Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong du lịch làng nghề

VHO - Ngày càng nhiều làng nghề truyền thống của Quảng Nam trở thành những điểm đến được du khách yêu thích, không chỉ góp phần phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn mà còn thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP. Điều thú vị ở những mô hình này chính là người dân- những chủ nhân đích thực của làng nghề sẽ đóng vai trò chủ thể, là những hướng dẫn viên địa phương cho du khách.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong du lịch làng nghề - Anh 1

Du khách tập làm nông dân cùng người dân làng rau Trà Quế, Hội An

Thành phố Hội An là một trong những địa phương phát triển sớm và khá hiệu quả mô hình gắn kết du lịch nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm OCOP; trong đó một số sản phẩm bước đầu đã tạo được thương hiệu, trở thành sản phẩm trải nghiệm hoặc quà lưu niệm độc đáo được du khách lựa chọn, mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. 
Có thể kể đến các điểm đến du lịch ở làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà; du lịch cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp rau Thanh Đông, rừng dừa nước tại xã Cẩm Thanh, các sản phẩm trà rừng Cù Lao Chàm,….được kỳ vọng sẽ vừa giúp nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch này, xây dựng được chuỗi sản phẩm OCOP đặc trưng. 
Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Những chủ nhân đích thực của không gian làng quê ấy sẽ là người đồng hành cùng trải nghiệm với du khách, cộng đồng cùng hưởng lợi và chia sẻ. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…
Thành công của làng rau Trà Quế, Hội An là một minh chứng cụ thể của việc phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với khai thác, giữ gìn các giá trị văn hóa bản địa, sản phẩm OCOP của làng nghề này. 
Ông Mai Lụa- một nông dân đã hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng rau ở đây chia sẻ: Bình thường, người dân vẫn trồng rau cung ứng cho thị trường, nay  nông dân ở làng còn có thêm thu nhập khá từ nghề “hướng dẫn viên”, hướng dẫn du khách cùng trồng rau, cùng chế biến và thưởng thức các món ăn từ rau Trà Quế, thư giãn với các hương liệu cây cỏ thiên nhiên của làng rau, mua các sản phẩm sạch được chế biến từ nguyên liệu của làng rau,…

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong du lịch làng nghề - Anh 2

Cùng trồng lúa, ra đồng với nông dân ở Cẩm Thanh, Hội An

Tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể do Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền địa phương xã Cẩm Thanh triển khai thử nghiệm thời gian qua tại rừng dừa Bảy Mẫu được xây dựng từ gắn kết 3 giá trị sinh thái sẵn có của làng quê này là vườn rau hữu cơ- làng lúa- rừng dừa nước làm điểm nhấn. Từ đó kết nối, mở rộng tham quan đến các di tích lịch sử văn hóa của Khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. 
Điều thú vị ở mô hình này là du khách sẽ cùng theo chân những chủ nhân vườn rau hữu cơ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nghe họ kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử nơi các di tích, cảnh đẹp của sông nước một cách tự nhiên và chân thành nhất. 
Chính những người dân địa phương, nghệ nhân làng nghề sẽ là những hướng dẫn viên địa phương, giới thiệu cho khách tham quan lịch sử làng quê truyền thống, dạy và cùng du khách trải nghiệm những đặc trưng văn hóa, quy trình sản xuất các sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Từ đó, du khách sẽ hiểu thêm những câu chuyện văn hóa chiều sâu của những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản, quà lưu niệm của các làng nghề này, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm của làng nghề cũng khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trong đó có nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP. Cộng đồng có thể nâng cao thu nhập từ du lịch và các sản phẩm làng nghề, từ đó mà trân quý, giữ gìn nghề truyền thống.
Sự kết hợp bền vững giữa du lịch với nông nghiệp, nông thôn sẽ cộng hưởng tạo ra những sản phẩm OCOP độc đáo mới mà kết tinh trong đó là những giá trị về lịch sử-văn hóa-thiên nhiên đặc thù, đa dạng của mỗi miền quê xứ Quảng. Đồng thời làm thay đổi nhận thức và tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn. 

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong du lịch làng nghề - Anh 3

Tham quan nhà cổ tại làng cổ Lộc Yên. Ảnh: Lê Bá Tùng

Quảng Nam là một trong 12 tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn để chỉ đạo điểm Chương trình OCOP với 3 nhóm sản phẩm, trong đó có  nhóm du lịch - dịch vụ nông thôn và bán hàng tại thành phố Hội An; triển khai mô hình thí điểm làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn,huyện Đông Giang) và làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên ( xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) để nâng cao chất lượng điểm đến, sản phẩm OCOP của hai đơn vị này
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng xây dựng, ban hành, thực hiện nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn, trong đó có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công tác trao truyền nghề, văn hóa dân gian cho người trẻ ở các làng quê đó.
Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 cũng đặt mục tiêu chung đặt ra là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Quảng Nam đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.
Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, xây dựng 02 - 03 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững,…

Năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 7 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 là phát triển sản phẩm; phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm (tập trung chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh; phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và các sản phẩm thế mạnh khác)….

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc