​Đường đi bộ lát sàn gỗ lim sông Hương: Gỗ bị nứt là nằm trong dự phòng?

VH- Chưa đưa vào sử dụng nhưng hạng mục lát sàn gỗ lim thuộc dự án con đường đi bộ ven sông Hương tiếp tục bị dư luận nghi ngại khi xuất hiện nhiều vết rạn, nứt. Trước đó, dự án này đã bị nhiều nhà nghiên cứu và dư luận phản ứng vì sử dụng gỗ lim để lát sàn.

Công trình đường đi bộ ven sông Hương, thuộc dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ hiện đã hoàn thành khoảng 2/3 hạng mục lát sàn gỗ lim.

​Đường đi bộ lát sàn gỗ lim sông Hương: Gỗ bị nứt là nằm trong dự phòng? - Anh 1

Chỉ là trường hợp cá biệt…

Dự án được khởi động từ đầu năm 2018, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, để tránh thời tiết mùa mưa bão ở Huế, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ và theo kế hoạch con đường này sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 9 này. Chính quyền địa phương kỳ vọng dự án sẽ tạo nên điểm nhấn cho Huế và thu hút du khách đến với Cố đô.

Tuy nhiên, những ngày qua người dân đã tỏ ra bức xúc khi nhiều thanh gỗ đã được lát sàn xuất hiện các vết nứt. Có thanh gỗ chỉ là vết nứt chân chim, nhưng cũng không ít thanh bị các vết nứt lớn, chạy dài dọc thớ gỗ. Trước đây, việc công bố lát sàn gỗ lim của dự án nói trên đã khiến dư luận lo ngại vì Huế là vùng mưa lũ thường xuyên. Việc xuất hiện vết nứt trên sàn gỗ lim vừa lát càng khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng công trình này. Đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương có kinh phí thực hiện gần 53 tỉ đồng, trong đó chi phí lát sàn gỗ lim nhập từ Nam Phi dự kiến hơn 5,7 tỉ đồng. Theo đại diện UBND TP Huế, KOICA chỉ tài trợ thực hiện dự án, còn chi phí cho việc duy tu và bảo dưỡng về sau sẽ được trích từ ngân sách địa phương.

Ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty Xây dựng Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị thi công công trình đường đi bộ ven sông Hương, thừa nhận có sự xuất hiện vết nứt trên sàn gỗ lim. Các vết nứt này tập trung vào 2 nhóm: nứt ở thanh phôi gỗ và những vết rạn nứt nhỏ ở trên bề mặt gỗ vừa được lát sàn. “Do yêu cầu khi sấy gỗ, độ ẩm phải đạt 8% nên đã dẫn đến xuất hiện vết nứt ở hai đầu thanh gỗ. Vấn đề này, chúng tôi đã có dự phòng trong quá trình thi công, nên đã sử dụng phôi gỗ dài hơn thành phẩm 20cm. Khi quá trình lắp đặt mặt sàn, sẽ cắt bỏ bớt phần nứt ở hai đầu thanh gỗ”, ông Thành nói.

Về hiện tượng nứt ở các thanh gỗ đã được lát sàn, ông Thành giải thích, đó là trường hợp cá biệt, và do nghiệm thu gỗ hình dáng bằng cảm quan. Đơn vị thi công đã đánh dấu những thanh gỗ bị “lỗi” này để tháo dỡ và thay bằng những thanh gỗ khác.

​Đường đi bộ lát sàn gỗ lim sông Hương: Gỗ bị nứt là nằm trong dự phòng? - Anh 2

 Đơn vị thi công kiểm tra sàn gỗ đã được lát

 

​Đường đi bộ lát sàn gỗ lim sông Hương: Gỗ bị nứt là nằm trong dự phòng? - Anh 3

Nhiều thanh gỗ đã bị nứt

... và làm giảm tính thẩm mỹ chút thôi

Ông Văn Viết Thành cũng cho rằng, hiện tượng rạn nứt gỗ lát sàn này chỉ làm giảm tính thẩm mỹ của công trình chứ không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực. Qua quá trình sử dụng, gỗ tự nhiên nếu ở ngoài trời nắng với nhiệt độ cao sẽ xuất hiện rạn nứt. Công trình này có thời gian bảo hành 30 tháng, nhà thầu sẽ phải theo dõi để kiểm tra hiện tượng đó, nếu bị nứt dọc các thanh gỗ thì phải loại bỏ để thay mới. Đường đi bộ này được lát sàn bởi 16.000 thanh gỗ lim, và đã dự kiến xác suất gỗ bị loại bỏ thay thế là 5% nên không đáng lo ngại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó ban Quản lý dự án KOICA khẳng định, gỗ lim lát sàn được nhập từ Nam Phi và được giám sát chặt chẽ khi vận chuyển và đưa về công trình, được giám định đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam. Các chuyên gia của KOICA cũng đến giám sát việc thi công hàng tháng. Việc xuất hiện các vết rạn nứt trên thanh gỗ không ảnh hưởng đến kết cấu của công trình.

 ​ Đường đi bộ lát sàn gỗ lim ven bờ Nam sông Hương dài hơn 380 mét, rộng 4 mét và được lát sàn gỗ lim với diện tích 2.438m2, độ dày 5 cm. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, giới chuyên môn đã không đồng tình với con đường này. Trong đó, không chỉ lo ngại về thời tiết làm hư hại đến hệ thống gỗ lát sàn mà nhiều nhà văn hóa cho rằng dự án đã ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của sông Hương.

 

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc