Tăng cường tiếp cận BHXH tự nguyện đến người lao động ở làng nghề

Q.HOA

VHO - Thu nhập bình quân của người lao động tại các làng nghề cao hơn gấp 2-3 lần lao động thuần nông. Song tỉ lệ lao động tại làng nghề tham gia đóng BHXH tự nguyện rất thấp. Điều này dẫn đến nguy cơ lọt lưới an sinh khi người dân hết tuổi lao động, tạo gánh nặng cho con cái, cộng đồng.

Đây là vấn đề đặt ra tại toạ đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 tổ chức ngày 22.5 tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội).

Tăng cường tiếp cận BHXH tự nguyện đến người lao động ở làng nghề - ảnh 1
Các đại biểu tại toạ đàm

Tham gia buổi toạ đàm có các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức như Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, BHXH huyện Ứng Hoà…, và người lao động đang làm việc tại làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là thu nhập lao động làng nghề chưa ổn định.

Ngoài ra, các thủ tục, cơ chế chính sách của BHXH chưa thật sự thông thoáng, thuận tiện, chưa hấp dẫn người dân. Hiện, những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Qua 7 năm thực hiện, Luật BHXH năm 2014 chưa có sự phân định cụ thể về lao động làng nghề tham gia BHXH, nhưng qua khảo sát tại các làng nghề có thể thấy tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện là rất thấp. 

Cũng theo ông Tạ Việt Anh, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào ngày 27.5 cũng đang bám sát 5 chính sách, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Tăng cường tiếp cận BHXH tự nguyện đến người lao động ở làng nghề - ảnh 2
Đông đảo lao động ở làng nghề tham dự Toạ đàm

Dự thảo luật còn bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Hy vọng trong lần bàn thảo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ  đưa ra được những chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.

Chia sẻ về tình trạng tham gia BHXH tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà), ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, xã có làng nghề truyền thống nổi tiếng với việc làm tăm hương, tăm VIP và sản xuất các loại hương dùng cho mục đích tâm linh. Toàn xã 7.379 có  trong độ tuổi lao động, thu nhập bình quân khoảng 72 triệu đồng/năm/lao động; trong đó, hơn 75% thu nhập được tạo ra từ nghề sản xuất tăm hương và thu gom phế liệu. Tuy nhiên cả xã chỉ có 86 người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Ngô Xuân Giang, Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa, là một huyện thuần nông, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, có mức sống trung bình. Bên cạnh đó, huyện nằm ở vị trí gần với huyện Kim Bảng (Hà Nam) có nhiều khu công nghiệp, nên thu hút lao động từ huyện sang làm việc tại khu công nghiệp. Chỉ còn lại những người trung niên và người già không có khả năng lao động để tạo thu nhập ở nhà, dẫn đến việc tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện thấp.

Trước thực tế này, ngay từ tháng đầu năm, BHXH huyện Ứng Hoà đã triển khai thực hiện kế hoạch của BHXH Thành phố giao về phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng, trong đó có giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện và bao phủ BHYT trên địa bàn.

Tăng cường tiếp cận BHXH tự nguyện đến người lao động ở làng nghề - ảnh 3
Người lao động ở làng nghề Quảng Phú Cầu

BHXH huyện đã tích cực chủ động tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, Quyết định giao chỉ tiêu cụ thể số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới các xã, thị trấn. Từ đó tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển người tham gia tới các thành viên Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn, giao chỉ tiêu cho các Hội đoàn thể, các thôn trên địa bàn xã, thị trấn tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình.

Về chính sách hỗ trợ, ông Ngô Xuân Giang thông tin, BHXH tự nguyện đã được Nhà nước hỗ trợ các mức đóng hợp lý để tạo thuận lợi cho người dân tham gia, được hưởng các chế độ khi về già. Cụ thể, thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm cho người dân Thủ đô từ tháng 8.2022 đến 31.12.2025 với mới hỗ trợ bằng Chính phủ hỗ trợ, như vậy người dân Hà Nội đã được hỗ trợ hai lần.

 “Tuy nhiên, do người dân chủ yếu là trung niên, không có việc làm, thu nhập thấp cho nên việc tham gia đóng BHXH tự nguyện là khó khan vì phụ thuộc vào chồng, vợ, con cái. Đối với lao động trẻ có sức khỏe thì họ chỉ nghĩ đến thu nhập trước mắt, mà chưa nghĩ đến tương lai lâu dài, do đó cũng là việc khó khăn trong việc tuyên truyền để người dân tham gia BHXH tự nguyện”, ông Giang cho hay.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã trả lời, giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến an sinh xã hội cho người lao động tự do ở làng nghề. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách BHXH, BHXH tự nguyện – đảm bảo cuộc sống khi về già.