Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình giáo dục mầm non

VHO - Đó là đề án vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục mầm non; làm phong phú nội dung, hình thức giáo dục, góp phần thực hiện tốt phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình giáo dục mầm non - Anh 1

Trẻ em Huế cùng trải nghiệm cách làm bánh với nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà. Ảnh: M.H

Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình giáo dục mầm non thông qua các hoạt động giáo dục ở các lĩnh vực phát triển thể chất, ngôn ngữ, khám phá xã hội, tình cảm xã hội và thẩm mỹ sẽ giúp trẻ sớm được bồi dưỡng khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn hóa địa phương. Đồng thời hình thành ở trẻ tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với quê hương nơi trẻ sinh sống; giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào về con người Huế và bản sắc văn hóa Huế… Từ đó, hình thành cho trẻ hành vi đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa cội nguồn của địa phương mình; hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương ngay từ độ tuổi mầm non.

Đề án cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, cha mẹ trẻ, các tổ chức và cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường hướng đến sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Theo đó, đề án có nguồn kinh phí hơn 1,82 tỉ đồng dành tập trung đẩy mạnh triển khai trong từ nay đến năm 2028. Trong đó, giai đoạn từ 2023 đến 2025, sẽ xây dựng nguồn tài liệu giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non; tổ chức thẩm định nội dung tài liệu (nguồn tài liệu); in ấn tài liệu; tập huấn năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non (với khoảng 1.000 người).

Giai đoạn 2026 - 2028, sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên mầm non (khoảng 500 người) và tổ chức tham quan trải nghiệm nâng cao năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên mầm non chưa đạt yêu. Tổ chức Ngày hội giao lưu đối với cha mẹ, trẻ em, giáo viên, cộng đồng về chủ đề văn hóa địa phương trong Chương trình giáo dục mầm non; tổ chức các hoạt động truyền thông (chuyên mục, phóng sự, liên hoan giao lưu,..). Những năm về sau, những nội dung và nhiệm vụ này sẽ được thực hiện thường xuyên.

Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình giáo dục mầm non - Anh 2

Học sinh tham quan khu di sản Đại Nội Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chương trình đề án hiệu quả, như: đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình giáo dục mầm non và nội dung giáo dục văn hóa địa phương; tổ chức biên soạn, sưu tầm các tài liệu văn hóa địa phương theo đúng quy định của Luật Di sản và Thông tư só 30/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, phù hợp mục tiêu giáo dục trẻ ở lĩnh vực phát triển theo từng độ tuổi; xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ; huy động các nguồn lực tham gia giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường…

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 206 trường mầm non (gồm 185 trường công lập và 21 trường ngoài công lập) và có 124 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, với tổng số có 2.466 nhóm, lớp. Độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 39,3%, độ tuổi mẫu giáo đạt 93,2%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,77%.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc