Trăn trở đào tạo nghề cho người lao động nông thôn

QUỲNH HOA

VHO - Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận khoảng 690 ngàn hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 27,4 ngàn hồ sơ đăng ký học nghề, chiếm 3,9%; khá thấp so với mong đợi.

Đây là thông tin được bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐ,TB&XH Hà Nội thông tin tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số – Thực trạng và các cơ hội” diễn ra ngày 30.7 tại Hà Nội.

Trăn trở đào tạo nghề cho người lao động nông thôn - ảnh 1
Các đại biểu tại buổi Toạ đàm

Toạ đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 , do Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện.

Theo số liệu của Bộ LĐ,TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52.5 triệu người, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 68,5%.

Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ chiếm 28%, còn lại là chưa được qua đào tạo.

Tại toạ đàm, bà Vũ Thanh Liễu cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng người lao động (NLĐ) thất nghiệp khá nhiều. 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 38.155 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số người lao động này, có tới 56,7% lao động là nữ và hơn 60% lao động ở độ tuổi từ 25 – 40 tuổi.

“Như chúng ta biết, những người lao động ở độ tuổi ngoài 35 rất khó để xin việc làm ở khu vực chính thức. Do vậy, để dễ dàng hơn, NLĐ sẽ phải tìm cách xin việc ở khu vực ngoài chính thức. Do đó, chúng tôi đã ưu tiên tư vấn cho NLĐ đăng ký tham gia những nghề ngắn hạn”, bà Vũ Thanh Liễu cho hay.

Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho NLĐ cũng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, TT Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận khoảng 690 ngàn hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 27,4 ngàn hồ sơ đăng ký học nghề, chiếm 3,9%; khá thấp so với mong đợi.

Lý giải về con số này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lý giải, đa số NLĐ thất nghiệp là lao động chính trong gia đình, nên khi không có thu nhập thì họ sẽ tìm cách xin việc làm mới ngay hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hơn là xin đào tạo nghề miễn phí. Nhiều người học được 1 tháng lại bỏ khi xin được việc mới. Bên cạnh đó, có một số nghề ít học viên quá, học viên không ổn định, không đủ kinh phí để tổ chức lớp nên cơ sở đào tạo nghề cũng không muốn dạy.

Trăn trở đào tạo nghề cho người lao động nông thôn - ảnh 2
NLĐ ở làng nghề có tay nghề cao, thu nhập ổn định nhưng vẫn nằm trong nhóm lao động phi chính thức, đa phần chưa qua đào tạo

Về lao động phi chính thức ở làng nghề, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, thống kê số lượng lao động các làng nghề là tương đối khó, một số thông tin cho biết, cả nước có 5.400 làng nghề, giải quyết được 11 triệu lao động.

Mặc dù NLĐ ở làng nghề có nghề, công việc rất ổn định, làm việc quanh năm, nhiều giờ trong ngày nhưng họ vẫn là phi chính thức bởi không có quản lý chính thức nào, không có hợp đồng lao động...

Hiệp hội làng nghề Việt được giao thực hiện một số dự án đào tạo nghề, nhưng việc các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng cha truyền con nối, truyền tay chỉ việc nên việc tuyển sinh người học cũng rất khó khăn.

“Tôi đề nghị cần có chính sách đào tạo nghề ở khu vực làng nghề cho phù hợp, có chế độ đối với các nghệ nhân, lao động lành nghề. Mời những người giỏi nghề để dạy lại những thế hệ sau. Đồng thời mong muốn tôn vinh các nghệ nhân để họ có tiếng nói, nhận dự án về đào tạo nghề của Nhà nước.

Mặc dù có những nghệ nhân hằng ngày vẫn truyền dạy trên thực tế, nhưng để tham gia chương trình đào tạo chính thức, một số quy định yêu cầu nghệ nhân phải xây dựng bài giảng, giáo trình, bao nhiêu trang, bao nhiêu tiết… thì nhiều người cao tuổi khó thực hiện được. Với một số dự án thì thủ tục giấy tờ rất cồng kềnh, do đó Nhà nước phải thiết kế sao cho chính sách tiếp cận được với các nghệ nhân, NLĐ ở làng nghề”, TS.Tôn Gia Hoá nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, công tác đào tạo nghề cho NLĐ nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động phi chính thức nói riêng không phải giờ mới được quan tâm mà được ban hành và triển khai thực hiện từ 2005.

Mới đây nhất, ngày 10.7.2024, Ban bí thư đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Nghị quyết 19. Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo bình quân 1 triệu người lao động mỗi năm; trong đó số lượng người được hỗ trợ đào tạo là 4,6 triệu người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

Về công tác truyền nghề, kèm nghề của các làng nghề, nghệ nhân đang gặp khó khăn do quy định tổ chức đào tạo yêu cầu hồ sơ chặt chẽ. Tới đây, Bộ LĐ,TB&XH sẽ có hướng dẫn, trình Thủ tưởng Chính phủ ban hành sửa thông tư quy định đào tạo, trong đó có phần đào tạo kèm cặp nghề, truyền nghề để phù hợp công tác đào tạo nghề của các nghệ nhân.

Thực tế cho thấy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững cần giảm thiểu được việc làm phi chính thức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỉ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức. Điều này đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Việc làm cho phù hợp với thực tế.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó cho rằng, dù chiếm tỉ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về lao động phi chính thức. Cơ quan soạn thảo dự luật đã đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.

Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng "sổ lao động điện tử" gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… Để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online...