Thanh Hoá:

Hàng loạt doanh nghiệp “dính đòn” thanh tra, bị phạt hơn 5 tỉ đồng

NGUYỄN LINH

VHO - Chỉ trong hơn nửa đầu năm 2025, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên. Số tiền xử phạt hành chính lên tới hơn 5 tỉ đồng, nhiều vụ đã bị khởi tố hình sự.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã triển khai nhiều đợt kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào ba lĩnh vực nhạy cảm: phòng cháy chữa cháy (PCCC), bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên.

Hàng loạt doanh nghiệp “dính đòn” thanh tra, bị phạt hơn 5 tỉ đồng - ảnh 1
Lực lượng chức năng hướng dẫn doanh nghiệp thực hành các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở sản xuất

Qua đó, đã phát hiện hàng loạt sai phạm với tính chất, mức độ khác nhau, cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí coi thường pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp.

Cụ thể, trong lĩnh vực PCCC, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với 218 doanh nghiệp vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 2,7 tỉ đồng.

Các lỗi phổ biến gồm: vi phạm quy định trong đầu tư xây dựng, thiết kế PCCC không đúng quy chuẩn; trang bị, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy không đạt yêu cầu; vi phạm trong tổ chức huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy; không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn...

Đây là những vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ và thiệt hại về người, tài sản nếu không được chấn chỉnh kịp thời.

Không chỉ trong lĩnh vực PCCC, công tác kiểm tra môi trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 34 vụ việc liên quan đến vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong đó, khởi tố 1 vụ án, 1 bị can về hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời xử phạt hành chính 13 vụ với số tiền lên tới 2,5 tỉ đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là đổ chất thải rắn không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường những hành vi trực tiếp ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống dân cư xung quanh.

Ở lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 32 vụ việc, liên quan đến 53 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm như khai thác trái phép, không hoàn nguyên môi trường, không đóng thuế tài nguyên theo quy định.

Đặc biệt, trong đó có 13 vụ, 24 bị can đã bị khởi tố vì hành vi trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của hành vi trục lợi bất chính, làm thất thoát ngân sách Nhà nước và gây bất bình trong dư luận.

Những con số trên không chỉ phản ánh quyết tâm của Thanh Hóa trong việc “làm sạch” môi trường đầu tư, mà còn cho thấy mức độ phức tạp, tinh vi của các vi phạm.

Việc xử phạt nghiêm khắc, khởi tố hình sự các vụ việc điển hình là bước đi mạnh mẽ nhằm khẳng định không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm doanh nghiệp.

Được biết, không chỉ dừng lại ở xử phạt, thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục mở rộng thanh tra, kiểm tra chuyên đề, giám sát việc khắc phục hậu quả sau xử lý. Trường hợp cố tình tái phạm hoặc đối phó sẽ bị kiến nghị đình chỉ hoạt động, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng với đó, Thanh Hóa cũng tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ trong giám sát môi trường và phòng cháy để phát hiện sớm sai phạm, xử lý từ gốc.

Việc xử lý nghiêm minh những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp siết chặt kỷ cương, bảo đảm an toàn cho cộng đồng mà còn là thông điệp rõ ràng từ chính quyền tỉnh: phát triển kinh tế không thể đánh đổi bằng sự xem nhẹ pháp luật và trách nhiệm xã hội.

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, bắt buộc phải đi cùng sự minh bạch, tuân thủ và đạo đức kinh doanh.