Từ chối nhận tiền hỗ trợ xây nhà để nhường cho người nghèo hơn

NGUYỄN LINH

VHO - Ngày 30.3.2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22 vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 và 2025. Đây là việc làm hết sức nhân văn, vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vừa khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Tương thân tương ái” trong cộng đồng.

 Từ chối nhận tiền hỗ trợ xây nhà để nhường cho người nghèo hơn - ảnh 1
Bà Đỗ Thị Hanh (bên phải, vợ ông Nguyễn Sĩ Sửu) từ chối nhận nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chỉ thị số 22 để nhường lại cho người khó khăn hơn

 Có thể nói, ánh sáng nhân văn từ Chỉ thị số 22 đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp cộng đồng và đến với nhiều đối tượng yếu thế. Việc làm càng đẹp hơn bởi những câu chuyện đầy tình người - như câu chuyện của ba hộ dân ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn từ chối không nhận tiền hỗ trợ xây nhà ở để nhường cho hộ nghèo hơn có thêm kinh phí, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Nhường cơm xẻ áo

Nuôi gà, trồng rau - những công việc này cũng đảm bảo nguồn thực phẩm và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình ông Trần Trí Văn, ở tổ dân phố Ninh Thành. Bởi vậy, khi cán bộ địa phương đến rà soát danh sách hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Văn đã nhất quyết từ chối.

Ông nói: “Ngôi nhà cấp 4 gia đình tôi đang ở vẫn đang sử dụng tốt, bản thân vẫn có thể làm việc, lao động sản xuất, nếu nhận khoản tiền hỗ trợ 80 triệu tôi thấy áy náy lắm. Do đó, chúng tôi quyết định trả lại khoản tiền này để ủng hộ hoàn cảnh khác khó khăn hơn, cũng là san sẻ một phần với Nhà nước”.

Gia đình ông Nguyễn Sĩ Sửu (65 tuổi, ở tổ dân phố Bình Tân, phường Quảng Tiến) thuộc hộ cận nghèo. Kinh tế trong nhà chủ yếu phụ thuộc vào nghề đi biển thuê của người con trai cả và chăn nuôi lợn, gà.

Theo danh sách của chính quyền địa phương, gia đình ông được hỗ trợ 80 triệu đồng từ Chỉ thị số 22, nhưng ông Sửu đã từ chối khoản hỗ trợ. “Chúng tôi muốn nhường phần mình cho người khó khăn hơn”, bà Đỗ Thị Hanh (vợ ông Sửu) nói và cho hay căn nhà cấp 4 cũ kỹ đã xập xệ từ lâu, nhưng do đã chủ động khắc phục khó khăn từ nguồn tiết kiệm và sự hỗ trợ của con cái nên gia đình ông bà làm đơn tự nguyện rút khỏi danh sách.

Còn bà Trần Thị Xuân (tổ dân phố Vạn Lợi) lại suy nghĩ đơn giản: Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân chung sức thực hiện, nên bản thân bà và gia đình cũng phải có một phần trách nhiệm. Nguồn hỗ trợ 80 triệu tuy không lớn, nhưng là kinh phí quan trọng để đảm bảo cho những hộ nghèo có được ngôi nhà ấm cúng. Bởi vậy, bà Xuân đã từ chối nhận hỗ trợ để chung sức cùng chính quyền địa phương chăm lo cuộc sống cho bà con khó khăn trên địa bàn.

Chủ tịch UBMTTQ phường Quảng Tiến, ông Vũ Xuân Định cho hay, chính quyền rất bất ngờ khi ba hộ dân không nhận kinh phí hỗ trợ xây nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy. “Đây là việc làm rất đáng trân trọng. Hành động ý nghĩa này sẽ được tuyên dương, thông báo rộng rãi nhằm khích lệ, động viên bà con chung tay chia sẻ với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở”, ông Định nói.

 Từ chối nhận tiền hỗ trợ xây nhà để nhường cho người nghèo hơn - ảnh 2
Dù cả gia đình vẫn đang sinh sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, nhưng ông Trần Trí Văn đã quyết định nhường hỗ trợ cho người khác

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 15.438 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở (xây mới 10.750 hộ, sửa chữa 4.688 hộ). Trong đó, các huyện miền núi là 13.438 hộ; các huyện đồng bằng, đô thị là 1.673 hộ.

Những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng, ủng hộ.

Từ năm 2015 đến nay, Thanh Hóa đã bố trí, vận động được hơn 360 tỉ đồng để hỗ trợ, xây dựng mới trên 8.000 căn nhà. Cải tạo, sửa chữa gần 800 căn nhà cho người nghèo, người có công... Qua đó, từng bước giúp bà con an cư, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh còn nhiều, trong khi điều kiện nguồn lực của Nhà nước và của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí hỗ trợ…

Theo đó, nhằm huy động cao nhất các nguồn lực từ xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát động Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30.9, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến nay, tỉnh đã vận động được trên 226 tỉ đồng để sửa chữa, xây dựng nhà ở cho 4.226 hộ gia đình, trong đó có 2.967 căn nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các gia đình từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình an sinh rất nhân văn này không chỉ thể hiện ý thức và trách nhiệm công dân đối với đất nước, khẳng định ý chí phấn đấu vươn lên của người dân mà còn thể hiện tấm lòng “nhường cơm xẻ áo”, sự quan tâm đến những người yếu thế. Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc làm của ba hộ dân phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa chính là biểu hiện sinh động về kết quả mà cuộc vận động mang lại.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc