Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính nguy hiểm thế nào?

KHÁNH MY

VHO - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được bác sĩ chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch mạn tính. Vậy căn bệnh này nguy hiểm đến mức nào và làm sao để phát hiện sớm?

Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính nguy hiểm thế nào? - ảnh 1
Hình ảnh minh họa tĩnh mạch khỏe mạnh và tĩnh mạch bị suy giãn, cho thấy sự khác biệt về cấu trúc van và dòng chảy của máu

“Tổng thống Trump gần đây cảm thấy hai chân sưng nhẹ. Đây là biểu hiện lành tính, thường gặp ở người lớn tuổi và không có dấu hiệu huyết khối hay bệnh động mạch”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ngày 17.7.

Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông Trump có một số vết bầm ở tay. Ông Sean Barbabella, bác sĩ riêng của tổng thống Mỹ cho biết nguyên nhân là do kích ứng mô do bắt tay thường xuyên và dùng thuốc aspirin - loại thuốc mà ông Trump dùng để duy trì sức khỏe tim mạch.

Trong quá trình kiểm tra toàn diện, ông Trump cũng được siêu âm tim và xét nghiệm máu. Tất cả chỉ số đều trong giới hạn cho phép và không phát hiện dấu hiệu suy tim, suy thận hoặc bệnh lý toàn thân. Bác sĩ Barbabella đánh giá "Tổng thống Trump vẫn rất khỏe mạnh".

Suy tĩnh mạch mạn tính là gì?

Suy tĩnh mạch mạn tính (CVI) xảy ra khi các tĩnh mạch ở chân không thể đưa máu trở lại tim một cách hiệu quả, dẫn đến máu bị ứ đọng ở vùng cẳng chân.

Bệnh thường gây sưng quanh mắt cá chân và bàn chân, kèm theo cảm giác nặng chân, đau nhức, tê bì hoặc xuất hiện tĩnh mạch giãn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị loét chân khó lành.

Máu ứ đọng lâu ngày trong các tĩnh mạch suy yếu có thể tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Nếu huyết khối xuất hiện ở tĩnh mạch sâu của chân, người bệnh có thể bị sưng, đau dữ dội, da tím hoặc đỏ – đây là tình trạng cấp cứu cần xử lý ngay.

Nguy hiểm hơn, khi cục máu đông bong ra và trôi theo dòng máu lên tim rồi tới động mạch phổi, nó có thể gây tắc mạch phổi, biến chứng có thể dẫn đến đột tử nếu không được can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

Theo bác sĩ Prakash Krishnan, công tác tại Bệnh viện Mount Sinai Fuster Heart ở bang New York (Mỹ), các tĩnh mạch, đặc biệt là ở chân, phải làm nhiệm vụ đưa máu ngược lên tim nhờ hệ thống van một chiều và sự co bóp của cơ.

Tuy nhiên, khi đứng quá lâu khiến máu dồn xuống chi dưới, áp lực này có thể làm các tĩnh mạch và van giãn rộng, dẫn đến suy tĩnh mạch.

Cách phát hiện và điều trị

Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng như suy tim, bệnh thận hay huyết khối. Siêu âm Doppler là phương pháp phổ biến giúp đánh giá tình trạng dòng chảy của máu trong tĩnh mạch chân.

Theo các chuyên gia, điều trị ban đầu thường bao gồm mang vớ áp lực, kê cao chân khi nghỉ ngơi, duy trì cân nặng hợp lý và tập luyện nhẹ như đi bộ. Trường hợp nặng có thể cần dùng thuốc hoặc can thiệp y tế để phục hồi chức năng tĩnh mạch.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc