lấy đất, vô trong bầu, đi gom trái về rồi dựng lên, khoanh thành vườn ươm đàng hoàng. Qua thời gian 2 tháng là đảo bầu, 7-8 tháng chúng tôi bắt đầu đem ra trồng, phải canh con nước xuống mới trồng được. Mỗi con nước lên xuống đều ảnh hưởng đến quá trình trồng cây đưng”, ông Công cho hay.
Đối với ông Công, mỗi cây đưng là một phần của di sản, là trách nhiệm để bảo tồn nghề muối truyền thống lâu đời của quê hương.
Ông Công chia sẻ: “Vùng này trước đây cây đưng rất nhiều nhưng quá trình cũng bị này bị kia nên còn rất ít. Tự nhiên nó cũng mọc một số vài cây thì mình phải có trách nhiệm bảo tồn, trồng lại bảo vệ môi trường”.
Là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm muối truyền thống, ông Nguyễn Thìn, ở tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh cho biết, những năm qua, môi trường ở đồng muối rất ô nhiễm.
Do đó, khi địa phương triển khai dự án Bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ông tích cực tham gia. “Tôi đã chung tay ươm cây ngập mặn để trồng phủ xanh hệ sinh thái cây ngập mặn, nhằm ngăn ngừa ô nhiễm từ vi nhựa và kim loại nặng, lọc nước mặn sạch đi vào ruộng muối. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng muối Sa Huỳnh, giúp tôi và diêm dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, con cá, con tôm, con mực nó vô có nơi tạm trú, tạo sinh kế cho nhân dân”, ông Thìn nói.
Đồng muối gắn liền với hệ sinh thái đầm nước mặn và rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn đồng muối Sa Huỳnh là rất quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái xung quanh đồng muối và nâng cao thương hiệu muối Sa Huỳnh, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ Thái Thuận Lăng cho biết, đầm ngập mặn Phổ Thạnh rộng hơn 200 ha, từng là nơi có nhiều cây đưng mọc tự nhiên, tạo thành lớp lá chắn bảo vệ bờ biển, duy trì nguồn nước sạch cho đồng muối và nuôi sống nhiều loài thủy sản.
Tuy nhiên, theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, cây đưng đã dần biến mất. Những diêm dân ở Sa Huỳnh hiện đang nỗ lực để một ngày không xa rừng đưng sẽ trở lại.
Đồng muối truyền thống Sa Huỳnh rộng khoảng 115 ha, là nguồn sống quan trọng của hơn 500 hộ diêm dân trong vùng. Nghề muối nơi đây đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là động lực để bà con diêm dân phát triển nghề theo hướng bền vững.
“Những diêm dân đang nỗ lực khôi phục và bảo vệ các vùng đầm ngập mặn để giúp nghề muối thêm phần vững mạnh, cũng là góp phần giữ gìn cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của vùng đất Sa Huỳnh. Những cây đưng rồi sẽ một lần nữa phát triển, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loài thủy sản, mang lại sự ổn định cho cộng đồng diêm dân Sa Huỳnh”, ông Lăng cho biết.