Sửa luật về quản lý, sử dụng vũ khí, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào ngày 3.6, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với các nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật trong đó có quy định bổ sung dao là vũ khí thô sơ.

Sửa luật về quản lý, sử dụng vũ khí, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) thông tin, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật của Bộ Công an thì cho thấy trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ chiếm 88,4% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và các phương tiện tương tự dao để gây án, riêng đối với đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ, chiếm 66,4%.

Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc, có tính sát thương rất cao, như dao bầu, dao phay, dao quắm và giết người với tình tiết rất manh động, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội.

Trước đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 2 ngày 17.4.2003 đưa một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn để làm tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt.

Thực tế hiện nay, hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên chúng ta không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Sửa luật về quản lý, sử dụng vũ khí, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - ảnh 2
Toàn cảnh phiên thảo luận

Do đó, cần bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi dao này được sử dụng vào mục đích sinh hoạt nên quy định trường hợp đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để đảm bảo tính khả thi của dự án luật và giải quyết được vướng mắc.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) lại đưa ra dẫn chứng, hiện nay, rất nhiều quốc gia có quy định chặt chẽ trong việc sử dụng dao, ví dụ ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ có Luật Dao, trong đó chia dao thành 2 loại, gồm dao hợp pháp và dao trái phép, các loại dao được sở hữu hợp pháp mà không giới hạn bao gồm: dao bỏ túi, dao bô vi, dao bấm, dao săn, dao bướm, còn đối với các loại dao trái phép lại không có quy định cụ thể nào.

Bên cạnh đó, tiểu bang Alabama còn hạn chế các khu vực mọi người không nên mang dao, đó là trường học, Tòa nhà Chính phủ, tòa án, sân bay và bất kỳ địa điểm nào khác vũ khí thường bị cấm. Ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ lại có quy định hạn chế mang dao tại các vị trí như trường học, Tòa nhà Chính phủ và phương tiện giao thông công cộng.

Ở Nhật Bản cũng có luật cấm mang theo các loại dao, đối với các loại dao làm bếp, các loại dao làm đồ vật cần thiết trong công việc và cuộc sống hằng ngày thì được phép tự do sở hữu, tuy nhiên việc cầm theo các loại đồ vật đó mà không có lý do chính đáng đi ngoài đường thì bị cấm.

Pháp luật Nhật Bản còn quy định đối với các loại dao có phần lưỡi dài hơn 6 cm nếu không có lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác thì không được phép mang theo bên người. Mỗi quốc gia, mỗi tiểu bang đều có những quy định riêng đối với các loại dao, nhưng nhìn chung các quốc gia nói trên đều có phân chia cụ thể các loại dao hợp pháp được phép mang theo bên mình và các loại dao bị hạn chế đi đến những khu vực công cộng nhất định.

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng loại dao nào được phép sử dụng hợp pháp thường ngày và những loại dao với những đặc điểm như thế nào nên được kiểm soát trong hoạt động mua, bán, như vậy thì mới có thể đảm bảo được tính toàn diện trong việc phòng ngừa tội phạm lẫn trong sinh hoạt đời thường, không gây xáo trộn trong đời sống người dân.

Sửa luật về quản lý, sử dụng vũ khí, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - ảnh 3

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) nhất trí cao với việc bổ sung, đưa linh kiện vũ khí vào vũ khí quân dụng

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) nhất trí cao với việc bổ sung, đưa linh kiện vũ khí vào vũ khí quân dụng vì qua tổng kết 5 năm thi hành, các lực lượng chức năng đã phát hiện 743 vụ, bắt giữ 745 đối tượng, thu 601.468 linh kiện vũ khí nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà), dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đề cập tương đối đầy đủ về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sửa luật về quản lý, sử dụng vũ khí, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - ảnh 4
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc sửa đổi luật nhằm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

"So sánh với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 sửa đổi năm 2019, dự thảo luật lần này đã có nhiều nội dung mới được bổ sung, tôi hoàn toàn đồng ý vì đã phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể là đã bổ sung các loại dao, vũ khí thô sơ, là những công cụ được coi là vũ khí và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng vũ khí", đại biểu Thịnh cho biết.

Ông cũng đưa ra ví dụ cụ thể khi tình trạng mua bán vũ khí quân dụng đã bị loại bỏ thành phế liệu xảy ra tại nhiều địa phương và đang gây nguy hiểm cho người dân xung quanh.

"Năm 2018 tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có xảy ra vụ ông Nguyễn Văn Tiến mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7, 14 ly 5 để tháo dỡ phế liệu. Khi số đầu đạn trên để tại vườn nhà ông Tiến thì bất ngờ phát nổ làm 2 cháu thiệt mạng cùng 7 người khác bị thương nặng phải đưa vào cấp cứu, 6 căn nhà gần đó bị sập và hư hỏng hoàn toàn, ngoài ra có khoảng 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng", đại biểu dẫn chứng.

Từ đó ông góp ý, trong dự thảo luật cần quy định rõ hơn việc nghiêm cấm người dân không được thu gom phế liệu và sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ. Việc xử lý, tiêu hủy các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ chỉ được giao cho các tổ chức có đủ các điều kiện kỹ thuật và khả năng tiêu hủy các loại phế liệu đặc biệt nguy hiểm này.