Thuốc lá mới không có trong Luật nên quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dễ gây hiểu nhầm
VHO - Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa diễn ra ngày 22.11.
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự Luật này, đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại tới sức khỏe hoặc không lành mạnh, từ đó giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp và đái tháo đường ở Việt Nam, cũng như góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, giảm chi phí cho hệ thống y tế và nền kinh tế do bệnh không lây nhiễm gây ra trong tương lai.
Tuy nhiên, liên quan đến quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) nêu trong dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định tại Điều 12: "Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam".
Bà Đào Hồng Lan lý giải, hiện nay, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa quy định về các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do đó, việc đưa các sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi chưa có cơ sở pháp lý là không phù hợp.
Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt còn quy định: "Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều này để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, giao Chính phủ xem xét, quy định".
“Do vậy, kể cả trong trường hợp mang tính dự phòng thì cũng là quy định thừa, gây ra hiểu lầm về định hướng cho phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành các loại sản phẩm này”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tại phần biểu thuế thuốc lá, Bộ Y tế cũng đề nghị bỏ đơn vị tính là minilit (ml) đối với thuốc lá, vì theo khái niệm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá không có thành phần là chất lỏng. Chất lỏng chỉ có trong thuốc lá điện tử nên đề nghị không bổ sung đơn vị tính minilit. Quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu là chủ trương của cơ quan quản lý hướng tới cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử.
Cũng theo bà Lan, Bộ Y tế đã có báo cáo Chính phủ đề xuất giao Bộ Y tế xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc ngăn chặn tác hại của các sản phẩm này, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Đây đang là vấn đề nóng, cử tri cả nước và nhân dân rất quan tâm, bởi các sản phẩm thuốc lá mới độc hại, gây bệnh, gây nghiện nhanh, là cửa ngõ để ma túy núp bóng vào Việt Nam, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Theo WHO, các báo cáo, nghiên cứu về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã chứng minh những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tư, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi.
Đồng thời, tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị sử dụng một lần...