Thanh Hoá:
Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia
VHO - Sau 3 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương theo hướng bền vững.
Để triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh Thanh Hoá đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Qua đó, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa, tổng huy động nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2024 ước khoảng 45.752,207 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 6.757 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 11.328 tỉ đồng và các nguồn vốn khác.
Từ năm 2021 đến hết năm 2024, Thanh Hoá đã triển khai giải ngân thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là trên 5.056 tỉ đồng; nguồn vốn lòng ghép là trên 4.312 tỉ đồng, nguồn vốn tín dụng là trên 17.907 tỉ đồng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG, toàn tỉnh Thanh Hoá có thêm 6 đơn vị cấp huyện, 59 xã và 244 thôn bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện, 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xã và 538 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 540 sản phẩm OCOP được công nhận.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 2,02%, bình quân giai đoạn 2022-2024 giảm 1,58% và vượt kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 11,05%; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước.
Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối với các vùng.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xóa bỏ dần hủ tục; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững các huyện nghèo và khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn duy trì tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới.
Một số hộ gia đình sau khi thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo do thiếu sinh kế ổn định, phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ các Chương trình MTQG hoặc đối mặt với rủi ro thiên tai và biến động kinh tế.
Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, hiện các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều nằm tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều kiện địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi và tỷ lệ hộ nghèo cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới hàng năm cũng như cả giai đoạn 2021-2025.
Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, tại hội nghị đánh giá tình hình hoạt động và triển khai việc thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Nguyễn Doãn Anh đề nghị Ban Chỉ đạo cần hoàn thiện lại kế hoạch, thành phần, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Việc xây dựng các kế hoạch, các văn bản cần phải cụ thể, chi tiết về số liệu, thời gian thực hiện.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân đồng hành thực hiện có hiệu quả các phong trào, Chương trình MTQG.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong triển khai các Chương trình; huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ thực hiện các chương trình, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.