Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại

Bài, ảnh, clip: SƠN THÙY

VHO - Cầu đi bộ ven sông Hương đang được đơn vị chuyên môn sửa chữa, thay thế gỗ sau khi phát hiện tình trạng hư hại mặt sàn. Đây là công trình điểm nhấn cảnh quan ở Huế, từng được dư luận quan tâm khi chọn lát sàn bằng gỗ lim.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 1
Nhiều thanh gỗ lim lát sàn ở cầu đi bộ ven sông Hương đã bị hư hại

Những ngày vừa qua, người dân địa phương và du khách phản ánh tình trạng mặt sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị xuống cấp, hư hại. Nhiều thanh gỗ bị mục rỗng gây mất mỹ quan và nguy hiểm đối với người đi lại trên cầu.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực sàn gỗ bị xuống cấp tập trung nhiều ở đoạn giáp với công viên đối diện Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi nắm thông tin, trong ngày 11.2, Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa (Thành phố Huế) đã bố trí lực lượng tiến hành tháo dỡ, vệ sinh mặt sàn và sửa chữa, thay thế gỗ.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 2
Khu vực bị hư hại tập trung ở đoạn giáp công viên đối diện Bệnh viện Trung ương Huế.

Cầu đi bộ ven sông Hương là công trình do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, được thực hiện năm 2018. Thời điểm đó, việc công bố lát sàn gỗ lim trên công trình này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, bởi nhiều người lo ngại chất lượng gỗ sẽ bị ảnh hưởng khi nước sông Hương thường dâng cao mỗi mùa mưa lũ (Báo Văn Hóa cũng đã có các bài phản ánh).

Loại gỗ được chọn lát sàn là gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi, được xử lý hóa chất và sấy, gia công đảm bảo yêu cầu của dự án. Công trình đường đi bộ này dài 380m, rộng 4m và được lát sàn gỗ lim diện tích hơn 2.400 m2 với độ dày 5cm. Ước tính đã có khoảng 16.000 thanh gỗ được lát trên tuyến đường đi bộ ven sông Hương này.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 3
Từ khi đưa vào sử dụng, cầu đi bộ ven bờ Nam sông Hương là điểm đến của nhiều người dân và du khách

Dạo bộ trên tuyến đường này, ông Phạm Văn Tịnh (68 tuổi) sống ở TP.Hồ Chí Minh và trở về quê ở Huế mỗi dịp Tết. Ông Tịnh nhận định rằng: công trình cầu đi bộ này rất ấn tượng, du khách hay người Huế ở đâu về đều rất thích đến đây để tản bộ, check-in, ngắm cảnh sông Hương thơ mộng và cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương.

"Lần này, thấy sàn gỗ trên cầu bị hư hại, mục nát tôi rất tiếc. Bây giờ có thể thay gỗ nhưng trong tương lai lâu dài, nếu không thể đủ được vật liệu gỗ để thay thế thường xuyên thì cũng có thể tính đến thay bằng vật liệu khác để giữ công trình này cho Huế" - ông Tịnh bày tỏ.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 4
Nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa bóc dỡ các thanh gỗ bị mục để thay mới

Theo ông Dương Quang Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa, qua khảo sát của đơn vị, có hơn 50 thanh gỗ bị hư và phải thay thế. Tình trạng xuống cấp, hư hại này là do thời tiết khắc nghiệt, một số thanh gỗ xuất hiện vết nứt nên khi ngâm nước lâu ngày thì bùn sẽ thẩm thấu vào gây hư, mục. 

“Công trình đã hết hạn bảo hành lâu rồi, bây giờ hư hỏng ở đâu thì mình sửa chữa đó thôi. Đã qua 7 năm rồi, gỗ lim để ngoài trời với diễn biến thời tiết khắc nghiệt thì đến một thời gian nào đó cũng xảy ra hư hỏng, khác với để trong nhà. Việc sửa chữa cũng không có gì khó khăn, sau khi thay thế các thanh gỗ và vẫn đảm bảo chất lượng của công trình” - ông Dương Quang Hiền cho biết.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 5
Gỗ lim dự phòng từ dự án được sử dụng để thay thế khi mặt sàn đường đi bộ bị hư hỏng

Cũng theo ông Hiền, trước đó, khi thực hiện dự án của KOICA, chủ đầu tư đã có phương án giành khối lượng gỗ dự phòng để sửa chữa, thay thế khi xảy ra hư hại mặt sàn.

Đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương có kinh phí thực hiện gần 53 tỉ đồng; trong đó chi phí lát sàn gỗ lim nhập từ Nam Phi là hơn 5,7 tỉ đồng. Được biết, hiện nay quận Thuận Hóa cũng đang triển khai dự án xây dựng đường dạo bộ và sân khấu ngoài trời ven bờ Nam sông Hương với kinh phí 28,5 tỉ đồng.

Sàn gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại - ảnh 6
Thanh gỗ cạnh lan can cầu đi bộ bị hư và "lọt hố" dễ gây nguy hiểm đối với người dạo bộ.

Trong đó, tuyến đường dạo dọc bờ sông có chiều khoảng 430m, rộng 3m, có kết cấu kè tường chắn bê tông cốt thép M300 cao 1,7m; mặt sàn bê-tông cốt thép dày 20cm và cũng sẽ lát gỗ lim dày 5cm.

Tuyến đường đang xây dựng này sẽ kết nối với cầu đi bộ lát sàn gỗ lim ven sông Hương do KOICA tài trợ trước đó, tạo thành điểm nhấn cảnh quan của bờ Nam dòng sông này.